Ngày 13/12, Cục Hàng không Việt Nam vừa thông tin về một số phản ánh, dù trong giai đoạn thấp điểm nhưng giá vé máy bay tại hầu hết đường bay nội địa ở mức khá cao gây khó khăn cho việc đi lại của người dân, kích cầu du lịch.
Theo Cục Hàng không, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường (cung - cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé…
Với các đường bay nội địa, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ GTVT đã có Thông tư số 17/2019 về khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Mới đây là Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019, ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Hiện các hãng hàng không Việt Nam đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa phù hợp với nhu cầu của hành khách và nằm trong khung giá quy định.
So sánh giá vé máy bay nội địa với các hãng trong khu vực thì mức giá vé tính theo km tại thị trường nội địa Việt Nam theo khung giá quy định hiện tại vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
Giá vé máy bay đi lại cũng phụ thuộc vào quy luật cung/cầu. Nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn Tết thường tăng cao và dồn vào những ngày bay và khung giờ bay đẹp.
Vào những ngày rất cao điểm, vào các khung giờ bay đẹp thường có nhu cầu cao và hết chỗ sớm hơn so các ngày cận cao điểm hoặc trên chuyến bay khung giờ sáng sớm chiều muộn hơn và giá vé đương nhiên cũng sẽ cao hơn.
Thực tế vận chuyển hàng không trong giai đoạn Tết luôn có tính chất đặc thù chỉ đông khách một chiều, chiều còn lại ít khách hoặc thậm chí không có khách.
Thống kê từ các hãng hàng không, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TPHCM đi các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (chiều đi) đang đạt từ 40 - 50% trong khi ở chiều ngược lại mới chỉ đạt khoảng 10%.