Quảng Ninh sẽ xây dựng các chính sách để phát triển nuôi biển

GD&TĐ - Ngày 25/3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – nhìn từ Quảng Ninh.

Quang cảnh buổi họp báo.
Quang cảnh buổi họp báo.

Nghề nuôi biển hướng tới giảm phát thải, tăng trưởng xanh

Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - nhìn từ Quảng Ninh nhằm mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Phát biểu tại Họp báo, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết: “Hội nghị kỳ vọng sẽ trở thành sự kiện thường niên, cầu nối thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước quan tâm, đầu tư hệ thống hạ tầng logistics phục vụ nuôi biển công nghiệp trong thời gian tới”.

Nhấn mạnh về mục tiêu của Hội nghị hướng đến, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển – nhìn từ Quảng Ninh, giúp mở ra góc nhìn từ tỉnh Quảng Ninh - địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nuôi biển, nhờ quyết tâm điều chỉnh, quy hoạch nghề nuôi biển theo hướng mang lại đời sống tốt hơn cho người nông dân và bảo vệ vùng biển xanh, phát triển nghề cá. Đây cũng là cơ hội để các bên tham gia học hỏi kinh nghiệm, công nghệ nuôi biển mới từ các doanh nghiệp và các tổ chức quốc quốc tế. Từ đó, có những suy nghĩ, hướng tiếp cận mới để định hướng và chỉ đạo sản xuất.

Ông Luân cũng cho biết thêm: “Không gian phát triển nuôi trồng thủy sản không nên bị bó hẹp bởi những quy hoạch “đã tô đậm” mà cần vượt ra ranh giới, tích hợp cùng với các ngành kinh tế khác như du lịch. Bên cạnh đó, nghề nuôi biển cũng hướng tới các hoạt động giảm phát thải, tăng trưởng xanh, theo cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế”.

Năm 2023 Quảng Ninh có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 42.292ha

Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh…

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh.

Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 42.292ha, trong đó: nuôi nội địa đạt 32.092ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 175.324,6 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt 81.608,5 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 93.716,1 tấn. Giá trị sản xuất đạt 6.943,9 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt 3.929,6 triệu đồng chiếm gần 50% giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Ninh cho biết, để đẩy mạnh nuôi biển, tỉnh Quảng Ninh tập trung sẽ tập trung Ban hành Đề án phát triển bền vững nuôi biển; Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển; Đầu tư, đồng bộ hạ tầng nuôi biển; Chính sách khuyến khích, vận động, hỗ trợ các hộ dân để chuyển đổi sang nuôi biển quy mô lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật cao;

Tổ chức giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân có khả năng để khai thác nguồn lợi từ biển; Tăng cường năng lực cho công tác quản lý và đào tạo nhân lực có tay nghề; Phát triển nuôi biển gắn với các ngành kinh tế khác như du lịch để phát huy và khai thác đa giá trị nhằm thu hút các nhà đầu tư lớn dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành hàng thủy sản.

Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh tổ chức từ ngày 31/3-1/4, tại TP. Hạ Long, Bộ NN-PTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ