Công ty TNHH Giáo dục Master English ngừng hoạt động tại Đà Nẵng: Học viên và nhân viên quay quắt đòi nợ

GD&TĐ - Ngày 11/10, trên fanpage có tên gọi English4U Danang, được cho là của Trung tâm E4U Đà Nẵng, một chi nhánh của Công ty TNHH Giáo dục Master English thông báo dừng hoạt động.

Trụ sở của SAS Đà Nẵng chi nhánh Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).
Trụ sở của SAS Đà Nẵng chi nhánh Nguyễn Văn Linh (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).

Nhiều học viên cho biết chưa được hoàn học phí và không hề nhận được thông báo chính thức từ phía trung tâm kể từ tháng 4/2021 – thời điểm phải nghỉ học vì ảnh hưởng dịch bệnh đến nay.

Thông báo dừng hoạt động được nhân bản

Ngoài thông báo Trung tâm E4U Đà Nẵng dừng hoạt động, quản lý fanpage của trung tâm này cũng làm rõ một số thông tin để “tránh sự hiểu lầm về việc nhân viên đã làm việc tại trung tâm trong thời gian vừa qua.

Theo đó, fanpage English4U Đà Nẵng do các bạn nhân viên tại trung tâm thành lập ra để tiện hỗ trợ trao đổi thông tin, giải đáp các vấn đề liên quan đến khóa học của học viên.

Tuy nhiên, vào tháng 5/2021, toàn bộ nhân viên của chi nhánh tạm ngừng làm việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước. Chính vì vậy, các bạn nhân viên không thể hỗ trợ giải đáp phản hồi trên fanpage cho học viên một cách nhanh chóng.

Về vấn đề liên quan học phí của học viên, theo thông báo trên trang này, toàn bộ tiền học phí của học viên khi đăng kí đều được nhân viên chuyển về cho công ty, cụ thể là Giám đốc – CEO Đỗ Văn Quản.

“Vì nhận được thông báo từ Giám đốc sẽ tiếp tục hoạt động sau khi Sở GD&ĐT có văn bản chính thức. Nhưng hiện giờ toàn bộ nhân viên hệ thống không một ai có thể liên lạc được với Giám đốc. Và có rất nhiều thông tin là ông đã bỏ đi nơi khác” – admin của trang này thông báo. Thông tin từ trang này cũng khẳng định, không chỉ học viên, giáo viên mà nhân viên làm việc tại trung tâm đều là nạn nhân của vụ việc này.

Đáng chú ý, thông báo này trùng với nội dung trên fanpage SAS Tây Ninh Campus Post cũng được đăng trong khoảng thời gian này. Các thông báo này đều có dẫn kèm đường link để những ai có liên quan đến hệ thống trung tâm SAS trên cả nước có thể tham khảo để tiến hành các bước giành lại quyền lợi và khoản tiền đang bị nợ tại SAS, bao gồm tiền lương, tiền học phí và cả tiền đầu tư cho vay.

Đòi nợ trong vô vọng

Ngày 20/4/2021, chị Võ N.N đến đăng ký học Anh văn tại trung tâm chi nhánh Nguyễn Hữu Dật (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với 4 khóa học. Vì đóng học phí một lần nên chị N được giảm 50%, chỉ đóng 5,4 triệu đồng. Vừa nộp tiền, chưa kịp đi học thì phải tạm dừng do ảnh hưởng dịch bệnh.

“Chưa học được buổi nào mà cũng không được hoàn trả học phí, tôi gọi điện đến trung tâm để hỏi quản lý. Gọi lần đầu còn hứa hẹn sau dịch giải quyết nhưng lần sau gọi điện lại, cũng số đấy họ bảo nhầm máy rồi”, chị Võ N.N thông tin.

Chúng tôi gọi theo số điện thoại chị N cung cấp thì người được cho là quản lý tại trung tâm chi nhánh Nguyễn Hữu Dật cho biết mình cũng là nạn nhân, cũng bị nợ lương với số tiền khoảng 30 triệu đồng, kể từ đầu năm 2021.

Người này cho biết, khi bị nợ lương liên tục trong nhiều tháng, nhân viên của trung tâm có thắc mắc được giải thích là ưu tiên giải quyết cho những người đã nghỉ việc trước.

“Chúng tôi đoán là công ty đang khó khăn về tài chính nhưng nếu nghỉ lại sợ khó đòi tiền lương đang bị nợ nên vẫn tiếp tục làm việc. Nhưng đến nay thì không thể đòi được nữa”. Có khoảng 4 nhân viên tại chi nhánh Nguyễn Hữu Dật cũng bị nợ lương như vậy.

Cả 3 con của chị Th.Ng đều theo học tại SAS Đà Nẵng với khóa học 3 cấp độ S1, S2 và S3. Tổng số tiền học phí là 16 triệu đồng sau khi đã được giảm 50% vì nộp tiền trọn gói.

“Phiếu thu còn đây mà giờ không biết làm sao để đòi bên trung tâm hoàn trả” – chị Ng cho biết. Sau khi hoàn thành khóa học S0, chị Ng. H Th. tiếp tục đăng ký theo học các cấp độ nâng cao S1, 2, 3 tại Trung tâm Nguyễn Hữu Dật. Chị Th. được tư vấn nếu đóng học phí một lần thì sẽ được giảm.

“Mình thấy như vậy cũng hợp lý nên đóng trọn gói với mức đóng đã được giảm là 4.625.000. Nhưng mới chỉ hoàn thành khóa S1 thì tạm nghỉ học do ảnh hưởng dịch. Giờ nghe trên fanpage thông báo trung tâm đóng cửa mới biết bị mất tiền học phí” – Th. cho hay.

Nhóm giáo viên, nhân viên tại 4 chi nhánh ở Đà Nẵng của Công ty TNHH Giáo dục Master English đã tập hợp danh sách những giáo viên, nhân viên bị nợ lương. Danh sách này có 27 người. Người bị nợ lương ít nhất là hơn 4 triệu.

Có một giáo viên người nước ngoài bị nợ lương nhiều nhất với khoảng từ 45 - 50 triệu đồng. Cô M.T.N.Q. bắt đầu vào dạy tại SAS Đà Nẵng từ tháng 7/2020. Đến cuối tháng 4, khi Đà Nẵng có chủ trương cho HS tạm dừng đến trường, các trung tâm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, chị ngưng dạy.

“Tôi bị nợ 15 triệu đồng tiền lương. Công ty chậm trả lương đã diễn ra từ trước đó. Lương tháng 11, 12 của năm 2020  sang đến tháng 3, 4/2021 giáo viên mới được trả” – chị Q. chia sẻ.

Ông Mai Tấn Linh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng - cho biết: Sở chưa nhận được bất kỳ một thông báo chính thức nào về việc chấm dứt hoạt động của các chi nhánh tại Đà Nẵng (Công ty TNHH Giáo dục Master English).

Cho đến thời điểm này, những thông tin có liên quan đến tình trạng của SAS Đà Nẵng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng có được là do tiếp nhận trên mạng xã hội. Sở đang tiến hành xác minh làm rõ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ