Chuẩn bị để sẵn sàng về cơ sở vật chất
PGS.TS Nguyễn Phong Điền - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết: So với kỳ tuyển sinh ĐH các năm trước, điểm khác biệt đầu tiên của việc chủ trì một cụm thi THPT quốc gia như năm nay là quy mô lớn hơn.
Nếu năm 2014, quy mô tuyển sinh của trường chưa đến 10.000 thí sinh thì năm nay, theo con số dự kiến Bộ GD&ĐT giao cho trường, tối đa lên tới 25.000 thí sinh. Công tác chuẩn bị của Trường ĐH Bách khoa phải dựa trên con số này.
Với số thí sinh lớn như vậy, chỉ riêng cơ sở vật chất của trường không đủ. Do đó, nhà trường chủ động liên hệ và hiện đã "chốt" 3 địa điểm là Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Xây dựng và Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.
“Tuy nhiên, tổng số phòng thi 3 trường cũng chỉ đáp ứng được khoảng 20.000 thí sinh. Do đó, chúng tôi cũng đang tính đến phương án tiếp theo, nhưng chưa "chốt" lại, đó là thêm cơ sở thi tại Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG Hà Nội)” - PGS.TS Nguyễn Phong Điều cho biết.
Trao đổi với phóng viên, Trưởng phòng Đào tạo của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định không lo lắng nhiều về cách thức tổ chức kỳ thi vì Trường ĐH Bách khoa đã có nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức kỳ thi có quy mô lớn, có lợi thế về nhân lực (cán bộ coi thi, chấm thi), có máy chấm thi trắc nghiệm, kinh nghiệm trong in sao đề thi … Đó là chưa kể, năm nay, nhà trường còn có sự phối hợp của Sở GD&ĐT.
Việc bố trí thí sinh dự thi THPT quốc gia tại 38 cụm thi tập trung trên cả nước tạo thuận lợi nhiều cho thí sinh, đặc biệt là trong việc đi lại. Chính sách của Bộ GD&ĐT đã nhường mọi thuận lợi cho thí sinh và gia đình.
“Kỳ thi THPT quốc gia là sân chơi chung, nên việc đảm bảo công bằng giữa các cụm thi là vô cùng quan trọng.
Tôi cho rằng, tất cả các trường sẽ đều nỗ lực hết sức mình để đảm bảo kỳ thi diễn ra công bằng, nghiêm túc” - PGS.TS Nguyễn Phong Điền bày tỏ.
Cố gắng tạo thuận lợi nhất cho thí sinh
PGS.TS Nguyễn Phong Điền cho biết, năm nay, ngoài 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Anh, thí sinh còn đăng ký thi những môn tự chọn. Bởi vậy, cách sắp xếp phòng thi như thế nào để thuận lợi nhất cho thí sinh, không xáo trộn nhiều cũng được nhà trường tính đến.
Theo đó, trường sẽ cố gắng tìm mọi cách để thí sinh không phải di chuyển giữa các địa điểm thi mà chỉ phải di chuyển trong một cụm thi. “Việc này, có thể xử lý được” - PGS Nguyễn Phong Điền khẳng định.
Năm 2015, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ thực hiện xét tuyển dựa trên kết quả của Kỳ thi THPT quốc gia tại các cụm thi trên cả nước do các trường đại học chủ trì.
Thí sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 3 môn xét tuyển, tính cho 6 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên. Trường sẽ kiểm tra điều kiện này dựa trên học bạ THPT (bản gốc) của thí sinh trúng tuyển khi đến trường làm thủ tục nhập học.
Điều kiện sơ loại không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng và thí sinh thi liên thông từ hệ cao đẳng chính quy của trường lên đại học.
Ba môn xét tuyển được chọn trên cơ sở các khối thi truyền thống của trường trước đây (A, A1, D1) và bổ sung thêm các tổ hợp ba môn khác (Toán - Hóa - Anh, Toán - Hóa - Sinh) nhằm tạo điều kiện cho thí sinh một sự lựa chọn rộng rãi hơn sau khi kết quả thi tốt nghiệp THPT 2015 được công bố.
Môn Toán có mặt trong tất cả các tổ hợp môn xét tuyển và là môn thi tự luận. Kết quả thi môn Toán sẽ là thước đo tin cậy về năng lực tư duy logic của thí sinh, vốn rất cần thiết khi theo học các ngành kỹ thuật tại Trường. Do đó, Toán được chọn là môn thi chính (hệ số 2) khi xét tuyển vào một số ngành đào tạo.
Các nhóm ngành xét tuyển của trường cũng được điều chỉnh cho phù hợp với phương thức tuyển sinh mới.
Mỗi nhóm (gồm một hoặc vài ngành đào tạo) có chung một mã xét tuyển, có cùng tổ hợp các môn xét tuyển và cùng điểm chuẩn trúng tuyển. Thí sinh được phép đăng ký một số nguyện vọng theo nhóm ngành.
Sau khi nhận được giấy đăng ký xét tuyển đại học, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tạo lập các tài khoản cá nhân cho các thí sinh trên website tuyển sinh của trường để từng thí sinh có thể tự đăng ký/sửa đổi nguyện vọng ngành của mình qua tài khoản cá nhân.
PGS Nguyễn Phong Điền cho biết: Năm 2015, dự kiến chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội là 6.000 sinh viên, trong đó 400 sinh viên thuộc các chương trình đào tạo quốc tế.
Bộ GD&ĐT đã có quyết định giao cho các cơ sở giáo dục ĐH nhiệm vụ chủ trì tổ chức các cụm thi của kỳ thi THPT quốc gia dành cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2015.
Các cơ sở giáo dục ĐH được giao chủ trì cụm thi có nhiệm vụ tổ chức kỳ thi, chấm thi, in giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh và báo cáo dữ liệu kết quả thi về Bộ GD&ĐT theo quy định của quy chế thi THPT quốc gia.
Xem chi tiết danh sách các cụm thi THPT quốc gia TẠI ĐÂY