Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM vừa cho biết, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận một người phụ nữ tử vong, có dương tính với cúm A/H1N1. Ngoài ra, tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đang điều trị cho một nam bệnh nhân khác dương tính với chủng cúm này, hiện bệnh nhân cũng đang ở trong tình trạng nguy kịch.
Trước đó không lâu, tại Bệnh viện Từ Dũ TP HCM cũng đã ghi nhận một ổ dịch khiến hàng chục người mắc và phải cách ly, nguồn lây cúm A/H1N1 tại ổ dịch này được cho là bắt nguồn từ một người phụ nữ khi đến bệnh viện khám phụ khoa, hiện ổ dịch này đã được khống chế.
Một bệnh nhân mắc cúm A/H1N1 nặng đang được điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Chia sẻ về tốc độ lây lan, cũng như sự nguy hiểm của cúm A/H1N1, Ths. BS Nguyễn Trung Cấp – Phụ trách khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đây là căn bệnh lây truyền qua đường hô hấp, nên có nguy cơ lây lan cao.
Virus cúm A/H1N1 có thể dễ dàng lây từ người sang người, giống như cách lây lan của cúm thường qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện.
Bệnh cũng có thể lây do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm virus, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm virus sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Dùng chung đồ dùng, ly uống nước hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh cũng có thể lây nhiễm virus cúm A/H1N1.
Theo BS Cấp, cúm A/H1N1 cũng có thể gây bội nhiễm viêm phổi, khó thở, thậm chí gây tử vong do suy hô hấp, suy đa tạng. Hầu hết những ca mắc cúm A/H1N1 biến chứng nặng như vậy đều do người bệnh đến viện quá muộn, mất đi “thời gian vàng” điều trị khi có biểu hiện bệnh nên điều trị không đạt hiệu quả cao.
Cúm A/H1N1 lây qua đường hô hấp nên tốc độ lây lan nhanh.
BS Cấp nhận định, đa phần các ca nhiễm cúm A/H1N1 là nhẹ, có thể tự khỏi bệnh, nhưng người dân không nên chủ quan vì vẫn có tỷ lệ biến chứng nặng và tử vong nhất định.
Nguy cơ tử vong cao hơn ở người già, trẻ em, thai phụ hoặc người mắc bệnh mãn tính. Do đó khi xuất hiện các triệu chứng cúm như sốt cao, khó thở, ho nhiều… cần đến cơ sở y tế để được khám sàng lọc sớm và điều trị kịp thời.
Giống như các chủng cúm mùa khác, khi nhiễm cúm A/H1N1 người bệnh thường có các triệu chứng: sốt, thường trên 38 độ C, ớn lạnh; đau viêm họng; nhức đầu; đau mình và nhức cơ; ho khan, sổ mũi; mệt mỏi và suy nhược; tiêu chảy và nôn ói.
Khi mắc cúm A/H1N1, người bệnh cần uống nhiều nước và nghỉ ngơi, dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, đặc biệt nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao như phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, người có bệnh mạn tính như HIV/AIDS, hen suyễn, bệnh tim, phổi, tiểu đường, nhân viên y tế…cần phải đặc biệt lưu ý.