Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Thay vì hướng dẫn học sinh học online, qua video, ngành Giáo dục TP Cần Thơ tiên phong trong việc kết hợp ôn tập với tham gia hoạt động trải nghiệm môn học thực tế tại nhà.
Trường Tiểu học Trà An (quận Bình Thuỷ, TP Cần Thơ) có gần 900 học sinh. Mỗi lớp, ngoài việc lập nhóm Zalo với phụ huynh học sinh, thầy cô chủ nhiệm còn lên kế hoạch và gửi bài vở ôn tập theo tuần cho các em, tạo điều kiện cho cha mẹ kèm con tự ôn tại nhà, đồng thời, thường xuyên hướng dẫn và tiếp nhận các ý kiến phản hồi từ gia đình HS trong việc dạy và học.
Với mô hình này, phụ huynh trở thành cầu nối giữa học sinh và giáo viên trong việc hướng dẫn các em ôn bài tại nhà. Ngoài việc ôn bài, nhà trường còn triển khai các hoạt động GD kỹ năng cho học sinh như phụ giúp cha mẹ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, nấu ăn, tập đạp xe, tưới cây… Với phương châm “tuổi nhỏ làm việc nhỏ”, giải pháp này đã nhận được phản hồi tích cực từ phụ huynh.
Cô Nguyễn Thị Hồng Huế - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà An rất vui khi chia sẻ những bức ảnh do phụ huynh chụp và gửi lại. “Những ngày đầu triển khai hoạt động kỹ năng cho trẻ tại nhà, Zalo lúc nào cũng sáng đèn. Với phương châm vừa hỗ trợ kiến thức, vừa rèn luyện thêm kỹ năng sống cho học sinh, các thầy cô giáo đã tận tình hướng dẫn và tuyên truyền để phụ huynh hiểu rõ”, cô Huế tâm sự.
Trải nghiệm tại nhà
Khi học sinh học tập tại nhà mà không kiểm tra đánh giá sẽ mang lại cảm giác nhàm chán. Theo cô Nguyễn Lê Hương - Hiệu trưởng Trường THCS An Hoà 2 (quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ), để tháo gỡ khó khăn, nhà trường đã khuyến khích các em bằng cách tích lũy điểm sau khi trở lại trường. Tùy bộ môn sẽ có cách cộng điểm khác nhau, vừa đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá, vừa hướng dẫn tổ chức em học tập tại nhà hiệu quả.
Sau 2 tuần triển khai giao bài cho các em tự học, Trường THCS An Hoà 2 triển khai một số hoạt động trải nghiệm tại nhà. Mỗi môn sẽ có phần tích hợp hoạt động như vẽ tranh cổ động phòng chống dịch Covid-19. Một số lớp cho học sinh tập múa bài “Ghen Cô Vy” trong môn Thể dục. Bộ môn Địa lý giao cho các em tự tìm hiểu về các vấn đề xâm nhập mặn, hạn hán và trình bày giải pháp để góp phần hạn chế tình trạng trên.
Cô Nguyễn Lê Hương trao đổi: Đây là mô hình hoạt động trải nghiệm tại nhà mà tập thể Trường THCS An Hoà 2 đã cố gắng xây dựng và thực hiện. Hàng tuần, lãnh đạo nhà trường đều họp chỉ đạo và triển khai từng bộ môn tập trung vào các vấn đề thực tế xã hội. Cụ thể như môn Sử - Địa sẽ tập trung vào vấn đề hạn mặn; môn Văn tập trung vào Văn học địa phương qua tìm hiểu chợ nổi, đền, chùa… Qua đó, các thầy cô trong bộ môn sẽ sắp xếp, ra yêu cầu theo từng khối 6, 7, 8 cho phù hợp với mục tiêu giáo dục.
Kể từ khi triển khai hoạt động tự học và một số hoạt động trải nghiệm môn học thực tế tại nhà, cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều ủng hộ. Nhiều người rất vui khi thấy con thay đổi tích cực, biết chia sẻ công việc nhà và phụ giúp gia đình. “Sau khi kết nối với nhà trường và hướng dẫn con làm theo. Gia đình tôi bất ngờ khi con có sự thay đổi tích cực. Thay vì xem tivi hay chơi điện thoại, giờ con biết tự chăm sóc bản thân. Biết phụ giúp gia đình trong việc nấu ăn, nhặt rau, rửa chén…”, chị Huỳnh Thị Thúy An, phụ huynh học sinh Trường THCS An Hoà 2 vui vẻ nói.
Bên cạnh đó, khoảng cách giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên cũng gần gũi hơn. Các em tích cực và chủ động hơn trong việc học tập; phụ huynh cũng quan tâm đến việc học của con em nhiều hơn… Theo chia sẻ của các giáo viên chủ nhiệm Trường Tiểu học Trà An và THCS An Hoà 2, kể từ khi triển khai tự học và trao đổi với học sinh qua Facebook, Zalo, Trường học kết nối…, các em tương tác nhiều hơn, thường xuyên đóng góp ý kiến xây dựng bài và thân thiết với nhau hơn.
Từ khi các hoạt động trải nghiệm được nhà trường triển khai, cả nhà tôi rất vui khi vừa làm việc vừa cùng con học tập. Cùng nhau trải nghiệm, học tập rất thú vị và bổ ích. - Anh Phạm Đỗ Minh Trung, phụ huynh học sinh Trường THCS An Hoà 2.