Công viên quốc gia Mỹ quá tải… người

GD&TĐ - Công viên quốc gia là khu vực bảo tồn thiên nhiên hoang dã, cấm sự khai thác và can thiệp của con người.

Công viên Quốc gia Bosque del Apache mùa chim di cư đông nghẹt xe và người. Ảnh: Edition.cnn.com
Công viên Quốc gia Bosque del Apache mùa chim di cư đông nghẹt xe và người. Ảnh: Edition.cnn.com

Công viên quốc gia là khu vực bảo tồn thiên nhiên hoang dã, cấm sự khai thác và can thiệp của con người. Tuy nhiên, ở Mỹ, chỉ trong năm 2022, số lượt người ghé những điểm đến đó đã lên đến hơn 300 triệu, ngang bằng với tổng dân số toàn quốc.

Nghịch lý

Trên cả nước, chính phủ liên bang sở hữu hơn 640 triệu mẫu Anh đất công. Nhiều mảnh trong số này đã được quy hoạch làm công viên quốc gia, bảo vệ địa chất, động vật hoang dã, thực vật đặc hữu…

Theo định nghĩa của Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (International Union for Conservation of Nature and Natural Resources - IUCN) thì công viên quốc gia là khu vực tự nhiên của vùng đất hoặc vùng biển được chọn để bảo vệ một hay nhiều hệ sinh thái, cấm khai thác, chiếm giữ và chỉ cho phép tham quan trên cơ sở không làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái được bảo vệ.

Tháng 9/2020 tại Công viên Quốc gia Yellowstone, 2 du khách trẻ bất chấp quy định cấm tới gần miệng mạch nước phun Old Faithful chỉ để chụp hình. Tháng 5/2023 cũng tại công viên này, một du khách đã can thiệp vào quá trình sinh nở của con bò rừng, khiến bê mới sinh bị mẹ bỏ và cuối cùng chết đói…

Hai câu chuyên kể trên chỉ là chuyện thường thấy trong các công viên quốc gia ở Mỹ. Trong khi hầu hết các công viên quốc gia trên thế giới đều vắng bóng người thì tại đây, chỉ nội trong năm 2022, số lượt người ghé các công viên quốc gia đã lên đến hơn 300 triệu lượt.

Nhiều thời điểm, trên các con đường trong công viên quốc gia còn nườm nượp người và xe cộ, đến nỗi nhân viên ở đây không cách nào giám sát hết cũng như ứng phó các trường hợp khẩn cấp kịp thời.

Nhiều du khách không tuân thủ quy định, tự ý can thiệp vào cuộc sống tự nhiên và gây hậu quả khôn lường. Ảnh: Nps.gov

Nhiều du khách không tuân thủ quy định, tự ý can thiệp vào cuộc sống tự nhiên và gây hậu quả khôn lường. Ảnh: Nps.gov

“Tụ điểm giải trí ngoài trời”

Địa hình và địa chất của các công viên quốc gia ở Mỹ rất đa dạng, một số còn là danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, dù cảnh đẹp hay cảnh bình thường cũng đều là không gian mở và người Mỹ rất thích giải trí ngoài trời.

Theo báo cáo kinh tế năm 2021, tổng doanh thu từ giải trí ngoài trời trên toàn quốc khoảng 454 tỷ USD, cao hơn doanh thu của ngành sản xuất ô tô và vận tải hàng không cộng lại.

Sau thời gian bị phong tỏa vì Covid-19, nhu cầu giải trí ngoài trời của công chúng Mỹ càng cao hơn. Ai cũng muốn được giải thoát khỏi sự bí bách và nhiều người chọn đi bộ đường dài, câu cá, du lịch bụi… Tất nhiên, điểm đến của họ là các công viên quốc gia vẫn nguyên vẹn vẻ hoang sơ. Chính vì thế mà từ các cánh rừng đến đồng cỏ, bờ biển, hẻm núi, sa mạc… đột ngột đông đúc người.

Khi các công viên quốc gia quá chật chội, một lượng lớn du khách lựa chọn giải trí ngoài trời tại các khu vực đất công còn lại. Sự gia tăng này khiến các cộng đồng địa phương tích cực thu hút du khách.

Ví dụ ở Phoenix, Cục Quản lý đất đai đã quy hoạch hơn 3 triệu mẫu Anh cho 14 loại hình giải trí ngoài trời khác nhau như câu cá, chèo thuyền, lái xe địa hình… Núi Bogus Basin, khu vực trượt tuyết ở Idaho vốn chỉ mở cửa vào ban ngày thì khai trương chương trình trượt tuyết đêm với giá vé giảm sâu.

Thúc đẩy giải trí ngoài trời quá mức có thể gây tác dụng ngược, hủy hoại tài nguyên tự nhiên. Ảnh: Idrange.org

Thúc đẩy giải trí ngoài trời quá mức có thể gây tác dụng ngược, hủy hoại tài nguyên tự nhiên. Ảnh: Idrange.org

Lợi bất cập hại

Ở Mỹ, cả công viên quốc gia lẫn đất công đều chung vai trò là bảo vệ tự nhiên. Để duy trì hoạt động này, nhà quản lý cần nguồn tài chính lớn thông qua sự gia tăng của du khách.

Có tổng cộng 423 công viên trong Hệ thống Công viên Quốc gia Liên bang và tổng diện tích của chúng là hơn 85 triệu mẫu Anh. Nếu trước đây, không gian bên trong các công viên rất yên tĩnh, vắng vẻ thì bây giờ, chúng ồn ã và quá nhiều người cắm trại, gây ùn tắc tại hàng loạt điểm.

Tắc nghẽn giao thông trong công viên quốc gia là áp lực với cả du khách lẫn nhân viên. Nhiều vụ xung đột giữa các du khách đã xảy ra, gây sự mất an toàn và tác động xấu lên đời sống tự nhiên.

Tất cả các công viên đều có quy định tham quan, yêu cầu du khách không tiếp xúc và tránh can thiệp vào đời sống của tự nhiên. Ví dụ ở Công viên Quốc gia Yellowstone, du khách bị cấm tiếp cận động vật hoang dã trong phạm vi 23m, đặc biệt cấm lại gần gấu và chó sói trong phạm vi 91m.

Tuy nhiên, không phải tất cả các du khách đều tuân thủ và điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là sự sống còn của các động vật hoang dã được bảo vệ.

So với các công viên, việc phát triển giải trí ngoài trời ở các khu vực đất công còn lại có vẻ giàu lợi ích hơn. Có điều, nếu suy xét kỹ, lợi vẫn bất cập hại. Không ít hoạt động giải trí ngoài trời ở khu vực đất công thiếu sự quản lý chặt chẽ. Nhiều du khách đã tự ý mang đồ đạc tới sử dụng rồi bỏ lại, biến đất công thành bãi rác.

Một số người khác thì tùy hứng vác súng bắn lung tung ở các địa điểm giải trí bắn súng, tạo ra mớ hỗn độn nguy hiểm, khó dọn dẹp. Kết quả, quận Phoenix có nhiều địa điểm bắn súng giải trí buộc phải cảnh báo không được phép bắn vào các mục tiêu nguy hiểm như thủy tinh và cây xương rồng.

Chưa hết, thúc đẩy giải trí ngoài trời còn có thể là cái bẫy kinh tế dễ sập. Sự xuất hiện đột ngột của một “điểm nóng” khiến giá thành nhà ở, chi phí sinh hoạt bất chợt leo thang.

Các cư dân lâu năm không gánh vác nổi chi phí, buộc phải bán nhà và rời đi nơi khác kiếm ăn, dẫn đến mất mát dân số và lực lượng lao động. Cơ sở hạ tầng, chính sách tài chính và bảo vệ thiên tai cũng bị tác động, cuối cùng quay ngược lại gây hại lên tài nguyên đất công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ