Tại hiện trường, có 41 bì đựng hải sản đã bốc mùi hôi thối với tổng trọng lượng 1,2 tấn, ngoài ra còn có 46 bì đựng trấu đã đươc vận chuyển cùng mang đến đốt tại lò đốt của công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh.
Đại diện đoàn liên ngành đã lập biên bản yêu cầu nhà máy xử lý rác của Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh dừng ngay việc xử lý rác trái phép.
Theo ông Nguyễn Văn Danh, công nhân phụ trách đốt lò của công ty này cho biết: Vào khoảng 17h30p cùng ngày, có 1 xe trọng tải 1,4 tấn chở số hải sản trên đến lò đốt. Thời điểm này, ông nhận được điện thoại của ông Lê Quang Hòa (Giám đốc công ty) nói là có hàng chở đến và chỉ đạo nhóm lò đốt.
“Lúc đó có anh Nguyễn Hồ Phương, cán bộ UBND xã Kỳ Hà đi xe máy theo sau xe ô tô chở lên. Tôi được giám đốc chỉ đạo đốt thì tôi đốt chứ không biết trong bì là cái gì cả. Khi chúng tôi đang đốt đến bì hải sản thứ 5 thì bị phát hiện nên đã phải dừng lại”, ông Danh phân trần.
Theo trình bày của ông Lê Anh Tài - Phó GĐ Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh: “Từ ngày 10 đến 15/12, Công ty nhận được 2 công văn của UBND xã Kỳ Hà và Trưởng phòng y tế thị xã Kỳ Anh nhờ Công ty tạo điều kiện tiêu hủy số hải sản nói trên (không có hợp đồng). Cho nên chiều 19/12, hai hộ dân và UBND xã Kỳ Hà chở số hải sản đi tiêu hủy. Công ty chúng tôi đủ đảm bảo điều kiện để đốt và xử lý số hải sản nói trên”.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, ông Phan Duy Vĩnh - Phó chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh lại cho biết: Đây là số lượng hải sản của người dân bị hư hỏng sau Bão số 10 cần phải được đưa đi tiêu hủy. “Ngoài 1,2 tấn hải sản tại hiện trường thì trong chiều ngày 19/12 còn có 6 xe khác, gồm 2 xe chở ruốc, 4 xe cá và mực đóng trong thùng xốp được bốc từ kho của 2 chủ cơ sở đưa lên lò để xử lý. Nhưng sau khi bị phát hiện, đình chỉ không biết các xe đó ở đâu rồi. Số lượng kiểm đếm tại kho của 2 chủ cơ sở trên có khoảng hơn 23 tấn hải sản hư hỏng cần đưa đi tiêu hủy”.
Trước đó, vào ngày 14/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định xử phạt hành chính Công ty CP Tư vấn xây dựng Quản lý môi trường đô thị Kỳ Anh do ông Lê Quang Hòa làm Giám đốc với số tiền 450 triệu đồng về hành vi "Chôn lấp, đổ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường trái quy định về bảo vệ môi trường".
Sau khi có hành vi chôn chất thải độc hại của Formosa trong trang trại của ông Lê Quang Hòa, Giám đốc công ty này đã bị cơ quan có thẩm quyền đình chỉ chức năng xử lý chất thải. Vì vậy, Công ty Môi trường đô thị Kỳ Anh không có chức năng xử lý chất thải, đặc biệt là các loại thực phẩm.