Cục Hàng không Việt Nam đề xuất mở lại đường bay giữa các địa phương từ ngày 5/10

GD&TĐ - Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố có cảng hàng không, sân bay để xin ý kiến về kế hoạch khai thác các đường bay nội địa thường lệ trong giai đoạn dịch Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Theo đó, Cục Hàng không Việt Nam đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có ý kiến đối với kế hoạch khai thác vận tải hàng không nội địa giai đoạn 1, dự kiến áp dụng từ ngày 5/10.

Theo kế hoạch giai đoạn 1, đường bay khai thác từ Đà Nẵng đi và đến các địa phương có tổng số 43 chuyến bay; đường bay khai thác đi và đến Lâm Đồng có 23 chuyến, từ thành phố Hải Phòng đi và đến các địa phương 20 chuyến; từ thành phố Hồ Chí Minh đi và đến các địa phương tổng số 132 chuyến.

Đường bay từ Thanh Hóa đi và đến các địa phương là 11 chuyến; từ Cần Thơ đi và đến các địa phương 11 chuyến; từ Nghệ An đi và đến các địa phương 19 chuyến; từ Đắk Lắk đi và đến các địa phương là 14 chuyến; từ Khánh Hòa đi và đến các địa phương 20 chuyến; từ Điện Biên đi và đến các địa phương 2 chuyến; từ Thừa Thiên - Huế đi và đến các địa phương 9 chuyến; từ Kiên Giang đi và đến các địa phương 24 chuyến; từ Gia Lai đi và đến các địa phương 9 chuyến; từ Phú Yên đi và đến các địa phương 7 chuyến.

Đường bay từ Bình Định đi và đến các địa phương 11 chuyến; từ Quảng Nam đi và đến các địa phương 8 chuyến; từ Bà Rịa - Vũng Tàu đi và đến các địa phương 15 chuyến; từ Quảng Bình đi và đến các địa phương 6 chuyến; từ Quảng Ninh đi và đến các địa phương 3 chuyến.

Tuy nhiên, trong phụ lục, đối với các chặng bay từ các địa phương khác, Cục Hàng không vẫn đưa hành trình đến Hà Nội, chủ động xin ý kiến của các địa phương về việc nối đến chuyến với Thủ đô, để khi Hà Nội sẵn sàng thì sẽ tăng tính chủ động trong việc xây dựng kế hoạch bay.

Trước đó, Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn tạm thời về tổ chức hoạt động vận tải hành khách hàng không nội địa đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 theo 4 giai đoạn, áp dụng với các địa phương đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch.

Kế hoạch của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, vận tải hàng không nội địa sẽ được khai thác trở lại theo 4 giai đoạn, áp dụng với các địa phương đã nới lỏng biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày kể từ ngày áp dụng hướng dẫn tạm thời này): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó và có giãn cách ghế trên tàu bay.

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày kể từ ngày kết thúc giai đoạn 1): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá 70% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).

Giai đoạn 3 (thực hiện kể từ khi kết thúc giai đoạn 2): Tần suất trên từng đường bay đối với từng hãng hàng không không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4/2021 của hãng hàng không đó (không phải giãn cách ghế trên tàu bay).

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới): Được khai thác trở lại bình thường.

Trong thời gian thực hiện các giai đoạn 1, giai đoạn 2: Các đường bay mới, đường bay có tần suất 1 chuyến/ngày của mỗi hãng hàng không thì được khai thác với tần suất 1 chuyến/ngày; thực hiện giãn cách ghế trên tàu bay trong giai đoạn 1.

Căn cứ tình hình dịch Covid-19 tại các địa phương, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh có cảng hàng không, sân bay (nơi đi, nơi đến), Cục Hàng không Việt Nam quyết định điều chỉnh tần suất khai thác theo các giai đoạn.

Cục Hàng không chịu trách nhiệm giám sát việc mở bán vé của hãng hàng không theo tần suất đã quy định.

Hành khách đi máy bay ngoài việc phải tuân thủ “Thông điệp 5K,” khai báo y tế theo quy định của Bộ Y tế sẽ phải xét nghiệm SARS-CoV-2 có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (kể từ khi nhận kết quả) bằng RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh.

Trường hợp khách đã tiêm 1 liều vaccine sau 3 tuần hoặc đã tiêm đủ liều vaccine hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng sẽ không cần phải xét nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người bệnh nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở. Ảnh: BVCC

Nhồi máu cơ tim sau tập thể hình

GD&TĐ - Các bác sĩ Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E đã cứu sống một nam thanh niên (32 tuổi) nhập viện do nhồi máu cơ tim cấp.

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.