Cử tạ đi tìm… quá khứ

GD&TĐ - Tại SEA Games 31, cử tạ Việt Nam thiết lập 6 kỷ lục mới, xếp vị trí nhì toàn đoàn với 3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng.

Vận động viên Hoàng Thị Duyên.
Vận động viên Hoàng Thị Duyên.

Cử tạ vốn là môn thể thao thế mạnh của Việt Nam, từng làm nên chiến công rực rỡ khi đoạt huy chương 2 kỳ Olympic liên tiếp, cũng như 2 ngôi á quân tại ASIAD 2014 và 2018. Tuy nhiên, cử tạ Việt Nam đang đối mặt nhiều thách thức trong nỗ lực giành lại ánh hào quang quá khứ.

Những tín hiệu tích cực

Cử tạ là bộ môn hiếm hoi của thể thao Việt Nam tuy không có cơ chế đầu tư lớn nhưng vẫn có thể “đãi cát tìm vàng” để hy vọng giành huy chương ở những sự kiện thể thao lớn nhất thế giới từ Olympic, ASIAD cho đến các giải vô địch thế giới. Trong số 5 tấm huy chương Olympic mà thể thao Việt Nam đã có, cử tạ đóng góp đến 2. Đó là trường hợp của Hoàng Anh Tuấn (Huy chương Bạc Olympic 2008) và Trần Lê Quốc Toàn (Huy chương Đồng Olympic 2012).

Cử tạ nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. Vậy nên, nhiều quốc gia của Đông Nam Á đã đầu tư cho cử tạ với chiến lược dài hơi, có chiều sâu trong nhiều năm.

Điều đó khiến cuộc đua của “vùng trũng” thể thao thế giới diễn ra rất khốc liệt và khó lường, đồng thời, Thái Lan, Indonesia hay Philippines đã có được những nhà vô địch thế giới, giành huy chương Olympic ở môn cử tạ.

Tại SEA Games 31, cử tạ Việt Nam thiết lập 6 kỷ lục mới, xếp vị trí nhì toàn đoàn với 3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc và 4 Huy chương Đồng.

Đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh cử tạ Thái Lan trở lại thi đấu các giải quốc tế sau khi vắng mặt ở SEA Games 30 vì án phạt và giành 6 Huy chương Vàng cùng vị trí nhất toàn đoàn, trong khi các đội tuyển Indonesia và Philippines cũng đưa những đô cử đẳng cấp thế giới đến Việt Nam thi đấu.

Sau SEA Games 31, cử tạ Việt Nam tiếp tục cho thấy sự tiến bộ tại giải vô địch cử tạ châu Á 2022 khi giành tới 9 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng.

Đáng chú ý, ở nội dung 59 kg nữ, nơi có đô cử từng tham dự Olympic Hoàng Thị Duyên góp mặt đã chứng kiến sự bứt phá thần tốc của gương mặt trẻ Quàng Thị Tâm.

Nữ đô cử mới 19 tuổi quê Lào Cai đã gây sốc khi giành 3 huy chương các loại: Vàng cử giật (93 kg), Bạc cử đẩy (115 kg) và Bạc tổng cử (208 kg), kém thành tích tổng cử của nhà vô địch Xue Long (Trung Quốc) vỏn vẹn 1 kg.

Thành tích tổng cử của Tâm tại giải vô địch cử tạ châu Á 2022 đã vượt qua thông số 204 kg từng giúp Hoàng Thị Duyên giành Huy chương Vàng SEA Games 31. Thế nên, màn trình diễn của Tâm tại Bahrain phần nào giải tỏa nỗi lo của ban huấn luyện đội tuyển cử tạ Việt Nam, đến từ Duyên.

Nữ đô cử quê Lào Cai 2 năm qua sa sút khá nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại, từ 216 kg hồi tháng 4/2021, 208 kg tại Olympic Tokyo (Nhật Bản), 204 kg ở SEA Games 31, và chỉ còn 199 kg tại giải vô địch châu Á 2022, đứng thứ 4 ở cả 3 hạng mục và không có huy chương.

Nguyễn Trần Anh Tuấn là gương mặt nổi bật khác của Việt Nam tại giải vô địch cử tạ châu Á 2022. Đô cử 24 tuổi của Việt Nam đã xuất sắc đoạt Huy chương Vàng nội dung cử đẩy với mức tạ 161 kg, Saputra (Indonesia) về nhì với 158 kg và Xionghui (Trung Quốc) đoạt Huy chương Đồng với mức tạ 156 kg.

Tuy nhiên ở nội dung cử giật, Xionghui đã đạt thành tích 140 kg, giành Huy chương Vàng cử giật và tổng cử với thành tích 296 kg. Anh Tuấn chỉ nâng được 134 kg đoạt Huy chương Bạc và với tổng cử 295 kg, đô cử Việt Nam cũng chỉ đoạt Huy chương Bạc. Saputra đoạt Huy chương Đồng với tổng cử 291 kg.

Trong những ngày cuối năm 2022, cử tạ Việt Nam còn tham dự giải vô địch cử tạ thế giới. Ở hạng 55 kg dành cho nam, nội dung cử giật, Lại Gia Thành đoạt Huy chương Vàng (118 kg) và Ngô Sơn Đỉnh giành Huy chương Đồng (117 kg).

Nhưng ở nội dung cử đẩy, Thành thất bại ở cả 3 lần cử của mình ở mức 141 kg (lần 1), 142 kg (lần 2 và 3) và không được xếp hạng tổng cử. Đỉnh thực hiện thành công mức 143 kg cử đẩy, xếp hạng tư nội dung này. Với tổng thành tích 260 kg, Ngô Sơn Đỉnh xuất sắc đoạt Huy chương Bạc nội dung tổng cử, xếp sau đô cử Thái Lan Silachai (265 kg).

Trịnh Văn Vinh trở lại sau án phạt cấm thi đấu quốc tế 4 năm.

Trịnh Văn Vinh trở lại sau án phạt cấm thi đấu quốc tế 4 năm.

Ngoài ra, vào đầu tháng 12 năm ngoái, cử tạ Việt Nam chính thức có sự trở lại của lực sĩ Trịnh Văn Vinh (28 tuổi, hạng 61 kg) sau 4 năm bị cấm thi đấu vì doping. Vinh quê Bắc Ninh, tài năng đặc biệt của thể thao Việt Nam.

Năm 2016, Vinh giành Huy chương Vàng châu Á nội dung cử đẩy với thành tích 158 kg; 2017 giành Huy chương Vàng, đồng thời phá kỷ lục nội dung cử đẩy và tổng cử tại SEA Games 29. Cũng trong năm 2017, Trịnh Văn Vinh giành Huy chương Vàng cử giật tại giải cử tạ vô địch thế giới với thành tích 136 kg.

Văn Vinh nằm trong nhóm vận động viên trọng điểm, được đầu tư đặc biệt cho ASIAD và Olympic nhưng năm 2018 anh vướng vào rắc rối khi anh có kết quả xét nghiệm dương tính với doping, vào thời điểm đô cử quê Bắc Ninh đang tập luyện chứ không tham dự giải đấu quốc tế nào.

Trong 4 năm bị cấm thi đấu, Vinh đã nỗ lực tập luyện duy trì phong độ và hoàn thành chương trình đại học tại Trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh. Vào cuối tháng 1 vừa qua, anh chính thức được triệu tập vào thành phần đội tuyển cử tạ quốc gia, tập trung chuẩn bị cho SEA Games 32 và giải vô địch châu Á 2023.

Theo huấn luyện viên đội tuyển cử tạ Việt Nam Huỳnh Hữu Chí, các lực sĩ đã thi đấu hiệu quả, đúng chiến thuật đề ra và có chỉ số cân nặng tạ như dự liệu. Ðây là kết quả tốt để hướng đến những mục tiêu trong các giải tiếp theo của năm 2023.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Hùng, cán bộ phụ trách bộ môn cử tạ (Tổng cục Thể dục Thể thao), cho biết: Các lực sĩ của Việt Nam được tham dự hai giải đấu quốc tế liên tiếp vào cuối năm 2022 là điều vô cùng quý giá, bởi các vận động viên gần như vắng mặt tập huấn, thi đấu giải quốc tế trong hai năm trước do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Gian nan đường đến Paris

Đô cử Nguyễn Trần Anh Tuấn.

Đô cử Nguyễn Trần Anh Tuấn.

Mặc dù vậy, 9 Huy chương Vàng ở giải vô địch châu Á 2022 không thể làm cơ sở nhận định cử tạ Việt Nam đã đủ tầm cạnh tranh châu lục. Những cường quốc cử tạ châu Á như Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc, Đài Bắc Trung Hoa... chỉ cử những gương mặt trẻ tham dự để lấy kinh nghiệm thi đấu quốc tế.

Lực lượng mạnh nhất của họ luôn được dành cho ASIAD hay cuộc đua đến Olympic. Bên cạnh đó, thành tích của nhiều đô cử Việt Nam tại giải vô địch châu Á 2022 cũng không bằng so với thời điểm họ tranh tài ở SEA Games 31, trong khi cử tạ Việt Nam năm 2023 gánh vác nhiều nhiệm vụ nặng nề, trong đó có vòng loại Olympic Paris 2024.

Khổng Mỹ Phượng từng giành Huy chương Bạc hạng 45 kg nữ tại SEA Games 31, đoạt Huy chương Bạc, Huy chương Vàng cử giật và tổng cử tại giải vô địch châu Á 2022.

Lại Gia Thành vô địch hạng 55 kg nam ở SEA Games 31, Huy chương Vàng tổng cử với thành tích 262 kg, Huy chương Vàng cử giật với thành tích 120 kg và Huy chương Bạc cử đẩy với thành tích 142 kg tại giải vô địch châu Á 2022.

Tuy nhiên, các nhóm hạng cân này không nằm trong chương trình của Olympic và Ban huấn luyện đã đặt mục tiêu của họ hướng đến SEA Games 32 và ASIAD 2023.

Phạm Thị Hồng Thanh đã có màn thể hiện ấn tượng để giành 3 Huy chương Vàng cử giật (100 kg), cử đẩy (117 kg), tổng cử (217 kg) hạng 64 kg nữ giải vô địch cử tạ châu Á 2022.

Tuy nhiên, những thông số tại giải châu lục này kém xa thành tích mà chính Hồng Thanh đã thiết lập tại SEA Games 31, cử giật (104 kg), cử đẩy (126 kg) và tổng cử là 230 kg.

Hơn nữa ở Bahrain, hạng cân 64 kg mà Thanh tham gia không có bất cứ đại diện nào đến từ Trung Quốc. Thế nên, nữ đô cử quê Hải Dương chỉ được “quy hoạch” huy chương cho sân chơi khu vực, cụ thể là SEA Games 32 sắp tới.

Mục tiêu lớn nhất của cử tạ Việt Nam năm nay là cuộc đua giành vé dự Olympic Paris 2024 với nội dung 61 kg nam. Nguyễn Trần Anh Tuấn ban đầu được đăng ký tham dự hạng cân 55 kg nam tại giải vô địch châu Á 2022, nhưng sau đó đôn lên hạng 61 kg theo chuẩn Olympic.

Thành tích tổng cử 295 kg anh đạt được là con số ấn tượng, nhưng vẫn thua kém khá nhiều so với một gương mặt không được xếp hạng ở giải vô địch cử tạ các câu lạc bộ 2022 là Trịnh Văn Vinh. Vinh đạt mức tổng cử 300 kg (130 kg cử giật, 170 kg cử đẩy), song thời điểm đó anh chỉ tham gia theo diện kiểm tra thành tích bởi đang trong thời gian bị cấm thi đấu.

Cũng ở hạng cân 61 kg, đô cử dày dạn kinh nghiệm Thạch Kim Tuấn đang phải vật lộn tìm lại phong độ. Tại giải vô địch cử tạ các câu lạc bộ 2022, Tuấn chỉ nâng tạ thành công ở phần cử giật với thành tích tốt nhất là 125 kg.

Còn ở cử đẩy, anh hỏng cả 3 lần thi với các mức tạ lần lượt là 150 kg, 155 kg và 157 kg. Tại Olympic Tokyo, Tuấn cũng đẩy hỏng cả 3 lần và không được tính thành tích chung cuộc và sau đó, anh cũng không có tên trong danh sách dự SEA Games 31.

Trong khi đó, ở 2 kỳ ASIAD gần đây, 2014 và 2018, Tuấn đều giành Huy chương Bạc hạng 56 kg nam với thành tích 294 kg (cử giật 134 kg, cử đẩy 160 kg) và 280 kg (cử giật 128 kg, cử đẩy 152 kg).

Một gương mặt đáng chú ý nữa là Ngô Sơn Đỉnh. Đô cử từng giành Huy chương Bạc Olympic trẻ vẫn chưa thể khẳng định thế mạnh ở hạng cân 55 kg, hay 61 kg. Tại giải vô địch cử tạ các câu lạc bộ 2022, hạng 61 kg, Đỉnh giành Huy chương Bạc với thành tích tổng cử 284 kg và Nguyễn Trần Anh Tuấn giành Huy chương Vàng với tổng cử 288 kg.

Nhưng ở giải đấu này, như đã đề cập, người có thành tích tốt nhất là Trịnh Văn Vinh, song anh tham dự mang tính chất kiểm tra, chứ không đủ điều kiện xếp hạng huy chương.

Và đến giải cử tạ vô địch thế giới 2022 cũng là vòng loại của Olympic Paris 2024, Ngô Sơn Đỉnh tham dự hạng 55 kg và đạt tổng cử 280 kg, giành Huy chương Bạc.

Bên cạnh hạng cân 61 kg nam, cử tạ Việt Nam nhiều khả năng tìm kiếm vé đến Olympic Paris 2024 ở hạng cân 59 kg của nữ. Hoàng Thị Duyên vẫn được đánh giá cao và nhiều khả năng giành suất đến Pháp nếu cô sớm lấy lại phong độ.

Sự tiến bộ thần tốc của Quàng Thị Tâm rất đáng ghi nhận, song cô gái đến từ Tuyên Quang liệu có thể sánh vai được với các đàn chị trong cuộc chạy đua giành vé dự Olympic cho thể thao Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn là ẩn số.

Như vậy, cả Duyên và Tâm mới dừng ở mức kỳ vọng và ở thì tương lai với nhiều biến số về phong độ, kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ