Đầu tư cơ sở vật chất
Tiết học Toán của cô trò lớp 4A1, Trường Tiểu học số 2, thành phố Lai Châu (tỉnh Lai Châu) đầy ấn tượng bởi không khí lớp học sôi nổi, hào hứng. Học sinh của lớp được trả lời các câu hỏi trên bảng tương tác thông minh. Trong giờ học, giáo viên tích hợp các video, âm thanh, hình ảnh để minh họa. Mặt khác, nhờ truy cập mã số lớp học, giáo viên có thể kiểm tra quá trình học tập của học sinh bất cứ lúc nào và soi chiếu kết quả khi các em hoàn thiện bài kiểm tra.
Cô Pờ Thị Hòa - Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 cho biết: “Hiện, nhà trường có 2 lớp học thông minh ở khối 4 và 5 với 80 học sinh. Trường triển khai thí điểm mô hình lớp học này từ năm học 2022 – 2023 và học sinh phải trải qua kỳ khảo sát chất lượng đầu vào. Cả 2 lớp học có kết nối mạng Internet tốc độ cao, máy chiếu, bảng tương tác thông minh”.
Cũng theo cô Hòa, giáo viên được nhà trường lựa chọn dạy lớp học thông minh phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, khả năng ứng dụng thành thạo công nghệ thông tin, thiết bị thông minh trong giảng dạy. Giáo viên thường xuyên đổi mới hình thức dạy và học, sử dụng phương pháp mở như: Dạy học dự án; xây dựng nguồn tư liệu điện tử gồm giáo án, bài giảng, đề thi điện tử… Tích cực hướng dẫn học sinh rèn luyện kỹ năng tự học, nghiên cứu và khích lệ các em say mê khám phá kiến thức.
“Để có những tiết học hay, tôi học hỏi thêm phương pháp, hình thức tổ chức dạy học để thu hút, lôi cuốn học sinh vào bài học. Với mô hình này, học sinh năng động sáng tạo hơn trong học tập. Ngoài ra, các em được học thêm Tin học, giao tiếp tiếng Anh với người nước ngoài để nâng cao kiến thức, kỹ năng. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập”, cô Nguyễn Lệ Thủy - giáo viên Trường Tiểu học số 2 chia sẻ.
Với phương pháp dạy học hiện đại kết hợp công nghệ thông tin, các bài học trở nên dễ hiểu nhờ có ví dụ trực quan sinh động; giúp học sinh phát huy tính sáng tạo, năng lực tư duy, cách làm việc nhóm. Do đó, năm học vừa qua chất lượng lớp học thông minh vượt trội so với lớp khác cùng khối.
“Lớp có 40 học sinh thì 39 em đạt kết quả xuất sắc. Nhiều em tham gia các sân chơi trí tuệ đạt giải cao. Có 5 học sinh đoạt giải Bạc thi Toán trên mạng Internet cấp tỉnh và 1 em đoạt giải Đồng cấp quốc gia. Cuộc thi Olympic Tiếng Anh cấp tỉnh, học sinh cũng giành nhiều thành tích cao (1 giải Nhất, 1 giải Nhì và 2 giải Ba)”, cô Pờ Thị Hòa cho biết.
Là học sinh lớp 4A1, Trường Tiểu học số 2 thành phố Lai Châu, em Phạm Minh Đức chia sẻ: “Em rất thích học lớp học thông minh. Tại đây, em được mở rộng và học kiến thức mới; có thể làm bài tập về nhà bằng nhiều phương tiện, học bài trên mạng xã hội, qua thiết bị công nghệ thông tin”.
Cô trò Trường THCS Quyết Tiến ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học. |
Kỳ vọng tạo đột phá
Trường THCS Quyết Tiến (thành phố Lai Châu) là một trong những đơn vị thực hiện thí điểm thành công mô hình lớp học thông minh. Năm học 2022 - 2023, nhà trường triển khai ở 3 lớp 6 với 126 học sinh, năm học này tiếp tục mở thêm 2 lớp ở khối 6 với 80 học sinh.
Cô Tạ Thị Kim Cúc - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Quyết Tiến cho hay: “Chúng tôi đã xây dựng, phổ biến kế hoạch tới toàn thể phụ huynh để đăng ký cho học sinh khảo sát chất lượng với 3 môn: Toán, Văn, Tiếng Anh. Bên cạnh đó, những học sinh đoạt giải Nhất kỳ thi Toán, Tiếng Anh trên mạng từ cấp thành phố trở lên được tuyển thẳng. Đối với học sinh đoạt giải Nhì, Ba sẽ được cộng điểm trong kết quả khảo sát”.
Hiện, 5 lớp học thông minh của Trường THCS Quyết Tiến được trang bị đầy đủ thiết bị như: Bảng tương tác đa phương tiện, máy chiếu, máy tính xách tay cho giáo viên, loa trợ giảng, máy chiếu đa vật thể - nhận diện hình ảnh.
Từ đầu năm học, nhà trường đã chỉ đạo giáo viên giảng dạy lớp học thông minh xây dựng nội dung chương trình đảm bảo phù hợp học sinh. Tổ chức dạy theo chủ đề, chủ điểm, tăng cường thực hành. Phối hợp với gia đình sử dụng hiệu quả thiết bị thông minh tại nhà. Hiện, 100% học sinh của lớp có máy tính, điện thoại thông minh hỗ trợ học tập ở nhà và mang đến trường để học tập khi giáo viên cho phép.
Bên cạnh đó, giáo viên thường xuyên sử dụng phần mềm trong dạy học và kiểm tra, đánh giá học sinh giúp tiết học thêm sinh động, đa dạng. Qua đó, kích thích trí tưởng tượng, tăng cường sự giao tiếp giữa giáo viên và học sinh.
“Nhờ phương pháp giáo dục tích cực với sự hỗ trợ của các thiết bị ứng dụng, công nghệ thông tin đã tạo môi trường dạy, học linh hoạt cho cả thầy và trò. Công nghệ số giúp các em vừa học vừa chơi, hào hứng, say mê trong từng tiết học. Nhờ đó, kết quả giáo dục lớp học thông minh năm học vừa qua đạt hiệu quả cao hơn so với năm học trước”, cô Cúc chia sẻ.
Thực hiện Kế hoạch số 3049 của UBND thành phố Lai Châu về triển khai thí điểm mô hình lớp học thông minh giai đoạn 2021 – 2025, đến nay, Phòng GD&ĐT thành phố Lai Châu đã triển khai được 11 lớp tại 4 đơn vị trường học gồm: Trường Tiểu học số 1, Trường Tiểu học số 2, Trường THCS Quyết Tiến, Trường THCS Tân Phong.
Bà Nguyễn Thị Thanh Tình - Phó Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Lai Châu cho biết: “Trên cơ sở Nghị quyết 29, chúng tôi triển khai thí điểm mô hình lớp học thông minh. Qua 2 năm, ngành đánh giá cao kết quả đạt được, đặc biệt là chất lượng học sinh. Việc sử dụng phương pháp dạy học tiên tiến cũng như ứng dụng các phần mềm vào dạy học được kỳ vọng tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục”.