Công tác thanh tra, kiểm tra: Cán bộ, giảng viên sẵn sàng tâm thế

GD&TĐ - Khoảng 8.000 giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục đại học tham gia kiểm tra công tác coi thi, chấm thi tại 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Cán bộ, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam lên đường đến tỉnh Thái Bình làm nhiệm vụ. Ảnh: NTCC
Cán bộ, giảng viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam lên đường đến tỉnh Thái Bình làm nhiệm vụ. Ảnh: NTCC

Hiện, các giảng viên đã lên đường làm nhiệm vụ với tâm thế sẵn sàng, tự tin nhất.

Chủ động và làm chủ mọi tình huống

Học viện Nông nghiệp Việt Nam huy động 65 cán bộ, giảng viên tham gia vào đoàn thanh tra, kiểm tra Kỳ thi tốt nghiệp năm 2023 tại tỉnh Thái Bình. ThS Trương Thị Thu Hạnh – giảng viên Khoa Khoa học xã hội lần đầu tiên được tham gia làm nhiệm vụ này. Cô Hạnh tâm niệm sẽ thận trọng đến từng chi tiết ở các khâu.

“Tôi nhận thức đầy đủ trách nhiệm nên đã nghiên cứu kỹ Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về công tác thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Mục tiêu của tôi là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đóng góp công sức vào thành công chung của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023” – cô Hạnh bày tỏ và cho biết chiều 26/6, cô có mặt tại Thái Bình, sẵn sàng tâm thế nhận nhiệm vụ.

ThS Nguyễn Công Ước – Trưởng ban Thanh tra, Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết, toàn đoàn đã có mặt tại địa phương từ chiều 26/6. Các cán bộ, giảng viên được phân công đến các điểm thi và sẽ “bắt tay” ngay vào thực thi nhiệm vụ. “Trước đó, chúng tôi đã tổ chức tập huấn, quán triệt kỹ lưỡng cho các thành viên trong đoàn về nghiệp vụ, kỹ năng khi thanh tra, kiểm tra kỳ thi. Trong đó, đặc biệt lưu ý các thành viên thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, bám sát Quy chế thi và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Khi phát hiện những tình huống bất thường, không được tự ý xử lý, cần phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh và báo cáo Bộ GD&ĐT để có phương án xử lý phù hợp, hiệu quả” – ThS Nguyễn Công Ước nhấn mạnh.

Theo kinh nghiệm của ThS Nguyễn Công Ước, việc đầu tiên khi làm việc với Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh là: Kiểm tra hồ sơ, giấy tờ và các văn bản. Công việc này nhằm kiểm tra xem địa phương đã thực hiện đúng, đủ quy định chưa. Khi đến các điểm thi, sẽ kiểm tra cơ sở vật chất, hệ thống tường rào, các trang thiết bị… đã bảo đảm đúng quy chế hay chưa.

“Mỗi địa phương, điểm thi sẽ có tính chất khác nhau nên đòi hỏi các thành viên làm nhiệm vụ phải chủ động, tinh tế trước các tình huống bất thường có thể xảy ra. Muốn vậy, cán bộ, giảng viên phải nắm chắc Quy chế thi và các quy định hiện hành về thanh tra, kiểm tra thi. Làm công việc này càng cẩn thận, chi tiết thì hiệu quả càng cao” – ThS Nguyễn Công Ước nói.

Các cán bộ, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia công tác thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: NTCC

Các cán bộ, giảng viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tham gia công tác thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: NTCC

Quán triệt phương châm “4 đúng – 3 không”

Năm 2023 là năm thứ 4 Trường ĐH Nguyễn Tất Thành được Bộ GD&ĐT huy động tham gia đoàn kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Sáng 26/6, TS Trần Ái Cầm – Hiệu trưởng nhà trường cùng 34 thành viên đã đến tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu để thực hiện nhiệm vụ tại 12 điểm thi. Để công việc đạt hiệu quả cao nhất, nhà trường đã phân công cán bộ liên hệ với các đơn vị liên quan tại Hội đồng thi, điểm thi của địa phương. Đồng thời, lưu ý các thành viên trong đoàn một số quy định về nghiệp vụ và tác phong khi thực hiện nhiệm vụ.

Trước đó, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 cho 34 cán bộ, giảng viên. Thông qua buổi tập huấn, các cán bộ, giảng viên làm nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nắm vững hơn về Quy chế thi; nâng cao năng lực, nghiệp vụ và trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện Kỳ thi.

Theo kế hoạch, 70 viên chức, giảng viên Trường ĐH Đà Lạt (Lâm Đồng) sẽ thực hiện nhiệm vụ kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023. PGS.TS Nguyễn Tất Thắng - Phó Hiệu trưởng nhà trường - nhấn mạnh, nhà trường xác định, đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm. “Chúng tôi quán triệt các thành viên trong đoàn thực hiện phương châm “4 đúng – 3 không” của Bộ GD&ĐT” - PGS.TS Nguyễn Tất Thắng nhấn mạnh.

Trường ĐH Đà Lạt cũng đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 cho các thành viên trong đoàn kiểm tra. Tại buổi tập huấn, các thành viên đã cùng nhau thảo luận về những vấn đề liên quan đến nghiệp vụ công tác kiểm tra thi, chia sẻ các kinh nghiệm thực tế, đặc biệt kinh nghiệm trong công tác phối hợp với các điểm thi và cán bộ thanh tra, kiểm tra thi của các sở GD&ĐT.

Ngoài ra, cán bộ giảng viên tham dự thực hiện nghiêm túc bài kiểm tra đánh giá. Kết quả chấm các bài kiểm tra cho thấy, 100% cán bộ, giảng viên đã nắm chắc Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2023, các kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ trong việc kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023.

Năm nay, Bộ GD&ĐT huy động khoảng 8.000 giảng viên đến từ các cơ sở giáo dục đại học tham gia công tác thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT, tăng gần 1.000 giảng viên so với năm 2022. Nội dung tập trung vào một số vấn đề như: Phương án xử lý tình huống bất thường; bảo đảm an ninh, an toàn tại điểm thi; việc bố trí, sử dụng thiết bị, triển khai các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn khu vực coi thi…

Ngoài ra, giảng viên các trường đại học còn thanh tra, kiểm tra phòng làm việc của điểm thi, phòng bảo quản đề thi, bài thi, các phòng thi, các phòng phục vụ thi, phòng chờ, các phòng không phục vụ thi; cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện phục vụ thi tại điểm thi.

Cán bộ, giảng viên đại học sẽ kiểm tra việc thực hiện quy trình tổ chức coi thi của trưởng ban coi thi, trưởng điểm thi, những người tham gia công tác coi thi và phục vụ thi cũng như việc bảo quản đề thi, bài thi tại điểm thi, vận chuyển và bàn giao bài thi...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.