Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA
“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Đồng thời, các chương trình thiện nguyện được phát động đã mang mùa Xuân ấm áp đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Gieo lòng nhân ái

Những ngày qua, học sinh Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) đến trường ngoài sách vở và dụng cụ học tập còn mang theo bánh kẹo, muối, dầu ăn, bột ngọt. Đây là những món quà các em quyên góp tặng học sinh khó khăn theo chương trình “Vì bạn nghèo vui Tết” của trường phát động.

Thầy Dương Hữu Đức - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trước khi triển khai hoạt động này, nhà trường cung cấp cho các lớp danh sách những bạn thuộc hộ nghèo, cận nghèo, khuyết tật, đang học tập tại trường. Học sinh cùng giáo viên chủ nhiệm trao đổi và thống nhất trao quà cho bao nhiêu bạn. Sau đó, các em tự lên ý tưởng phần quà, trường không ấn định mức tối đa hay tối thiểu.

“Trường không phân chỉ tiêu, các em rất chủ động, hào hứng tham gia. Dù quà có thể không nhiều nhưng thể hiện truyền thống “lá lành đùm lá rách”, tương trợ lẫn nhau. Hoạt động này giúp học sinh hình thành ý thức sẻ chia, giúp đỡ bạn có hoàn cảnh khó khăn nỗ lực học tập, vươn lên trong cuộc sống để sau này giúp đỡ lại người khác”, thầy Đức cho hay.

Trước đó, ngày 6/1/2025, Trường THPT Phước Long (TP Thủ Đức) cũng tổ chức phát động học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên trong trường quyên góp ủng hộ hoạt động Hội xuân Phước Long 2025. Theo đó, nhiều hoạt động thiện nguyện được tổ chức nhằm lan tỏa tinh thần sẻ chia, mang Tết thêm ấm đến những phận đời cơ cực.

Cụ thể, với sự đóng góp cho Hội xuân, Trường THPT Phước Long trao 350 phần quà cho hộ dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, thầy cô mua 41 phần quà trao cho học sinh hoàn cảnh khó khăn của trường. Cô Hiệu trưởng Vũ Thị Hồng Châu cho biết: “Đây là dịp để nhà trường, thầy, cô giáo dạy học sinh bài học về lòng nhân ái, cảm thông với hoàn cảnh, số phận chưa may mắn trong cuộc sống”.

Tại Trường Tiểu học Thuận Kiều (Quận 12), nhà trường đã tổng kết chương trình “Nụ cười hồng”, đập heo đất do các lớp nuôi trong 2 tuần để hỗ trợ học sinh. Với tổng số tiền hơn 35,5 triệu đồng, trường dự kiến trao 58 suất quà Tết.

Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Lê Thị Thoa, học sinh tiểu học tuy nhỏ tuổi nhưng đã biết bày tỏ mong muốn với cha mẹ, học cách tiết kiệm mỗi ngày để có tiền bỏ ống heo. Trước đó, trường tổ chức hoạt động “Vẽ túi xinh - trao nghĩa tình”. Mỗi lớp được phát 2 chiếc túi canvas để trang trí, sau đó tổ chức bán đấu giá cho phụ huynh, thu hơn 32 triệu đồng để trao quà, tặng học bổng cho các bạn khó khăn.

cung-ban-ngheo-don-tet-1.jpg
Sắc xuân ngập tràn Trường Tiểu học Thuận Kiều. Ảnh: MA

Đa dạng hoạt động giáo dục truyền thống

Ngày 17/1, Phòng GD&ĐT quận Tân Bình (TPHCM) tổ chức ngày hội giao lưu mang tên “Xuân gắn kết - Tết yêu thương”. Sự kiện thu hút gần 1.000 học sinh tiểu học đến từ các quận, huyện: Củ Chi, Hóc Môn, Phú Nhuận, Tân Bình, Tân Phú và Quận 12. Tại khu vực trưng bày, học sinh không chỉ được chiêm ngưỡng hình ảnh đặc sắc về văn hóa, phong tục Tết truyền thống người Việt Nam ở nhiều vùng miền, mà còn tham gia vào khu triển lãm thiệp chúc Tết. Những tấm thiệp với lời chúc độc đáo, vui tươi đã thu hút sự chú ý của đông đảo học sinh.

Cùng đó, ngày hội tổ chức cuộc thi Trạng Tí theo hình thức rung chuông vàng, với nội dung liên quan đến văn hóa, tập tục ngày Tết cổ truyền. Học sinh cũng tham gia thi biểu diễn tiểu phẩm và tiết mục sân khấu hóa, qua đó ôn lại giá trị lịch sử và văn hóa dân tộc.

Ông Nguyễn Đức Anh Khoa - Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Bình chia sẻ: “Ngày hội không chỉ là dịp cho học sinh, giáo viên các trường tiểu học thuộc cụm chuyên môn 4 giao lưu học tập. Những trò chơi, hoạt động trải nghiệm của ngày hội còn giúp các em hiểu và trân trọng giá trị văn hóa truyền thống dân tộc. Tết cổ truyền là dịp thuận lợi để giáo dục học sinh, tôn vinh giá trị văn hóa truyền thống”.

Tương tự, hơn một tuần qua, khu vực cổng Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11) đã thay “áo mới”. Mô hình 8 tuyến metro của TPHCM được dựng lên dọc theo bờ tường, tái hiện không gian Tết cổ truyền đầy màu sắc. Bên trong sân trường trang trí những chiếc lồng đèn rực rỡ, các chậu hoa cúc, mâm xôi; khu tiểu cảnh với quang gánh, mẹt tre, bông lúa, mô hình bánh chưng, bánh tét, dưa hấu...

Theo lý giải của cô Nguyễn Thị Kim Hương - Hiệu trưởng nhà trường, thông qua dựng tiểu cảnh, học sinh có cơ hội tìm hiểu truyền thống văn hóa, phong tục tập quán Tết cổ truyền dân tộc. Hoạt động đã mang lại không khí vui tươi, làm sáng bừng không gian học tập, giúp thầy và trò cảm thấy ấm áp, gắn bó hơn với trường lớp. Trong quá trình thực hiện, học sinh được rèn luyện tinh thần làm việc nhóm, chia sẻ ý tưởng cá nhân, phát triển khả năng tư duy sáng tạo, qua đó gắn kết tình cảm giữa học sinh với nhau.

Cô Trần Tiểu Quỳnh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Quận 7) nhắn nhủ: “Học sinh cần hiểu Tết Nguyên đán thông qua thực hành những gì đã được học ở trường để phụ giúp ông bà, cha mẹ trong ngày nghỉ. Hiểu Tết từ việc cắm hoa đào, trang trí chậu mai, viết thiệp chúc Tết, làm món bánh truyền thống hay phụ giúp cha mẹ dọn dẹp nhà cửa, nấu bữa cơm gia đình. Những việc nhỏ như vậy sẽ giúp gắn kết các thành viên và học sinh hiểu ý nghĩa của đoàn viên trong ngày đầu năm mới”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ