COVID-19 và câu chuyện giảm học phí khi học trực tuyến đại học

Dịch COVID-19 đã khiến sinh viên các trường đại học bước vào một năm học mới không giống như mọi năm, khi hầu hết các lớp học diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Sinh viên tại trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ, ngày 7/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Sinh viên tại trường đại học Georgetown ở Washington, DC, Mỹ, ngày 7/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Sinh viên lo ngại về chất lượng khi học từ xa cũng như việc mất đi thu nhập vào mùa Hè và các tổ chức sinh viên đang kêu gọi giảm học phí. Tuy nhiên, không nhiều trường thực hiện được điều đó. 

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội sinh viên Canada và Hiệp hội Giảng viên Đại học Canada đối với 1.100 học sinh trung học và sinh viên đại học tại nước này, cứ 10 người tham gia khảo sát thì có 7 cho biết các kế hoạch việc làm trong mùa Hè bị ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19.

Những sinh viên đi làm cảm nhận được tác động của dịch bệnh, khi những công việc vốn đã không ổn định lại càng trở nên bấp bênh hơn. Đa số những sinh viên tham gia khảo sát của Statistics Canada trong tháng 4/2020 lo ngại về việc đảm bảo việc làm của họ (58%) và triển vọng việc làm xấu đi (67%).

Chính phủ Liên bang đã khởi động Chương trình trợ cấp khẩn cấp cho sinh viên và tăng tính linh hoạt của Chương trình sắp xếp việc làm cho sinh viên. Thủ tướng Justin Trudeau cho biết, một chương trình khác là Chương trình dịch vụ trợ cấp cho sinh viên (CSSG) sẽ không được thực hiện do những cáo buộc liên quan đến việc đấu thầu hợp đồng.

Các sinh viên quốc tế sẽ không thuộc đối tượng được hưởng hỗ trợ theo cả hai chương trình. Các nhóm sinh viên cũng đang kêu gọi Chính phủ Liên bang hủy CSSG và dùng tiền từ chương trình này để hỗ trợ trực tiếp cho sinh viên. 

Sự bấp bênh đó cho thấy phải nhanh chóng xem xét lại cách thức hỗ trợ tài chính cho sinh viên. Theo một nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia (UBC), để góp phần vào những thay đổi lâu dài mang tính tích cực như trong Kế hoạch chiến lược của mình, UBC cần tìm cách giảm sức ép tài chính đối với sinh viên.

Mức học phí đại học và nợ của sinh viên ở Canada tăng đáng kể trong những thập niên gần đây. Trung bình, một sinh viên tại nước này để hoàn thành chương trình học sẽ phải gánh khoản nợ trên 26.000 USD.

Báo cáo về kết quả khảo sát đối với sinh viên chưa tốt nghiệp của UBC cho thấy, thậm chí, trước khi dịch COVID-19 bùng phát, sinh viên đã chịu những áp lực về tài chính và cảm thấy thiếu thời gian. Hơn một nửa số sinh viên tham gia khảo sát làm việc trung bình 16 giờ mỗi tuần trong năm học 2019. 70% số sinh viên đã làm việc vào mùa Hè trước cuộc khảo sát năm 2018.

Một số sinh viên đi làm do thiếu sự hỗ trợ của gia đình, còn đa phần là để giảm gánh nặng tài chính cho gia đình. Trong khi đó, với các sinh viên quốc tế, gánh nặng này còn lớn hơn do mức học phí hàng năm thường cao hơn ít nhất 5 lần so với sinh viên người Canada. 

Hầu hết các sinh viên cũng cảm nhận được áp lực về thời gian trong cuộc sống thường nhật của họ, đặc biệt là do họ cần chuẩn bị cho cuộc sống sau khi tốt nghiệp.

Nhiều sinh viên cũng làm những công việc không lương để chuẩn bị cho việc viết đơn xin vào các chương trình giáo dục hay chuyên nghiệp. Một số cũng nhận thấy việc làm tình nguyện trong các câu lạc bộ hay hiệp hội là một cách để nâng cao năng lực khi làm hồ sơ xin việc. 

Canada có thể có nhiều lựa chọn để hỗ trợ việc học tập của sinh viên. Trước mắt, ngân sách bổ sung của chính phủ sẽ cho phép các trường đại học giảm học phí. Trong dài hạn, Canada có thể thảo luận về ngân sách dành cho các trường đại học, tham khảo mô hình của các nước khác.

So sánh giữa các nước cho thấy, Canada, cũng như Mỹ và Anh, có mức học phí cao, với các khoản cho sinh viên vay được tính là khoản hỗ trợ chính. Giảm áp lực tài chính là cách để giúp sinh viên có thời gian dành cho việc học tập. 

Còn tại Mỹ, khi năm học mới đang đến gần, dịch COVID-19 tiếp tục lây lan mạnh, khiến sinh viên đại học phải học trực tuyến nhiều hơn năm ngoái. Các trường danh tiếng như Harvard đã cam kết tiếp tục dạy học trực tuyến trong học kỳ tới và theo tờ The Chronicle of Higher Education, 46% số trường đại học có kế hoạch duy trì một số hoặc toàn bộ các lớp trực tuyến. 

Trong khi nhiều sinh viên đồng ý rằng giãn cách xã hội là cần thiết, nhiều sinh viên lo ngại về việc họ vẫn tiếp tục phải đóng đầy đủ học phí dù học trực tuyến. Theo một khảo sát đối với 13.606 sinh viên đại học tại Mỹ do nền tảng giáo dục OneClass thực hiện, hơn 93% số sinh viên tại Mỹ cho rằng nếu các lớp học hoàn toàn diễn ra trực tuyến, thì học phí phải giảm.

Khảo sát cũng cho thấy 75% số sinh viên đại học không hài lòng với chất lượng của các lớp học trực tuyến và 35% cân nhắc việc nghỉ học. 

Sau khi trường bị đóng cửa, Aaron Vanek, một sinh viên tại Đại học New York, nói cậu muốn biết bao nhiêu tiền đã tiết kiệm được nhờ việc dạy học trực tuyến và được hoàn lại cho sinh viên. Trong khi đó, Robin Fierberg, một sinh viên mới tốt nghiệp Stanford University, hồi tháng Tư nói rằng cần giảm học phí bởi việc dạy học trực tuyến.

Một số sinh viên đã kiện nhà trường và yêu cầu hoàn tiền học phí sau khi học kỳ mùa Xuân 2020 bị rút ngắn do dịch COVID-19. 

Các chuyên gia cho rằng dạy học trực tuyến có thể tốn kém hơn với các trường do việc quản lý, nhất là những trường phải xây dựng cơ sở cho việc học trực tuyến một cách gấp rút. Chuyên gia về giáo dục đại học Mark Kantrowitz cho rằng các trường cần làm tốt hơn trong việc tổ chức dạy học trực tuyến, không chỉ là qua Zoom một cách vội vàng, do đó phải đầu tư cho thiết bị và việc đào tạo. Ông nói các khoản đầu tư này là tốn kém. 

Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng tại Mỹ, Lynn Pasquerella, nhấn mạnh câu chuyện về chất lượng và học phí học trực tuyến là vô cùng. Bà nói có những chương trình học trực tuyến có tỷ lệ sinh viên hoàn thành rất thấp và sinh viên phải chịu một số nợ lớn, trong khi có những trường tổ chức rất tốt như Đại học Southern New Hampshire, trường sẽ giảm học phí vào năm tới.

Theo TTXVN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.