Công tác thanh tra đang đổi mới mạnh mẽ

Công tác thanh tra đang đổi mới mạnh mẽ
Không thực hiện thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo một cách độc lập là một trong những điểm mới của Nghị định 42
Không thực hiện thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo một cách độc lập là một trong những điểm mới của Nghị định 42

(GD&TĐ) - Nghị định 42/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục được ban hành ngày 9/5/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013. Nghị định 42 đã thể hiện nhiều điểm mới trong tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục. Công tác thanh tra giáo dục đã và đang tích cực đổi mới theo tinh thần của Nghị định này. Chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ GD&ĐT về vấn đề này.

- Thưa ông, thời gian vừa qua Thanh tra Bộ đã đổi mới viêc thanh tra các cơ sở giáo dục đại học đạt kết quả tốt, được dư luận rất đồng tình ủng hộ. Vậy trong lĩnh vực thanh tra giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông chúng ta có những đổi mới gì?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Thanh tra Bộ GD&ĐT có chức năng giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra trong lĩnh vực giáo dục, đồng thời thực hiện hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành theo quy định. Thực tế vừa qua, chúng ta đã triển khai đồng bộ cả hai chức năng này.

Thanh tra Bộ đã chủ trì giúp Bộ trưởng soạn thảo trình Chính phủ ban hành và ban hành theo thẩm quyền Nghị định về tổ chức và hoạt động thanh tra giáo dục; Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; Thông tư về cộng tác viên thanh tra giáo dục; Thông tư về thanh tra nội bộ trong cơ sở giáo dục đại học, trường trung cấp chuyên nghiệp; Thông tư hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực giáo dục và một số văn bản khác. Các văn bản này đang được triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Việc thanh tra trực tiếp đối với một số trường đại học vừa qua nhằm thực hiện Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội, Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số văn bản quản lý và chỉ đạo của cấp trên. Tuy làm chưa được nhiều song đã phần nào tác động vào cả hệ thống, góp phần giữ vững kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục.

Riêng đối với giáo dục mầm non, phổ thông, hiện nay việc quản lý nói chung và thanh tra nói riêng đã được phân cấp mạnh cho các địa phương. Thanh tra Bộ chủ yếu tập trung vào việc hướng dẫn, tập huấn nghiệp vụ cho Thanh tra sở, đồng thời triển khai thanh tra hoạt động quản lý giáo dục theo một số chuyên đề.

Khi thanh tra có thể đến một trường mầm non, phổ thông nào đó nhưng mục đích chính không phải là thanh tra trường đó, mà là lấy thông tin cụ thể để đánh giá việc quản lý giáo dục của địa phương.

Năm học 2013 - 2014, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các Sở GD&ĐT đổi mới hoạt động thanh tra giáo dục ở địa phương theo tinh thần của Nghị định số 42/2013/ NĐ-CP với các nội dung cụ thể.

Tinh thần đổi mới của Nghị định 42

- Ông có thể nói rõ hơn về những điểm mới của Nghị định 42 so với các Nghị định về thanh tra giáo dục trước đây?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Nghị định 42 được ban hành ngày 9/5/2013 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2013 trên cơ sở kế thừa Nghị định 85 về tổ chức và hoạt động của Thanh tra giáo dục. Bên cạnh những nội dung tiếp tục được khẳng định từ Nghị định 85, Nghị định 42 đã thể hiện những điểm mới cơ bản sau đây:

Một là, tăng cường tính chuyên nghiệp trong hoạt động thanh tra theo Luật Thanh tra 2010 để đạt mục đích thanh tra “nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục; phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”.

Hai là, chuyển mạnh từ thanh tra nặng về chuyên môn giáo dục sang thanh tra quản lý. Cụ thể là thực hiện việc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành giáo dục theo quy định. Không thực hiện thanh tra hoạt động sư phạm của nhà giáo một cách độc lập, tránh chồng chéo với việc đánh giá nhà giáo theo chuẩn nghề nghiệp hàng năm.

Ba là, tăng cường tự thanh tra, kiểm tra đi đôi với tăng quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục. Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở GD&ĐT và các cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền tập trung thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Bốn là, tăng cường phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền thanh tra theo phân cấp quản lý nhà nước về giáo dục. Nghị định 42 đã phân rõ trách nhiệm của Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở GD&ĐT, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện trong việc thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành về giáo dục. Phòng GD&ĐT thực hiện việc kiểm tra theo thẩm quyền, không thực hiện chức năng thanh tra mà phối hợp với Thanh tra sở, thanh tra huyện để thực hiện việc thanh tra về giáo dục trên địa bàn.

- Tinh thần mới của Nghị định 42 đã được thể hiện cụ thể như thế nào trong việc chỉ đạo công tác thanh tra năm nay, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Hướng dẫn thanh tra năm học 2013 - 2014 đối với các Sở GD&ĐT đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới của Nghị định 42. Bộ cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ thanh tra đến các cơ sở GD&ĐT.

Vừa qua, Thanh tra Bộ đã tổ chức một số đoàn công tác làm việc với một số Sở GD&ĐT, lãnh đạo thanh tra một số tỉnh để nắm bắt tình hình, tháo gỡ những khó khăn khi triển khai việc đổi mới này.

Cần chủ động phối hợp - Được biết lãnh đạo các Sở GD&ĐT đều rất đồng tình với việc đổi mới này song còn băn khoăn về một số vấn đề. Ông có thể cho biết những khó khăn nào mà các địa phương gặp phải khi triển khai Nghị định 42?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Kết quả làm việc với một số tỉnh cho thấy các Sở GD&ĐT đã rất cố gắng quán triệt, tổ chức thực hiện theo tinh thần mới. Cả cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục đều cho rằng thực hiện Nghị định 42 là cần thiết, đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý. Tuy vậy, ở một số nơi vẫn còn lúng túng, khó khăn thể hiện ở một số điểm sau đây:

Một là, nhận thức về yêu cầu mới, nội dung mới, cách làm mới chưa đều, chưa sâu. Từ đó chưa chuyển tải đầy đủ tinh thần Nghị định 42 vào Kế hoạch thanh tra năm học. Có nơi vẫn nặng về thanh tra chuyên môn như năm trước. Có nơi chưa quan tâm nhiều đến thanh tra về giáo dục đại học, trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn theo phân cấp…

Hai là, lực lượng thanh tra giáo dục còn mỏng, phần đông đã quen với việc thanh tra mang tính chuyên môn, khối lượng công việc của thanh tra mầm non, phổ thông là rất lớn nay chuyển sang thanh tra quản lý nên cần phải nỗ lực rất nhiều và cần có lộ trình.

Ba là, điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất còn khó khăn, đặc biệt là cơ chế kinh phí đối với thanh tra Sở GD&ĐT và hoạt động kiểm tra của Phòng GD&ĐT.

Bốn là, sự vào cuộc của thanh tra tỉnh, thanh tra huyện cũng như sự phối hợp giữa các lực lượng thanh tra giáo dục chưa đều tay.

- Trước khó khăn đó, chúng ta cần làm gì để tháo gỡ, thưa ông?

Ông Nguyễn Huy Bằng: Thanh tra Bộ đã tham mưu để lãnh đạo Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về thanh tra chuyên ngành; đang tiếp tục suy nghĩ xây dựng văn bản mới hướng dẫn về thanh tra thi, văn bản phối hợp với các cơ quan thanh tra nhà nước để cùng triển khai thanh tra giáo dục theo phân cấp.

Việc tập huấn nâng cao nghiệp vụ cho cán bộ thanh tra, nhất là thanh tra các Sở GD&ĐT sẽ được triển khai một cách thiết thực. Thanh tra Bộ sẽ tổ chức thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục ở một số Bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục để giúp đỡ đổi mới hoạt động thanh tra, kịp thời chấn chỉnh những sai sót, phát hiện những bất cập trong các văn bản để kiến nghị bổ sung phù hợp.

Các Sở GD&ĐT cần chủ động phối hợp với Thanh tra tỉnh, thành phố, rà soát kế hoạch công tác thanh tra năm học mới để kịp thời bổ sung nội dung, kiện toàn đội ngũ về số lượng, phù hợp với nội dung hoạt động thanh tra trong tình hình mới.

Các Phòng GD&ĐT cần chủ động phối hợp với Thanh tra huyện trong hoạt động thanh tra, đồng thời tăng cường kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ quy định tại Nghị định số 115/2010/NĐ-CP.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

“Việc thanh tra trực tiếp đối với một số trường đại học vừa qua nhằm thực hiện Nghị quyết số 50/2010/QH12 của Quốc hội, Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và một số văn bản quản lý và chỉ đạo của cấp trên. Tuy làm chưa được nhiều song đã phần nào tác động vào cả hệ thống, góp phần giữ vững kỷ cương, nâng cao chất lượng giáo dục”.

Đức Tín (Thực hiện)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mùa Xuân trở lại

GD&TĐ -Mùa Xuân trên bản Sịa thường đến muộn cả tháng trời. Khi nơi nơi đang rộn rã đón mùa Xuân và Tết cổ truyền thì bản Sịa vẫn còn ngủ im trong băng giá.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Đường đến thành công

GD&TĐ - Dưới cái nắng như thiêu đốt mặt đất, đôi vợ chồng trẻ mới cưới Zhou Quan và Meng Lu rời khỏi vùng núi hẻo lánh của huyện Hội Ninh, tỉnh Cam Túc.

Hình ảnh 'Táo quân' dường như phai nhạt dần trong dịp Tết. Ảnh: INT.

'Gia vị' Táo quân

GD&TĐ - Ngay từ khi tôi còn bé tí, bạn đã trở thành chương trình được yêu thích và mong chờ nhất trong dịp Tết.