Cú hích cho sáng tạo nghệ thuật biểu diễn

GD&TĐ - Được kỳ vọng thổi làn gió mới cho sân khấu vốn bị cho là đình trệ ở trong nước, Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 3 năm 2016 đã chính thức khép lại. Có thể nhận thấy, những tìm tòi mang tính thử nghiệm mới mẻ về mọi mặt là yếu tố rất cần để sân khấu có thể phát triển.

Cú hích cho sáng tạo nghệ thuật biểu diễn

Những thử nghiệm mới mẻ

Sau 10 năm (kể từ năm 2006), sân khấu thử nghiệm mới được trình diễn quy mô, mang tính quốc tế. Với 16 vở diễn đến từ 10 quốc gia đại diện cho châu Á, châu Âu và châu Mỹ, các nghệ sĩ đã mang tới Liên hoan những vở diễn có sự sáng tạo mới lạ.

Trong vở kịch “Dưới cát là nước” (Nhà hát kịch Quân đội), sân khấu được bố trí cách điệu với những triền cát miên man trắng xóa, những hồn cát bằng người sinh động. “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” (Nhà hát Múa rối Thăng Long) là cuộc chơi của rối và kịch. Trên sân khấu, người và rối không phải là hai nhân vật tách biệt mà chỉ là một, lúc này là người, lúc khác là rối.

Vở “Giấc mơ” (Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ 5B) thì lại có sự kết hợp giữa kịch nói, múa đương đại và tuồng cổ. Mặc dù lấy bối cảnh châu Âu, nhưng trong vở “Hamlet” (Nhà hát Kịch Việt Nam), đạo diễn Anh Tú đã mạnh dạn “cài cắm” những yếu tố văn hóa Việt. Mỗi vở diễn có thời lượng 70 - 120 phút, các vở diễn tham gia đều có tính thử nghiệm trong quá trình sáng tạo nghệ thuật nhưng không mất đi tính nhân văn.

Vở kịch “Dưới cát là nước” (Nhà hát Kịch nói Quân đội) là đại diện duy nhất của Việt Nam giành HCV. Đặc biệt, trong vở diễn này, hai diễn viên chính Hồ Uy Linh (vai ông Lủi) và NSƯT Nguyễn Ngọc Thư (vai bà Nậy) đã gây ấn tượng mạnh với khán giả và xuất sắc giành Huy chương Vàng.

Phát biểu tại buổi lễ bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cho biết: Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ III - năm 2016 là sự kiện văn hóa quan trọng, hội tụ và giới thiệu bản sắc văn hóa của các nước trên thế giới; là cơ hội để các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu của Việt Nam, khu vực và quốc tế trong thời kỳ mới.

Tìm kiếm sự cách tân

Nhiều năm trở lại đây, khán giả đến với các sân khấu ngày càng giảm sút. Sân khấu không còn là “ông hoàng phòng vé” như thập niên 60, 70 thế kỷ XX phải sống nhờ vào bầu sữa mẹ bao cấp của Nhà nước. Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm như là cơn gió mới để thay đổi tình trạng buồn của sân khấu Việt hiện nay.

Thời đại công nghệ cao mang lại cho sân khấu thử nghiệm khá nhiều thuận lợi như màn hình, đèn Led, kỹ thuật điện tử về âm thanh, ánh sáng tạo hiệu ứng thị giác. Các hình thức của nghệ thuật sắp đặt được nâng tầm. Âm thanh, giai điệu, trang phục... đưa khán giả chìm đắm, lôi cuốn theo trong những cảm xúc của nhân vật.

Sự phát triển và thử nghiệm của các đồng nghiệp quốc tế tại Liên hoan lần này là bài học cho các nhà làm nghệ thuật Việt Nam, hãy tự cởi trói cho mình khỏi các quan niệm dàn dựng cũ và phải tìm kiếm những hình thức sân khấu mới.

Những thử nghiệm của sân khấu Việt mặc dù chưa nhiều yếu tố mới, thế nhưng sự táo bạo, lao động hết mình vì nghệ thuật trong xử lý sân khấu là yếu tố rất cần để sân khấu có thể thoát ra khỏi cách tư duy trì trệ, cứng nhắc đã thành thói quen, hướng tới sự sáng tạo nhất để thúc đẩy sự phát triển của sân khấu đương đại.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.