Công thức bảo vệ răng khi sử dụng bàn chải

GD&TĐ - Thay khi thấy lông bàn chải bị cong chứ không chờ 3 hay 6 tháng mới thay. Bảo vệ men răng cho trẻ bằng các loại bàn chải lông mềm chứ không chọn loại có hình thù đẹp. Không lạm dụng lấy cao răng. 

Dùng bàn chải đúng cách sẽ giúp bảo vệ răng tốt. Ảnh minh họa
Dùng bàn chải đúng cách sẽ giúp bảo vệ răng tốt. Ảnh minh họa

Chọn bàn chải ưu tiên loại có lông mềm

BS Trần Hương Giang, Phòng khám Nha khoa Đức Toàn (Hà Nội) cho biết, đa phần chúng ta đánh răng không đúng cách, biệt là những người cao tuổi. Đánh răng sai cách làm men răng mỏng đi, không còn độ bóng, độ láng.

“Hình dung cái răng giống như cái bút chì. Ruột bút chì là tủy răng, nước sơn vỏ bút chì giống như lớp men, còn lớp gỗ là ngà. Lớp sơn là lớp bảo vệ răng, là lớp cứng nhất, phủ bên ngoài răng.

Nhiều người không nắm được vai trò của lớp men răng, nên khi đánh răng thường chải ngang bàn chải. Giống như bạn cầm chiếc bàn chải chà xát vào quần áo, vết bẩn có thể sạch nhưng lớp sợi vải bị phá hủy, quần áo rất dễ bị sờn, rách.

Bàn chải đánh răng không đúng khiến lớp men răng sẽ mỏng dần và mất đi độ bóng. Khi lớp men này đã mất đi độ bóng thì không bao giờ hồi phục được. Muốn hồi phục bắt buộc phải can thiệp thẩm mỹ răng”, BS Trần Hương Giang giải thích.

Hiện các bậc cha mẹ thường chọn cho con các loại bàn chải có hình thù ngộ nghĩnh. Họ ít quan tâm đến chất lượng lông chải. Đây là thói quen xấu cần phải thay đổi để bảo vệ sức khỏe răng miệng trẻ.

Theo BS Trần Hương Giang, khuyến cáo đưa ra đối với bàn chải đánh răng là 3 tháng/lần phải thay. Nhưng thực tế thì tùy thuộc vào chính chiếc bàn chải bạn mua và tùy vào cách chải răng của từng người mà phải có sự điều chỉnh phù hợp. Có người 1 tháng đã phải thay, có người 2, thậm chí 5 tháng mới phải thay.

Công thức 3 tháng thay bàn chải một lần chỉ là áng chừng. Tùy thuộc vào cách tì lực vào bàn chải, lứa tuổi sử dụng… Bất cứ khi nào nhìn thấy lông bàn chải bị cong là phải thay. Đối với loại bàn chải được đánh màu ở phần lông chải, khi phần màu này bị mờ thì phải thay bàn chải mới.

“Khi chọn bàn chải đánh răng, nhất là cho người già và trẻ em, nên chọn loại bàn chải có lông mềm. Bàn chải tốt hay không nằm ở lông bàn chải chứ không phải ở cán cầm. Khi chọn bàn chải, nhiều người thấy đẹp là mua chứ không quan tâm đến lông bàn chải bằng chất liệu gì là sai”, BS Trần Hương Giang chia sẻ.

Đánh răng sai cách, dùng bải chải kém chất lượng còn dễ làm viêm quanh răng. Khi bị viêm, răng sẽ rất dễ bị gãy, sâu. Nhiều người thấy răng bị vàng thì mua kem về tự tẩy trắng cũng là quan điểm sai lầm. Bởi thành phần trong kem đó chỉ được làm khi có chỉ định của bác sĩ. Nếu dùng bừa bãi sẽ làm hại cho răng vì nó không làm trắng răng vĩnh viễn mà chỉ làm sạch răng nhất thời.

Vệ sinh bàn chải đúng cách

Theo các chuyên gia, đối với người niềng răng sẽ có bàn chải chuyên dùng. Thiết kế này giúp làm sạch cả răng và niềng răng. Những người có răng khấp khểnh cũng nên dùng loại bàn chải đặc biệt có phần lông cuối bàn chải dài hơn, hình mũi tên giúp làm sạch các vùng khó tiếp cận. Bàn chải điện thích hợp cho những người tàn tật hoặc khó di chuyển, bị đột quỵ…

Theo BS Trần Hương Giang, một sai lầm khác là đa phần chỉ để ý vệ sinh răng mà quên mất vệ sinh bàn chải đánh răng. Bàn chải là nơi chứa nhiều vi khuẩn với những nguy cơ lây nhiễm nghiêm trọng.

Có những bệnh nhân bỗng nhiên bị tiêu chảy mà không tìm ra nguyên nhân từ thức ăn. Rất có thể từ chính chiếc bàn chải đánh răng được coi là rất sạch sẽ này.

Rất nhiều người có thói quen rửa sạch bàn chải nhưng không phải ai cũng để ý đến những chiếc ống cắm, kệ để bàn chải cáu bẩn và ố vàng. Những chiếc ống luôn dính nước, đầy bụi bẩn lâu ngày chính là nơi lý tưởng để cho hàng trăm triệu con vi khuẩn sinh sôi, bám vào bàn chải đánh răng và đi thẳng lên miệng bạn. Do vậy, nên phơi nắng thường xuyên bàn chải, cốc để bàn chải.

Để bàn chải ở nơi thoáng gió, có không khí lưu thông... sẽ tránh xa được các vi khuẩn gây hại này. Nếu có điều kiện thì có thể sấy bàn chải định kỳ hàng tuần. Đơn giản hơn, rửa sạch dưới vòi nước ấm và sạch để hạn chế vi khuẩn tích tụ trên bàn chải.

Lấy cao răng đúng cách

BS Phạm Như Hải, Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba cho biết, đánh răng hàng ngày, đúng cách là một biện pháp để cao răng không bám dính. Tuy nhiên, vẫn phải đến các viện, phòng khám răng để lấy cao răng định kỳ thì mới đảm bảo được sức khỏe răng miệng.

Sau khi ăn khoảng 15 phút sẽ có một lớp màng mỏng bám vào răng. Nếu màng bám không được làm sạch thì các lớp vi khuẩn sẽ bám vào màng này và tích tụ ngày càng dày lên. Khi các mảnh vụn thức ăn, các chất khoáng trong miệng tiếp tục bám dính vào sẽ hình thành nên những màng cứng xung quanh cổ răng gọi là cao răng.

Thành phần của cao răng gồm cacbonat canxi và phốt pho, vi khuẩn, xác các tế bào biểu mô. Ngoài ra còn có sự lắng đọng sắt của huyết thanh trong máu, nước bọt.

Để biết mình có cao răng nhiều hay ít, chỉ cần để ý bên trong của răng. Nếu như bên trong răng có màu vàng, nâu, đen không đều thì đó chính là cao răng. Các nha sĩ thường khuyến cáo bạn nên lấy cao răng định kỳ 6 tháng/lần.

“Lấy cao răng không đúng cách có thể làm mòn mất độ bóng hoặc vỡ men răng. Vì thế, nên lấy cao răng ở một phòng khám nha khoa có uy tín.

Bên cạnh đó, hãy chăm chỉ súc miệng hàng ngày bằng nước súc miệng và đánh răng ngày 2 lần. Làm như thế sẽ rất lâu sau mới có cao răng trở lại. Việc đánh răng thường xuyên và đúng cách đã được coi là một phương pháp lấy đi cao răng rồi”, TS Phạm Như Hải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ