Thuận lợi cho thí sinh
Sáng 29/7, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục mầm non năm 2024 (Ban chỉ đạo).
Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi Bộ GD&ĐT ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo. Phát biểu mở đầu, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định, công tác tuyển sinh trong những năm gần đây cơ bản ổn định, thân thiện, tạo thuận lợi cho thí sinh.
Quy trình tuyển sinh ngày càng đơn giản, công khai, minh bạch, đi vào nền nếp và được ứng dụng trực tuyến. Theo Thứ trưởng, những năm qua, với sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ sở giáo dục đại học đã góp phần tạo nên thành công trong công tác tuyển sinh.
Riêng với năm 2024, đến thời điểm này các quy trình về tuyển sinh diễn ra thuận lợi, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) hoạt động trơn tru.
Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, về cơ bản công tác tuyển sinh năm 2024 không thay đổi. Hệ thống ổn định, các thắc mắc của thí sinh, phụ huynh được giải thích và hướng dẫn kịp thời.
Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường một số giải pháp kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh; đồng thời hỗ trợ các thí sinh trong quá trình đăng ký xét tuyển; từ đó, giảm thiểu sai sót, nhầm lẫn cho thí sinh.
Bộ GD&ĐT khuyến cáo cơ sở đào tạo rà soát các phương thức xét tuyển hiệu quả, loại bỏ các phương thức gây nhiễu Hệ thống cũng như khó khăn, vướng mắc cho xã hội. Mặt khác, hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1 (trong tháng 8/2024).
Tại cuộc họp, các đại biểu thống nhất khẳng định công tác tuyển sinh ngày càng thuận lợi, công khai, bảo đảm công bằng trong xét tuyển. Đây cũng là nhận định của PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội.
Ông cho rằng, tuyển sinh phải thực chất, chứ không chỉ là tuyển đủ chỉ tiêu hay tuyển được những thí sinh điểm cao. Vì vậy, lựa chọn hình thức xét tuyển sao cho phù hợp và chất lượng cũng là bài toán được đặt ra.
Ứng dụng CNTT trong tuyển sinh là hình mẫu trong chuyển đổi số
Thống nhất với các nội dung trên, ông Phạm Quốc Toản – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, thành phố có gần 109 nghìn thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Trong đó, số thí sinh dự thi có nguyện vọng xét tuyển đại học khoảng 100 nghìn em. Tính đến 22h ngày 28/7, có hơn 526 nghìn nguyện vọng được thí sinh đăng ký, tăng 15 nghìn so với tổng số nguyện vọng năm 2023. Có thể nói công tác tuyển sinh ngày càng ổn định và tốt hơn.
Theo ông Phạm Quốc Toản, công tác tuyển sinh các tác động đến quá trình dạy học ở các trường THPT; nhất là phương thức kiểm tra, đánh giá. 17 giờ ngày 30/7 là hết thời hạn thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống. Hà Nội yêu cầu đến giáo viên chủ nhiệm, bám sát các mốc thời gian để đôn đốc, nhắc nhắc học trò của mình trên các nhóm zalo.
Ghi nhận các ý kiến, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn kết luận, Cuộc họp đã thống nhất một số nội dung về những kết quả, ưu điểm của quá trình đổi mới tuyển sinh trong giai đoạn qua.
Theo Thứ trưởng, hết năm 2024 là chu kỳ 10 năm, trong đó có nhiều điểm mới được thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo.
Theo đó, công tác tuyển sinh ngày thuận tiện, đánh giá được năng lực của thí sinh. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyển sinh đã giảm phiền hà cho thí sinh và cơ sở đào tạo; trên hết là tạo công bằng, minh bạch.
“Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyển sinh có thể coi là hình mẫu trong chuyển đổi số, tích hợp nhiều dữ liệu liên quan, lấy lợi ích của người học là hàng đầu” – Thứ trưởng bày tỏ.
Nhấn mạnh, cần làm thật tốt công tác tuyển sinh năm 2024, Thứ trưởng trao đổi, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, đơn vị có thể trực tiếp chỉ đạo. Trường hợp cần thiết, có thể xin ý kiến Trưởng, Phó Ban Chỉ đạo. Những gì vượt thẩm quyền nhưng trong phạm vi của Bộ, Ngành ấy thì các đồng chí có thể tham mưu với cơ quan cấp trên để có chỉ đạo kịp thời.
Các thành viên trong Ban chỉ đạo cần nắm bắt tình hình của các đơn vị trực thuộc và tham gia vào công tác truyền thông, xử lý sự cố, sai sót (nếu có). Đồng thời, cùng nhau thảo luận, đánh giá, rút kinh nghiệm trong tác tuyển sinh; từ đó tham mưu với lãnh đạo Bộ GD&ĐT để điều chỉnh Quy chế tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh cho phù hợp.
Tại cuộc họp, các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá về những tồn tại liên quan đến nhiều phương thức tuyển sinh, xét tuyển sớm. Thứ trưởng lưu ý, chúng ta cùng thống nhất để nghiên cứu, điều chỉnh Quy chế tuyển sinh theo hướng tôn trọng quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học nhưng đặt lợi ích của người học lên hàng đầu, trên nguyên tắc: công bằng, khách quan, tin cậy, minh bạch, bình đẳng và phù hợp với yêu cầu ngành nghề theo đặc trưng của các trường.
Theo Thứ trưởng, chúng ta cũng cần suy nghĩ thấu đáo, tìm hiểu nguyên nhân vì sao các trường lại xét tuyển sớm; từ đó đề xuất giải pháp phù hợp, bảo đảm công bằng, ổn định trên toàn hệ thống.