Nhạc sĩ Hồ Trí Quyền đã chia sẻ trên trang cá nhân của mình những thông tin không chính xác về lịch sử âm nhạc Việt Nam mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa lên. Đó là những thông tin nằm trong “Danh mục phổ biến các bài hát sáng tác trước năm 1975”.
Trong số các thông tin không chính xác, có rất nhiều thông tin liên quan đến sáng tác của Phạm Duy . Chẳng hạn, thông tin trên web cho thấy các bài hát như Bà mẹ Gio Linh, Bà mẹ quê, Nương chiều đều được phổ thơ Huyền Chi.
Trong khi đó, đây là các tác phẩm do chính Phạm Duy viết lời. Phạm Duy có bài hát phổ thơ Huyền Chi, song đó là bài Thuyền viễn xứ, hoàn toàn không phải các bài trên.
Trước đó, Phạm Duy từng có những đoạn trả lời phỏng vấn cho thấy, bài Bà mẹ Gio Linh do ông sáng tác vào năm 1948 dựa trên câu chuyện có thật về một bà mẹ ở làng Mai Xá (Gio Linh, Quảng Trị), có con bị giặc Pháp chém đầu.
Hoặc với bài Bà mẹ quê, chính ông cũng từng chia sẻ đó là bài hát về tình mẹ, lấy hứng từ hai người đàn bà thiêng liêng là vợ và mẹ mình. Bài hát Nương chiều cũng được ông sáng tác tại Lạng Sơn năm 1947 với cảm hứng từ hình ảnh Thái Thanh.
Cũng theo danh mục bài hát trước 1975 được cấp phép này, Phạm Duy có bài hát phổ thơ Đặng Thiên Thư là Đưa em tìm mộng hoa vàng.
Tuy nhiên, tên bài hát như nhiều người đều biết chính là Đưa em tìm động hoa vàng. Các bài hát Nghìn trùng xa cách, Ngày đó chúng mình cũng đều được ghi lời thơ Phạm Thiên Thư. Tuy nhiên, đây là những bài hát do Phạm Duy viết lời.
Chẳng hạn, theo chia sẻ của nhạc sĩ (đã đăng trên báo Thanh Niên), bài Nghìn trùng xa cách là bài ông viết sau khi một người là bà Alice tạ từ ông để đi lấy chồng sau tết Mậu Thân 1968. Tác giả bài viết trên Thanh Niên, ông Hà Đình Nguyên còn được xem kỷ vật của bà tặng ông là xác lá khô ép trong tập thơ tình.
Tuy nhiên, không chỉ nhạc Phạm Duy bị sai lạc thông tin lịch sử như vậy. Ông Quyền cũng còn phát hiện một số tên bài hát và tác giả không đúng sự thật.
Chẳng hạn, danh sách bài hát sáng tác trước 1975 được cấp phép của Cục Nghệ thuật biểu diễn có bài Cle Cle - Măng - Tai được ghi là “dân ca Hàn Quốc - Phạm Duy”. Căn cứ phiên âm thì đây có thể là bài hát Clementine.
Tuy nhiên trên trang thông tin âm nhạc Phạm Duy do chính ông và gia đình, bạn hữu tổ chức, bài Clementine này do ông viết lời dựa trên bài Du ca Hoa Kỳ 1966.
Một bài hát quen thuộc là Chuyện tình (Where do I begin/Love Story) cũng có thông tin rất kỳ lạ. Theo ông Quyền, bài hát có tác giả nhạc là Francis Lai, lời Anh là Carl Sigman, lời Việt là Phạm Duy. Tuy nhiên, theo hồ sơ cấp phép mà Cục đăng tải thì bài hát là của Andy Williams?
Một số bài hát cũng bị đổi tên và tên tác giả. Chẳng hạn, bài Cuộc tình tàn, vốn có tên tiếng Pháp là Je sais, tác giả Claude François. Tuy nhiên, thông tin cấp phép mà Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa ra lại là Je sain/tác giả Clau de Francois.
“Có nhiều thông tin "lạ" đủ để viết lại lịch sử âm nhạc trong trang này!” - Ông Quyền chia sẻ.