Cô gái Uyên Dư (tên nhân vật đã được thay đổi), 27 tuổi, sống tại thành phố Trung Sơn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc gần đây có rất nhiều biểu hiện lạ khiến cha mẹ lo lắng.
Tối ngày 20/9 vừa qua, Uyên Dư vẫn lên giường đi ngủ như bình thường nhưng đến 5h sáng ngày 21/9 khi ông Phan, bố của Uyên Dư tỉnh lại thì không thấy con mình đâu. Cửa ra vào vẫn mở, điện thoại di động vẫn ở nhà, không hiểu cô đã đi đâu.
Ông Phan đã thông báo cho người thân để cùng tìm tiếm Uyên Dư nhưng dù tìm ở bất cứ đâu vẫn không tìm thấy tung tích cô gái trẻ. Thậm chí, gia đình ông còn nhờ đến sự giúp đỡ của đội cứu hộ nhưng không hề thấy Uyên Dư ở đâu.
Khoảng 4h chiều khi gia đình quay trở lại tòa chung cư mà họ ở thì bất ngờ thấy Uyên Dư đang nằm ngủ ngon lành ở hành lang.
Tìm được con gái, cha mẹ Uyên Dư vừa mừng lại vừa lo vì con gái mình vốn là người bình thường, tại sao lại nằm ngủ ở hành lang? Hơn nữa trên quần áo của cô gái bám đầy cỏ dại, suốt đêm qua cô đã đi đâu?
Khi nhớ lại, cô gái chỉ nhớ mang máng, không rõ ràng về việc mình đã đi lên núi như thế nào. Có lẽ Uyên Dư đã băng qua đường, đi thẳng lên núi mà may mắn không hề bị ngã xuống mương hay bị xe đâm.
Vì Uyên Dư không nhớ rõ mọi chuyện, bố mẹ cô gái rất sợ con mình đã bị kẻ xấu làm hại. Tuy nhiên khi hỏi rõ mới biết rằng trước đây khi đi làm xa nhà, cô gái trẻ cũng từng xảy ra tình huống tương tự. Uyên Dư cũng mất tích bí ẩn trong đêm rồi sáng hôm sau lại tự động đi về.
Cuối cùng, ông Phan quyết định đưa con gái đến bệnh viện để kiểm tra tình hình sức khỏe, ông muốn biết vấn đề của con gái mình là gì để có thể điều trị đến cùng.
Căn bệnh khiến Uyên Dư "đêm ngủ trên giường, sáng tỉnh dậy ở hành lang" là gì?
Sau khi nghe triệu chứng bệnh, bác sĩ đã thăm khám cho Uyên Dư và chẩn đoán cô gái trẻ đã mắc bệnh mộng du.
Bác sĩ giải thích rằng: "Mộng du là là tình trạng rối loạn làm người bệnh đứng dậy và đi lại khi họ vẫn đang ngủ. Bệnh thường xảy ra khi một người ở giữa giai đoạn ngủ say và giai đoạn chuẩn bị thức giấc. Người bị mộng du không thể phản ứng lại các sự kiện và không thể nhớ được chúng".
Bác sĩ nói cho bố con ông Phan biết rằng: Một số nghiên cứu đã phát hiện ra mộng du là do di truyền. Nếu cha mẹ, anh chị em mắc chứng mộng du thì khả năng bị mộng du cao hơn nhiều so với người bình thường.
Ngoài yếu tố di truyền, mộng du cũng liên quan đến một số nguyên nhân như căng thẳng tâm lý, say rượu thường xuyên, dùng thuốc ngủ an thần, thuốc kích thích thần kinh, rối loạn nhịp tim, trào ngược dạ dày…
Cuối cùng, bác sĩ đã chỉ ra liệu pháp điều trị cho Uyên Dư và tình trạng của cô gái đang dần được cải thiện.
Những dấu hiệu của người mộng du bao gồm:
- Ra khỏi giường và đi lại xung quanh;
- Ngồi trên giường và mở mắt;
- Mắt đờ đẫn vô hồn;
- Thực hiện những hành động theo thói quen như thay đồ, nói chuyện hay ăn nhẹ;
- Không phản ứng hoặc giao tiếp với người khác;
- Khó bị đánh thức khi đang mộng du;
- Mất phương hướng hay bối rối trong thời gian ngắn sau khi bị đánh thức;
- Nhanh chóng ngủ lại;
- Không nhớ về việc mình bị mộng du vào sáng hôm sau;
- Gặp những nỗi kinh hoàng khi ngủ đi cùng với mộng du.
Trong một số trường hợp hiếm, người mộng du còn có biểu hiện:
- Đi ra khỏi nhà;
- Tự lái xe;
- Có những hành vi bất thường ví dụ như tiểu tiện trong tủ quần áo;
- Quan hệ tình dục mà không có nhận thức;
- Bị thương ví dụ như té xuống cầu thang hoặc nhảy ra ngoài cửa sổ;
- Trở nên bạo lực sau khi thức dậy hoặc đôi khi là trong mộng du.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đừng quá lo lắng về mộng du nhưng bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu triệu chứng mộng du của bạn có các dấu hiệu sau:
- Thường xuyên bị mộng du;
- Gây ra những hành vi nguy hiểm hoặc gây thương tích cho người mộng du (khi người mộng du rời khỏi nhà) hoặc cho người khác;
- Ảnh hưởng tới giấc ngủ của các thành viên khác trong gia đình hoặc người mộng du cảm thấy xấu hổ vì những hành vi của mình;
- Bắt đầu xuất hiện mộng du khi trưởng thành;
- Kéo dài tới tuổi vị thành niên.