Cụ giáo từng được Bác Hồ tặng áo kaki

GD&TĐ - Cách đây hơn 60 năm, cụ Tô Sỹ Giơu là giáo viên duy nhất của tỉnh Nghệ An được nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc, được ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày ấy, Bác đã tặng cho cụ chiếc áo kaki cùng mấy mét vải.  Chiếc áo thầy Giơu giữ lại, còn mấy tấm vải, thầy đem bán lấy tiền về đóng bàn ghế cho ngôi trường ở quê nhà còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn. 

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Văn Huy thăm và tặng hoa chúc mừng thầy giáo Tô Sỹ Giơu nguyên Hiệu Phó trường Sư phạm Miền Núi nhân ngày 20/11. Ảnh: Chu Thanh
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Nguyễn Văn Huy thăm và tặng hoa chúc mừng thầy giáo Tô Sỹ Giơu nguyên Hiệu Phó trường Sư phạm Miền Núi nhân ngày 20/11. Ảnh: Chu Thanh

“Đời người được gặp Bác, còn chi bằng nữa”!

Thầy Lô Kam Y Hiệp (80 tuổi) là người dẫn chúng tôi đến thăm cụ giáo Tô Sỹ Giơu (xã Minh Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An). Thầy Hiệp người dân tộc Thái, vừa là đồng nghiệp, vừa làm cấp trên của cụ Giơu, nhưng đều đặn năm nào cũng đến thăm “cấp dưới” như một sự tri ân đặc biệt. “Thời đó, tôi làm Hiệu trưởng, còn cụ Giơu làm Hiệu phó trường Sư phạm cấp 1 miền núi Nghệ An. Nhưng với thế hệ chúng tôi, cụ Giơu chính là một người anh, người thầy đáng kính. Cụ cũng là thầy giáo đạt Chiến sĩ thi đua toàn quốc, từng được gặp Bác Hồ”, thầy Hiệp giới thiệu.

Sinh năm 1917, đến nay, cụ giáo Tô Sỹ Giơu đã bước sang tuổi 102, gương mặt hiền từ, chòm râu bạc, nụ cười sáng toát lên phong cách mẫu mực đáng kính của một người thầy. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng cụ vẫn minh mẫn, nghe và nói chuyện tốt. Nhắc lại về kỷ niệm được gặp Bác Hồ, cụ như còn nguyên sự hồi hộp, phấn khởi. Đó là Đại hội liên hoan Anh hùng, Chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc lần thứ II tại Hà Nội (7/7/1958). “Ở Nghệ An chỉ có mình tôi được danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và ra Hà Nội dự Đại hội. Cảm xúc nhiều lắm, nhưng sướng nhất rồi đó, đời mình được gặp Bác Hồ, được Bác bắt tay, tặng áo, tặng tiền… còn chi bằng nữa”, cụ Giơu kể lại.

Thời gian đã quá lâu, cụ không nhớ ngày xưa mình đã làm gì để được danh hiệu quý giá đó. Chỉ biết rằng, đó là khoảng thời gian rất gian khổ của đất nước nói chung và vùng quê xứ Nghệ nói riêng. Trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp vừa dạy học, vừa sơ tán, đến lúc giành được hòa bình, hậu quả chiến tranh để lại là nghèo đói, thiếu thốn, thầy giáo buổi dạy học, buổi lao động, sản xuất. Nhưng dù ở hoàn cảnh nào, Tô Sỹ Giơu cũng luôn hoàn thành nhiệm vụ. Phấn trắng bảng đen dạy chữ, chống giặc dốt, động viên học trò đến trường đi học, dù đói cũng phải có cái chữ.

Những năm tiếp đó, theo sự phân công của cấp trên, thầy giáo Tô Sỹ Giơu dạy học ở thị xã Vinh (nay là TP Vinh), rồi được điều làm giáo viên sư phạm Liên khu IV Sầm Sơn – Quảng Xương – Thanh Hóa. Từ năm 1958 – 1961, thầy được cử đi học Đại học Sư phạm Hà Nội và sau đó trở về lần lượt làm giáo viên Trường sư phạm cấp 1 miền núi (đóng tại TP Vinh); Hiệu trưởng Sư phạm cấp 1 miền xuôi Nghệ An; và Hiệu phó Trường Sư phạm miền núi Nghệ An (đóng tại huyện Tân Kỳ) cho đến lúc nghỉ hưu vào năm 1976.

“Thầy có biệt tài vận động quần chúng, kêu gọi sự đoàn kết của học sinh và người dân. Đoàn kết thì việc gì cũng làm được. Thầy học Tâm lý giáo dục của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, nhưng bản thân thầy đã là một con người có cốt cách, thế hệ trẻ chúng tôi ngày đó học được ở thầy nhiều kỹ năng ứng xử sư phạm, về đạo đức nghề giáo, về tinh thần thi đua vượt khó trong mọi hoàn cảnh”, thầy Lô Kam Y Hiệp nói về bậc tiền bối của mình.

Giữ truyền thống cho con cháu

Ngôi nhà của cụ giáo Giơu nằm ở lưng chừng quả đồi. Ở hai bên cổng vào có đôi câu đối: “Sách là ruộng, không ai hỏi thuế - Bút thành cây dễ trổ ra hoa”. Ông Tô Sỹ Lưu – con trai của cụ cho hay: Đây là chữ của ông, được khắc lên đây để mỗi lần đi về ra vào cổng, con cháu đều đọc thấy mà ghi nhớ trong lòng. Ông muốn răn dạy con cháu phải giữ được truyền thống gia đình, quý trọng chữ nghĩa, cố gắng vượt qua gian khổ để học thành người, thành tài.

Trò chuyện về truyền thống gia đình cụ Giơu, chúng tôi rất bất ngờ khi được biết cụ là cháu nội của nhà chí sĩ yêu nước Tô Bá Ngọc, người góp công lớn trong phong trào Cần Vương vào thế kỷ 19. Nối tiếp tinh thần yêu nước của cha ông, con cháu của cụ Tô Bá Ngọc đều là cán bộ tiền khởi nghĩa. Cháu nội Tô Sỹ Giơu là người thành lập và hoạt động trong đội tự vệ đỏ, tham gia giành chính quyền tháng 8/1945 tại huyện Yên Thành. Từ năm 1940 - 1945, thầy giáo trẻ Tô Sỹ Giơu đã là Hiệu trưởng của trường làng, rồi theo nghiệp đến trọn đời.

Nói về lý do chọn nghề dạy học, cụ Giơu cho biết: “Ngày xưa chưa có trường học, tôi học chữ từ cha mình, là một nhà Nho. Sau đó học tiếng Pháp, rồi chữ Quốc ngữ. Thấy nhiều người chưa biết chữ, tôi dạy lại họ, một vài người rồi dần dần mở lớp dạy ở làng”.

Năm tháng trôi đi, thầy Tô Sỹ Giơu được mọi người gọi là ông giáo, rồi cụ giáo. Cả cuộc đời làm nghề dạy học, cụ đã thực hiện lời dạy của cha ông mình, sống thanh bạch. Tài sản đến giờ giữ lại là tập giấy khen của Ủy ban Hành chính tỉnh Nghệ An, Tổng Liên đoàn Lao động, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, toàn quốc các năm. Vừa rồi, cụ cũng vinh dự nhận huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Và một tài sản tinh thần to lớn là sự yêu mến, kính trọng của học sinh, của bà con và nề nếp gia phong để lại cho con cháu.q

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.