COVID-19 để lại nhiều dấu ấn lên não bộ, trong đó có giảm chỉ số IQ

GD&TĐ - Hai nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học New England làm sáng tỏ thêm về tác động sâu sắc của COVID-19 đối với sức khỏe não bộ của con người.

Bốn năm trôi qua nhanh chóng và hiện có nhiều bằng chứng cho thấy việc bị nhiễm SARS-CoV-2 – loại vi-rút gây ra COVID-19 có thể ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ theo nhiều cách.

COVID-19.
COVID-19.

Ngay từ những ngày đầu của đại dịch, hiện tượng sương mù não (brain fog) đã xuất hiện và là một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng mà nhiều người gặp phải sau COVID-19.

Sương mù não là một thuật ngữ mô tả trạng thái tinh thần uể oải hoặc thiếu sáng suốt, mơ hồ khiến bạn khó tập trung, ghi nhớ mọi thứ và suy nghĩ rõ ràng.

Ngoài tình trạng sương mù não, COVID-19 có thể dẫn đến một loạt vấn đề, bao gồm đau đầu, rối loạn co giật, đột quỵ, khó ngủ, ngứa ran và tê liệt dây thần kinh, cũng như một số rối loạn sức khỏe tâm thần.

Một lượng lớn bằng chứng ngày càng tăng được tích lũy trong suốt đại dịch trình bày chi tiết về nhiều cách mà COVID-19 để lại dấu ấn không thể xóa nhòa trong não. Nhưng những con đường cụ thể mà virus hoạt động vẫn đang được làm sáng tỏ và các phương pháp điều trị chữa bệnh vẫn chưa có.

Giờ đây, hai nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học New England đã làm sáng tỏ thêm về tác động sâu sắc của COVID-19 đối với sức khỏe nhận thức.

Bác sĩ nghiên cứu Ziyad Al-Aly khẳng định: "Tôi là một bác sĩ- nhà khoa học và tôi đã cống hiến hết mình để nghiên cứu về COVID kéo dài kể từ khi những bệnh nhân đầu báo cáo về tình trạng này - ngay cả trước khi thuật ngữ “Covid kéo dài” được đặt ra. Tôi đã làm chứng trước Thượng viện Hoa Kỳ với tư cách là nhân chứng chuyên môn về dịch bệnh COVID kéo dài và đã xuất bản nhiều bài viết về chủ đề này."

Các dấu ấn của COVID-19 để lại lên não bộ

Sars-cov-2.
Sars-cov-2.

Dưới đây là một số nghiên cứu quan trọng nhất cho đến nay ghi lại ảnh hưởng của COVID-19 đến sức khỏe não bộ:

Các phân tích dịch tễ học quy mô lớn cho thấy những người mắc COVID-19 có nguy cơ bị suy giảm nhận thức cao hơn, chẳng hạn như các vấn đề về trí nhớ.

Các nghiên cứu hình ảnh y khoa ở người được thực hiện ở giai đoạn trước và sau khi nhiễm COVID-19 cho thấy thể tích não bị co lại và cấu trúc não bị thay đổi sau khi bị nhiễm virus.

Một nghiên cứu trên những người mắc bệnh COVID-19 ở mức độ nhẹ đến trung bình cho thấy tình trạng viêm não kéo dài đáng kể và những thay đổi tương xứng với quá trình lão hóa não trong 7 năm.

COVID-19 nghiêm trọng đến cần phải nhập viện hoặc chăm sóc đặc biệt có thể dẫn đến suy giảm nhận thức và các tổn thương não khác tương đương với già đi 20 tuổi.

Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm trên các cơ quan não người và chuột được thiết kế để mô phỏng những thay đổi trong não người cho thấy nhiễm SARS-CoV-2 kích hoạt sự hợp nhất của các tế bào não. Điều này có hiệu quả làm đoản mạch hoạt động điện từ của não và làm tổn hại đến chức năng.

Các nghiên cứu khám nghiệm tử thi đối với những người mắc bệnh COVID-19 nặng nhưng chết vài tháng sau đó do các nguyên nhân khác cho thấy vi rút vẫn còn tồn tại trong mô não.

Điều này cung cấp bằng chứng cho thấy trái ngược với tên gọi của nó, SARS-CoV-2 không chỉ là một loại virus đường hô hấp mà nó còn có thể xâm nhập vào não ở một số cá nhân. Nhưng liệu sự tồn tại của vi rút trong mô não có phải là nguyên nhân gây ra một số vấn đề về não gặp ở những người đã từng mắc COVID-19 hay không vẫn chưa rõ ràng.

Các nghiên cứu cho thấy ngay cả khi vi-rút ở mức độ nhẹ và chỉ giới hạn ở phổi, nó vẫn có thể gây viêm trong não và làm suy giảm khả năng tái tạo của tế bào não.

COVID-19 cũng có thể phá vỡ hàng rào máu não, lá chắn bảo vệ hệ thần kinh – là trung tâm kiểm soát và chỉ huy của cơ thể chúng ta – khiến nó bị “rò rỉ”. Các nghiên cứu sử dụng hình ảnh để đánh giá bộ não của những người nhập viện vì COVID-19 cho thấy hàng rào máu não bị gián đoạn hoặc rò rỉ ở những người bị sương mù não.

Một phân tích sơ bộ lớn tổng hợp dữ liệu từ 11 nghiên cứu bao gồm gần 1 triệu người mắc COVID-19 và hơn 6 triệu người không bị nhiễm bệnh cho thấy rằng COVID-19 làm tăng nguy cơ phát triển bệnh sa sút trí tuệ khởi phát sớm ở những người trên 60 tuổi.

Giảm IQ

Gần đây nhất, một nghiên cứu mới được công bố trên Tạp chí Y học New England đã đánh giá các khả năng nhận thức như trí nhớ, lập kế hoạch và suy luận không gian ở gần 113.000 người trước đây đã từng mắc bệnh COVID-19.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người bị nhiễm bệnh bị suy giảm đáng kể về trí nhớ và hiệu suất thực hiện nhiệm vụ điều hành.

Hoạt động điện từ trong não.
Hoạt động điện từ trong não.

Sự suy giảm này thể hiện rõ ở những người bị nhiễm trong giai đoạn đầu của đại dịch và những người bị nhiễm khi các biến thể delta và omicron hoành hành nhiều. Những phát hiện này cho thấy nguy cơ suy giảm nhận thức không hề giảm đi khi virus gây đại dịch tiến hóa từ chủng đầu tiên thành omicron.

Trong cùng một nghiên cứu, những người mắc bệnh COVID-19 ở mức độ nhẹ và đã khỏi bệnh cho thấy sự suy giảm nhận thức tương đương với việc giảm 3 điểm IQ.

Để so sánh, những người có các triệu chứng dai dẳng không được giải quyết, chẳng hạn như những người bị khó thở hoặc mệt mỏi dai dẳng, bị giảm 6 điểm IQ. Những người được đưa vào phòng chăm sóc đặc biệt vì COVID-19 bị giảm 9 điểm về chỉ số IQ. Việc tái nhiễm virus góp phần làm giảm thêm 2 điểm về chỉ số IQ, so với trường hợp không tái nhiễm.

Nói chung, chỉ số IQ trung bình là khoảng 100. Chỉ số IQ trên 130 cho thấy một cá nhân có năng khiếu cao, trong khi chỉ số IQ dưới 70 thường cho thấy mức độ thiểu năng trí tuệ có thể cần sự hỗ trợ đáng kể của xã hội.

Để đưa kết quả nghiên cứu của Tạp chí Y học New England vào tầm nhìn, ước tính rằng chỉ số IQ giảm 3 điểm sẽ làm tăng số người Mỹ trưởng thành có chỉ số IQ dưới 70 từ 4,7 triệu lên 7,5 triệu - tăng 2,8 triệu người trưởng thành bị suy giảm nhận thức ở mức độ cần sự hỗ trợ xã hội đáng kể.

Một nghiên cứu khác trên cùng số của Tạp chí Y học New England có sự tham gia của hơn 100.000 người Na Uy trong khoảng thời gian từ tháng 3/2020 đến tháng 4/2023. Nó ghi nhận chức năng trí nhớ kém hơn ở nhiều thời điểm trong một khoảng thời gian lên đến 36 tháng sau khi xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

Phân tích ý nghĩa

Kết hợp lại với nhau, những nghiên cứu này cho thấy COVID-19 có nguy cơ nghiêm trọng đối với sức khỏe não bộ, ngay cả trong những trường hợp nhẹ và những tác động hiện đang lộ ra ở cấp độ dân số.

Một phân tích gần đây của Khảo sát dân số hiện tại của Hoa Kỳ cho thấy rằng sau khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, có thêm 1 triệu người Mỹ trong độ tuổi lao động cho biết họ gặp “khó khăn nghiêm trọng” trong việc ghi nhớ, tập trung hoặc đưa ra quyết định hơn bất kỳ thời điểm nào trong 15 năm trước đó. Điều đáng lo ngại nhất là điều này chủ yếu được thúc đẩy bởi những người trẻ tuổi trong độ tuổi từ 18 đến 44.

Dữ liệu từ Liên minh Châu Âu cho thấy xu hướng tương tự – vào năm 2022, 15% người dân ở EU cho biết có vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung.

Nhìn về phía trước, điều quan trọng là phải xác định ai có nguy cơ cao nhất. Cũng cần hiểu rõ hơn về việc những xu hướng này có thể ảnh hưởng như thế nào đến trình độ học vấn của trẻ em và thanh niên cũng như năng suất kinh tế của người trưởng thành trong độ tuổi lao động. Và mức độ mà những thay đổi này sẽ ảnh hưởng đến dịch tễ học của bệnh sa sút trí tuệ và bệnh Alzheimer cũng chưa rõ ràng.

Ngày càng có nhiều nghiên cứu xác nhận rằng COVID-19 nên được coi là một loại virus có tác động đáng kể đến não. Những tác động này rất sâu rộng, từ các cá nhân gặp khó khăn về nhận thức cho đến tác động tiềm tàng đối với dân số và nền kinh tế.

Việc làm sáng tỏ những nguyên nhân thực sự đằng sau những suy giảm nhận thức này, bao gồm cả sương mù não, sẽ cần nhiều năm, nếu không thì phải là hàng thập kỷ nỗ lực phối hợp của các nhà nghiên cứu trên toàn cầu. Và thật không may, gần như tất cả mọi người đều là trường hợp thử nghiệm trong sự việc chấn động toàn cầu chưa từng có này.

Theo Conversation

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ