Báo điện tử Mel.fm đã phỏng vấn GS Viktor Bolotov - viện sĩ Viện Hàn lâm GD Nga về vấn đề này.
- Thưa ông, ông đánh giá tình hình dạy học từ xa hiện nay như thế nào?
- Ở các trường phổ thông, các khu vực và gia đình khác nhau, tình hình rất khác nhau. Chẳng hạn, một gia đình có bố, mẹ cần làm việc và một đứa con cần học, nhưng chỉ có một máy tính, họ phải làm thế nào trong hoàn cảnh này? Tôi biết ở Saint-Petersburg, nhiều người đã thuê máy tính để các thành viên trong gia đình làm việc. Nhưng đó là Petersburg. Còn ở những thành phố nhỏ, tôi không biết người ta xoay xở ra sao. Nhiều GV trước đây không hề sử dụng máy vi tính và các công nghệ từ xa. Chúng ta không thể dạy họ điều đó trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, có nhiều trường phổ thông và GV rất tích cực sử dụng công nghệ hiện đại.
Nhưng có những lỗ hổng kiến thức mà chúng ta không lấp đầy được bằng dạy học từ xa. Đó là các tiết học thực hành, thí nghiệm. Không có sự mô phỏng nào trên màn hình có thể giải quyết được vấn đề của môn Vật lý, Hóa học, Sinh học. Ở đấy bạn cần phải thao tác bằng tay. Ngoài ra, chúng ta sẽ không giải quyết được các vấn đề liên quan đến giáo dục con người, bởi vì thiếu sự tương tác trực tiếp, mặt giáp mặt, chúng ta có thể biến thành các nhà đạo đức suông.
- Theo ông, số phận của năm học và kỳ thi Quốc gia thống nhất năm nay như thế nào?
- Có ba phương án. Đơn giản nhất là không thay đổi bất cứ điều gì và chuyển kỳ thi sang tháng 7, tháng 8. Hết cách ly, các trường mở cửa trở lại, HS chuẩn bị ôn tập một thời gian và bước vào các kỳ thi. Năm học tại các trường đại học sẽ bắt đầu muộn hơn một tháng, điều này không ảnh hưởng đến SV. Chỉ có HS sẽ bị thiệt thòi, vì kỳ nghỉ hè của các em không được trọn vẹn.
Phương án hai là thay thế hình thức thi Quốc gia thống nhất, nghĩa là thi ở nhà, thông qua máy tính. Ở đây vấn đề đặt ra là giám sát quá trình thi như thế nào. Bạn cần biết chắc chắn rằng HS không sử dụng “phao”, người lớn không nhắc bài, không làm bài thay các em.
Phương án ba đang được thảo luận tích cực trên toàn thế giới, Vương quốc Anh và Hà Lan đang chuyển sang phương án này. Nghĩa là, bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT và lấy điểm tổng kết lớp 10 và học kỳ 1 của lớp 11 thay thế (chương trình phổ thông Nga có 11 năm). Phương án này có một số nhược điểm, nhưng đã được một số quốc gia quyết định sử dụng. Hiện tại, nước Nga ủng hộ phương án chuyển kỳ thi. Ở đây cũng xuất hiện một số vấn đề - phụ huynh gửi thư ủng hộ lẫn phản đối.
- Theo ông, tại sao nước Nga chưa sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến? Và liệu điều đó có cần thiết không?
- Tôi xin nói thêm, không quốc gia nào trên thế giới đã sẵn sàng chuyển sang dạy học trực tuyến. Trước đây, chỉ có các trường đại học và phổ thông tiên tiến mới tích cực sử dụng các nền tảng dạy học từ xa. Nhưng chưa có một cách tiếp cận có hệ thống, bài bản. Trong lĩnh vực này, nước Nga không đứng đầu, nhưng cũng không đứng cuối. Vấn đề ở chỗ, hiện nay cả thế giới hiểu cần phải coi dạy học trực tuyến không phải như một thứ “của lạ”, một đặc quyền nào đấy, mà đơn giản là cần phải áp dụng nó vào quá trình dạy học thông thường.
Rõ ràng, thời kỳ hậu dịch Covid-19 sẽ khá khó khăn. Cháu gái tôi nói: “Cháu rất muốn đến trường gặp các bạn”. Đây chính là vấn đề xã hội, vấn đề giáo dục. Vì vậy sắp tới, GV sẽ phải dành nhiều thời gian cho hoạt động sáng tạo, phát triển HS, còn những công việc thô sơ có thể chuyển sang máy tính.
- Nói chung, ông có tin tưởng vào giáo dục trực tuyến trên phạm vi toàn cầu không?
- Có một số vấn đề khác nhau. Theo các khảo sát được tiến hành trước dịch Covid-19, khoảng 30% HS học trực tuyến tham gia các kỳ thi và nhận được chứng chỉ, đây là một tỷ lệ cao. Trong số 100% người học ban đầu, có 40 - 50% bỏ cuộc trong quá trình học, số còn lại tham gia các kỳ thi. Vấn đề chính là động cơ. Làm sao bạn có thể bắt được một đứa trẻ ngồi 6 tiếng đồng hồ bên bàn và nhìn chằm chằm vào màn hình.
Vì vậy tôi không tin tưởng 100% vào giáo dục trực tuyến. Nhưng có một ngoại lệ, giáo dục trực tuyến giúp nâng cao trình độ chuyên môn. Nếu có động cơ, tôi có thể dễ dàng sử dụng máy tính và học tập tại nhà. Ví dụ, các khóa học dành cho kế toán viên có thể được thực hiện trực tuyến: Người nào có động cơ, người ấy nhận được chứng chỉ. Chúng ta có thể tổ chức từ xa các kỳ thi Olympic, trò chơi, thi tuyển cho HS. Nhưng theo tôi, giáo dục từ xa không thể thay thế quá trình giáo dục thường xuyên.
- Theo ông, những bài học nào chúng ta có thể rút ra? Giáo dục cần chuẩn bị đón đầu như thế nào?
- Bạn hãy tưởng tượng rằng ngày mai có một thiên thạch nào đó sẽ rơi xuống Trái đất. Vậy thì sao? Bạn không thể chuẩn bị cho tất cả mọi thứ.
Kết luận chính là các công nghệ từ xa, các khóa học trực tuyến sẽ bước từ thế giới “của lạ” vào cuộc sống hàng ngày. Chúng sẽ không thay thế sự tiếp xúc trực tiếp, sinh động, nhưng sẽ trở nên phổ biến hơn. Ngoài ra, cần đào tạo GV một cách nghiêm túc và nâng cao trình độ cho họ. Có quá nhiều người nói rằng họ chưa sẵn sàng sử dụng công nghệ kỹ thuật số.
Châm ngôn là: “Tất cả những gì không giết chết chúng ta, sẽ làm cho chúng ta mạnh hơn”. Mà đại dịch Covid-19 không giết được nhà trường phổ thông Nga.
- Ở Nga, nhiều người nói về việc bãi bỏ kỳ thi Quốc gia thống nhất.
- Khi nghe ai đó nói về việc bãi bỏ kỳ thi Quốc gia thống nhất, tôi luôn luôn nói: “Trước tiên chúng ta hãy bàn bạc với nhau đã”. Việc kỳ thi Quốc gia thống nhất giải quyết vấn đề san bằng khả năng tiếp cận giáo dục cho HS từ vùng sâu, vùng xa và nông thôn được chứng minh bằng các số liệu thống kê. Tỷ lệ HS nông thôn, các thành phố vừa và nhỏ trong các trường đại học tăng lên. Ở Mátxcơva và Saint-Petersburg, trước khi áp dụng thi Quốc gia thống nhất, chỉ có 25% SV nơi khác đến. Sau khi áp dụng, con số đó là 60%. Tại sao chúng ta lại ngăn chặn con đường vào đại học của những thanh niên tài năng và nghị lực này? Hãy đưa ra một cơ chế có thể giải quyết vấn đề thay kỳ thi Quốc gia thống nhất, rồi chúng ta sẽ cùng bàn bạc.