Háo hức được trở lại trường
Ở thời điểm nghỉ hè, trẻ thường được thoải mái trong nếp sinh hoạt hàng ngày. Phần đông các phụ huynh có xu hướng cho các con tham gia các lớp kỹ năng sống, dã ngoại, vui chơi cùng gia đình. Bên cạnh đó, nhiều cha mẹ cũng chia sẻ, bản thân mình phải thu xếp thời gian làm việc để đưa đón con, thậm chí quản lý con trong ba tháng hè. Cho nên khi con trở lại trường, cha mẹ cũng rảnh rang yên tâm hơn trong công việc của mình.
Kỳ nghỉ kết thúc, học sinh dừng lại các hoạt động vui chơi trong hè để tiếp tục hành trình học tập. Bởi vậy các con có được sự háo hức vì sẽ được gặp bạn bè, còn các cha mẹ thì nửa mừng nửa lo. Mừng vì thoát khỏi nỗi lo lắng trong việc kiểm soát con, để con không bị nghiện game, nghiện tivi trong thời gian ở nhà một mình. Song phụ huynh cũng không khỏi lo lắng vì lại tiếp tục quá trình đồng hành cùng con trong học tập. Đặc biệt đối với những trẻ còn lơ là, không chú tâm vào học thì cha mẹ lại càng vất vả hơn.
Làm thế nào để con có thể đón nhận việc học tập một cách tốt nhất sau một thời gian khá dài con được nghỉ ngơi, đó cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh. Chia sẻ về vấn đề này chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Wedo Wegood (Hà Nội) đã đưa ra lời khuyên: Cha mẹ và con hãy ngồi lại cùng nhau để tìm ra các vấn đề mà con đã làm được, chưa làm được, thậm chí còn có những khiếm khuyết của năm học trước.
Từ đó cha mẹ và con cái sẽ thảo luận đưa ra các cách thức cụ thể để phát triển những mặt tích cực, hoặc phải khắc phục thay đổi những nhược điểm về học tập trong năm học cũ của con. Cha mẹ có thể đưa ra những cảnh báo, đón đầu các vấn đề khó hơn, mới mẻ hơn của năm học sắp tới để con nghĩ cách tháo gỡ cho chính mình...
Giúp con tự tin ở cấp học mới
Chuyên gia Phạm Hiền đã đưa ra đánh giá: Giai đoạn vào học lớp 1 rất quan trọng với các con. Vì đây là bước chuyển hướng lớn, từ một đứa trẻ mầm non đang được chăm bẵm chu đáo trẻ phải tự lập với hoạt động học có tính kỷ luật cao. Điều này khiến cho rất nhiều con có thể có cảm giác căng thẳng sợ hãi, ngấm ngầm thu mình lại, hoặc có thể phá phách vô nguyên tắc. Cho nên, bất kỳ biểu hiện thay đổi nhỏ của con so với giai đoạn ở mầm non, mẫu giáo sẽ phải được bố mẹ quan sát tỉ mỉ. Từ đó cha mẹ kết hợp với các thầy cô giáo trợ giúp con vượt qua những khó khăn ban đầu.
Giai đoạn vào cấp 2 thường là giai đoạn trẻ có nhiều biến cố, dễ bị khủng hoảng về tâm lý. Thường những khủng hoảng tâm lý sẽ âm ỷ trong lớp 6, lớp 7 và lớp 8 có thể lộ càng rõ nét hơn. Vì ở bậc tiểu học các con sẽ chơi với nhau đơn giản hơn, nhưng vào cấp 2 sẽ rõ ràng bè phái hơn, mạnh mẽ hơn, nhất là đối với những trẻ có cá tính mạnh. Với trẻ nhút nhát, giao tiếp kém, không chủ động được với bạn bè hoặc tự ti sẽ áp lực hơn dẫn đến chệch hướng trong tư duy nên có bất ổn về tính cách, tâm lý....
Cũng theo chuyên gia Phạm Hiền, giai đoạn vào cấp 3 là giai đoạn mà nhiều học sinh sẽ trải qua cả một quá trình dài phải học, thi một cách cao độ. Bởi vậy trước khi bước vào năm học mới, bố mẹ và thầy cô cũng cần trò chuyện để hiểu tâm tư của các con thì mới tư vấn về tâm lý cũng như phương pháp học tập cho các con một cách tốt nhất.