Thời gian cúng giao thừa
Cúng giao thừa là nghi lễ được thực hiện vào thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Lễ cúng giao thừa thường được bắt đầu từ lúc 23h30 cho đến 0h59 ngày mùng 1 Tết.
Đây là lúc trời đất giao hòa, vạn tượng sinh sôi, khí xuân tràn ngập khắp nơi, vạn vật thanh tân sức sống. Cũng là thời khắc kết thúc năm cũ và khởi đầu cho mười hai tháng sắp tới. Vì thế, dù có đi làm ăn ở đâu xa thì đến dịp này ai nấy cũng cố gắng trở về đoàn tụ gia đình, chào đón năm mới.
Trong nghi lễ cúng giao thừa, ai cũng mong cầu cho năm mới được bình an, thông thuận, làm ăn phát triển, sức khỏe dồi dào, tai qua nạn khỏi, công thành danh toại, hạnh phúc lứa đôi, con cái ngoan ngoãn.
Giao thừa cúng trong nhà hay ngoài trời trước
Theo chuyên gia phong thủy Nguyễn Hoàng, vào thời khắc chuyển giao năm mới và năm cũ nên thực hiện cỗ cúng ngoài trời trước rồi mới tới trong nhà.
Lễ ngoài trời nên làm trước, mang ý nghĩa “nghênh tân, tiễn cựu”, tức đón quan hành khiển mới, tiễn quan hành khiển cũ.
Theo tín ngưỡng thờ thần, mỗi năm có một vị quan hành khiển, một vị quan hành binh, một vị tào phán quan và vô vàn thiên binh thiên tướng được Ngọc Hoàng giao xuống cai quản thế gian.
Quan hành khiển quản lý chung, quan hành binh giữ gìn trật tự, tào phán quan ghi chép công tội thiện ác của mỗi cá nhân. Cứ mỗi năm, Ngọc Hoàng lại cử một nhóm quan xuống hạ giới để tuần sát thế gian, nhiệm kỳ 12 tháng.
Cúng giao thừa ngoài trời là lúc quan cũ và quan mới cùng nhau tuần lãm, bàn giao công việc. Nếu gia đình nào nhân lúc đó mà dâng lễ lòng thành thì được quan cũ lưu phước lưu ân, quan mới ban tài tiếp lộc, sẽ được gặp may trong năm mới. Vì các quan chỉ tuần lãm thoáng qua trong khoảnh khắc giao thừa nên nghi lễ này phải được thực hiện trước.
Sau đó vào nhà, bày biện vật phẩm, dâng cúng tôn thần bản xứ và tổ tiên nhà mình.
* Thông tin mang tính tham khảo!