Cùng là con đẻ, sao ba mẹ yêu thương con mà ghẻ lạnh chị hai?

Chị là con ruột chứ có phải con nuôi đâu, sao ba mẹ lại đối xử với con cái của mình như thế?

Cùng là con đẻ, sao ba mẹ yêu thương con mà ghẻ lạnh chị hai?
Cung la con de, sao ba me yeu thuong con ma ghe lanh chi hai?

Từ nhỏ, con rất thích khi được ba mẹ cưng hơn chị hai. Nhưng lớn lên, con nhận ra chị hai quá thiếu thốn tình cảm từ ba mẹ. Con cảm giác có lỗi với chị khi đã giành hết mọi thứ mà đáng ra chị phải được nhận, vì chúng con đều là con của ba mẹ.

Nhà mình nghèo, chị hai tự lập sớm, kiếm được bao nhiêu tiền chị đều dành cho gia đình. Mới hết năm thứ hai đại học, chị đã phụ ba mẹ lo tiền học phí hằng tháng cho con và còn mua được một cặp bò. Chị nói, chỉ cần mỗi ngày siêng cắt cỏ cho bò ăn, rồi bò mẹ sẽ đẻ bò con, dần dần sẽ có cả đàn bò.

Ba mẹ nuôi bò được vài tháng thì than mệt, vì ngày nào cũng phải ra đồng cắt cỏ. Kẹt tiền, ba bán rẻ cho người ta làm thịt, giá còn thấp hơn lúc chị hai mua. Khi chị về thăm nhà, biết được tin thì ba mẹ đã xài gần hết tiền bán cặp bò. Chị rất buồn nhưng sợ ba mẹ không vui nên vẫn tỏ vẻ như không có chuyện gì.

May mắn có được công việc tốt khi ra trường nhưng chị phải lo bao nhiêu thứ để trụ được ở thành phố và hằng tháng gửi tiền về lo cho cả nhà. Thấy tiền chị gửi đủ xài, ba liền nghỉ việc ở công ty, mẹ cũng dần dẹp tiệm tạp hóa. Gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai gầy guộc của chị. Thấy chị gầy ốm xanh xao, con thương mà không giúp được gì.

Con biết chị hai suy nghĩ nhiều về kinh tế của nhà mình. Chị không thể một mình gồng gánh mãi, phải tạo công việc cho cả nhà. Chị thuê mặt bằng, mở quán ăn, giao ba mẹ trông coi. Ngoài giờ học, con phụ giúp bưng bê, lặt rau, rửa bát, mong góp chút công sức. Quán ngày càng đông khách.

Cứ tưởng nhà mình đã qua thời khốn khó. Nhưng ba mua vé số, chơi đề, tụ tập bạn bè rượu bia liên miên. Mẹ cũng vậy. Mạnh ai nấy xài. Quán đông khách nhưng không còn vốn để nhập hàng, không đủ tiền trả nhân viên. Nợ chồng thêm nợ, đến nỗi nhiều người tuyên bố không giao nguyên liệu nữa. Chị hai rót thêm vốn nhưng cũng chỉ đủ cầm cự một thời gian. Quán đóng cửa. Ba mẹ tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. 

Gần đây, chị nói với con, chị sắp hết hợp đồng và sẽ không được ký tiếp hợp đồng dài hơn như dự định, vì công ty gặp khó khăn trong kinh doanh.

Thu nhập của chị giảm hẳn. Chị đang tìm một chỗ làm mới. Đâu phải ba mẹ không biết chuyện này. Vậy tại sao còn tỏ ra khó chịu, nặng nhẹ trách móc, chỉ vì tháng này chị gửi tiền về chỉ bằng một nửa so với mọi khi?

Chị là con ruột chứ có phải con nuôi đâu, sao ba mẹ lại đối xử với con cái của mình như thế? Con biết, ngày xưa khó khăn, ba mẹ phải gửi chị ở với bà nội từ nhỏ. Mười sáu tuổi, khi bà nội mất, chị mới về sống cùng ba mẹ. Đáng lẽ, ba mẹ phải thương chị gấp nhiều lần để bù đắp sự thiếu thốn tình cảm đó. Ba mẹ chưa già, cũng phải nghĩ cách kiếm tiền trang trải cuộc sống, không thể chỉ dựa vào chị hai. Chị là con gái, mai này còn phải lấy chồng, sinh con, lo cho gia đình riêng.

Còn một năm nữa, con học xong phổ thông. Con dự tính khi đậu đại học sẽ tìm việc làm thêm để chia sẻ gánh nặng cho chị. Ba nạt, biểu con lo học, đi làm vất vả học gì nổi. Mẹ nói, mai mốt ở trọ chung với chị, có gì chị lo cho.

Con trăn trở mãi, hai đứa con gái đứt ruột đẻ ra, tại sao một đứa được thương, một đứa không?

Theo Phunuonline.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ