Theo các nhà phân tích, trên thực tế các hệ thống kích hoạt bằng giọng nói như Trợ lý Google, Amazon Alexa và Siri của Apple đều có sự tăng trưởng mạnh trong vài năm gần đây và đại dịch Covid-19 có thể thúc đẩy điều này mạnh mẽ hơn nữa.
Nhà phân tích Jonathan Collins của ABI Research cho biết: “Công nghệ giọng nói đã xâm nhập đáng kể vào không gian nhà thông minh và điều khiển giọng nói có thể cho phép chúng ta tránh tiếp xúc với các bề mặt thường phải chạm vào trong nhà như điện thoại thông minh, điều khiển TV, công tắc đèn, bộ điều nhiệt, tay nắm cửa…”.
“Đại dịch Covid-19 vô hình trung tiếp thêm động lực và khích lệ cho việc sử dụng hệ thống kiểm soát bằng giọng nói trong nhà, thứ sẽ thúc đẩy nhận thức và tiếp nhận một loạt các thiết bị và ứng dụng bổ sung cho nhà thông minh” - Jonathan Collins cho biết thêm.
ABI ước tính những lô hàng thiết bị điều khiển bằng giọng nói cho các thiết bị nhà thông minh lên tới con số là 141 triệu vào năm ngoái và vào năm 2020 sẽ tăng trưởng gần 30% trên toàn cầu. Tính riêng phân khúc thị trường thiết bị sử dụng trợ lý giọng nói, hãng nghiên cứu Juniper ước tính, năm 2020 có 4,2 tỷ thiết bị đang được sử dụng và sẽ tăng lên 8,4 tỷ thiết bị vào năm 2024, phần lớn tương thích với điện thoại thông minh.
Collins dự kiến sẽ thấy sự quan tâm ngày càng tăng đối với khóa thông minh và chuông cửa, cùng với các hệ thống nhà thông minh khác, để loại bỏ nhu cầu tiếp xúc cá nhân và tương tác trực diện vì đại dịch.
Avi Greengart, một nhà phân tích và tư vấn công nghệ của Techsponential, cho biết dữ liệu chưa có sẵn nhưng “về mặt khách quan, tần suất sử dụng trợ lý giọng nói đã tăng lên” do lệnh đóng cửa và những quy định về giãn cách xã hội. Greengart trông đợi sự xuất hiện của một loạt các ứng dụng kinh doanh cho công nghệ giọng nói để đáp ứng với các mối quan tâm về sức khỏe và an toàn.
“Trong tương lai gần, các không gian văn phòng sẽ cần hướng tới các điều khiển không cảm ứng hơn, giọng nói có thể là một giải pháp, mặc dù các kích hoạt bằng chuyển động cho ánh sáng thường dễ dàng hơn và không ma sát hơn. Tuy nhiên, tôi thực sự mong đợi loa thông minh - cùng với danh sách các lệnh được gửi qua email - sẽ là một tính năng phổ biến tại các khách sạn và các tài sản cho thuê khác. Càng ít điểm tiếp xúc, càng tốt” – nhà phân tích Avi Greengart nhấn mạnh.
Không chỉ trả lời các câu hỏi truy vấn hay hỗ trợ mua sắm, các trợ lý giọng nói còn được sử dụng để điều khiển các thiết bị gia dụng thông minh và hỗ trợ một loạt các ứng dụng trong lĩnh vực y tế và kinh doanh - những lĩnh vực mà công nghệ điều khiển bằng giọng nói sẽ chú trọng tích hợp trong bối cảnh con người đang hạn chế sự tiếp xúc cá nhân để phòng dịch bệnh.
Julian Issa của Futuresource Consulting cho biết: “Dường như có sự gia tăng trong việc sử dụng trợ lý giọng nói kể từ khi Covid-19 bùng phát. Trong khi việc tránh va chạm với các bề mặt có thể đóng một phần nhỏ trong việc này, nguyên nhân chủ yếu là do người tiêu dùng dành nhiều thời gian ở nhà với các thiết bị của họ hơn”.
Chris Pennell, một nhà phân tích khác của Futuresource cho biết, việc áp dụng trợ lý kỹ thuật số có khả năng sẽ tăng tốc, đặc biệt là trong các lĩnh vực phải đối mặt với khách hàng như chăm sóc sức khỏe, bán lẻ và giải trí. Một ví dụ về điều này là công cụ của Mayo Clinic sử dụng Amazon Alexa cho phép mọi người đánh giá các triệu chứng và truy cập thông tin về Covid-19.
Veton Kepuska, Giáo sư kỹ thuật máy tính Florida Tech, chuyên về công nghệ nhận dạng giọng nói, đang tìm cách phát triển robot y tế kích hoạt bằng giọng nói có thể giúp hạn chế tiếp xúc vật lý và lây nhiễm. Nỗ lực này có thể đưa ta đến một robot y tế sẵn sàng đảm nhận nhiều nhiệm vụ từ các bác sĩ hoặc y tá với tương tác bằng giọng nói.
“Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một tình huống mà chúng ta cần phải suy nghĩ về cách cung cấp dịch vụ cho những người cần sự giúp đỡ mà không khiến bản thân gặp nguy hiểm” – GS Veton Kepuska cho biết.