Xây dựng lớp học thông minh trong thành phố hiện đại

GD&TĐ - Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực đầu tiên TP Đà Nẵng chọn thí điểm và đầu tư mạnh về công nghệ thông tin, chuyển đổi số...

Mô hình lớp học 2 trong 1 – kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).
Mô hình lớp học 2 trong 1 – kết hợp dạy học trực tiếp và trực tuyến tại Trường THPT Hoàng Hoa Thám (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng).

Từ những thành quả này, việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào dạy học hai năm qua khi đại dịch Covid-19 bùng phát, đã hỗ trợ rất lớn cho ngành Giáo dục - Đào tạo hoàn thành mục tiêu kép. 

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - cho biết, từ những kinh nghiệm có sẵn, Đà Nẵng tiếp tục thực hiện chuyển đổi số trong GD-ĐT, tạo nền tảng xây dựng thành phố thông minh.

Vẽ lại bản đồ dạy học

- Hai năm liên tiếp chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19, ngành GD thành phố thích ứng thế nào, thưa ông?

Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.
Ông Lê Trung Chinh – Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

- Ngành GD-ĐT Đà Nẵng có liên tiếp 2 năm học, hoạt động dạy – học diễn ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Năm học 2020 – 2021, Đà Nẵng bắt đầu bước vào năm học mới ngay khi vừa tổ chức xong Kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2. Học sinh và giáo viên toàn thành phố dự lễ khai giảng và bế giảng năm học theo hình thức trực tuyến.

Trong năm học này, Đà Nẵng cũng là địa phương đầu tiên áp dụng hình thức trực tuyến để tổ chức kiểm tra định kỳ cuối học kỳ II cho học sinh các cấp. Dịch bệnh Covid-19 đã vẽ lại bản đồ dạy - học ở các cấp, cơ sở đào tạo tại Việt Nam, trong đó có trường học ở Đà Nẵng.

Và năm học 2021 - 2022, học sinh, giáo viên toàn thành phố dự lễ khai giảng cũng theo hình thức trực tuyến. Đến hết học kỳ I, mới chỉ có học sinh các trường THPT và khối lớp 8 và 9 trường THCS đến trường học trực tiếp. Việc dạy – học online kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe tinh thần của cả người dạy và người học. Các trường học, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, còn phải chú trọng đến các hình thức hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho cả giáo viên và học  sinh.

Dạy – học trong điều kiện dịch bệnh cũng đồng thời đã thể hiện được bản lĩnh cũng như sự tâm huyết, sáng tạo, hết lòng vì học sinh của các thầy cô giáo. Nhà giáo ở các cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học, THCS đến THPT cùng với học trò; giảng viên đại học cùng với sinh viên đã nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, linh hoạt trong chuyển đổi hình thức dạy học giữa trực tuyến và trực tiếp phù hợp với diễn biến dịch trong thực tế mà mô hình lớp học 2 trong 1 là một ví dụ. Nhờ vậy, các hoạt động đào tạo không bị gián đoạn trong suốt 4 đợt dịch bùng phát.

Giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham gia tập huấn trực tuyến chương trình - SGK lớp 2 tại phòng CNTT của trường.
Giáo viên Trường Tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham gia tập huấn trực tuyến chương trình - SGK lớp 2 tại phòng CNTT của trường.

- Loại hình giáo dục mầm non ngoài công lập chiếm 2/3 trong tổng số các trường mầm non của thành phố bị ảnh hưởng không nhỏ, nhiều cơ sở phải giải thể. Thành phố có chính sách gì để hỗ trợ người lao động, vực dậy hệ thống giáo dục này?

- Các trường mầm non ngoài công lập đã góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống trường công cũng như giảm gánh nặng đầu tư cho Nhà nước. Tuy nhiên, việc đóng cửa trường trong một thời gian dài đã tạo nên áp lực rất lớn về tài chính đối với chủ trường. Người lao động cũng gặp nhiều khó khăn, xáo trộn do công việc tạm thời bị ngừng trệ.

Năm 2021, thành phố đã chi hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi Covid-19. Trong đó, giáo viên, nhân viên mầm non tư thục, nhân viên bảo mẫu nhóm trẻ… thuộc nhóm người lao động không có giao kết hợp đồng vẫn được nhận mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần. Có hơn 6.000 người lao động ở các trường mầm non ngoài công lập, nhóm lớp độc lập tư thục được hỗ trợ theo chính sách này. Trước đó, trong năm 2020, thành phố đã hỗ trợ cho giáo viên, nhân viên làm việc theo hợp đồng lao động tại các cở sở giáo dục ngoài công lập của bậc mầm non và phổ thông với mức 1 triệu đồng/người.

Với những cơ sở giáo dục mầm non hoạt động theo Luật Doanh nghiệp được hỗ trợ theo quy định đối với doanh nghiệp. Cơ sở giáo dục còn lại, thành phố chưa thể có những gói hỗ trợ riêng nên có đề xuất khoanh nợ, giảm lãi suất, nhất là với nhóm lớp độc lập tư thục. Tuy nhiên, điều này phải từ Trung ương chứ địa phương không quyết định được.

Mô hình lớp học thông minh triển khai tại Trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng).
Mô hình lớp học thông minh triển khai tại Trường Tiểu học Trần Cao Vân (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng). 

Hướng tới hệ sinh thái giáo dục thông minh

- Hiệu quả của công nghệ thông tin, chuyển đổi số được chứng minh trong thời gian qua. Đây là tiền đề để địa phương xây dựng hệ sinh thái giáo dục thông minh?

- Từ năm 2017, UBND thành phố đã triển khai xây dựng khung kiến trúc ứng dụng công nghệ thông tin ngành GD-ĐT giai đoạn 2016 - 2020; triển khai hệ thống tuyển sinh trực tuyến tại tất cả quận, huyện; hoàn thành việc xây dựng bộ chuyển đổi, tích hợp dữ liệu từ các ứng dụng quản lý trường học để khởi tạo cơ sở dữ liệu quản lý trường, lớp, giáo viên và học sinh; triển khai hệ thống phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn.

Sau những lúng túng ban đầu khi đợt dịch Covid-19 thứ nhất bùng phát, cơ sở giáo dục đã nhanh chóng thích ứng với hình thức dạy – học trực tuyến suốt thời gian diễn ra dịch Covid-19. Các trường học, từ bậc tiểu học đến THPT đều có hệ thống quản lý học tập trực tuyến LMS (Learning Management System), ứng dụng MS Teams, Office 365 của hãng Microsoft hay Zoom. Điều này giúp Đà Nẵng tiến hành kiểm tra định kỳ theo hình thức trực tuyến có giám sát cho các bậc học trong điều kiện học sinh vẫn chưa thể đến trường học trực tiếp từ năm học trước.

Việc phát triển học liệu số được Sở GD&ĐT Đà Nẵng chú trọng triển khai và có nhiều bài giảng E-learning; giảng dạy trên truyền hình, các thí nghiệm ảo, câu hỏi trắc nghiệm... Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư bài bản, mạng Internet phủ sóng toàn bộ thành phố với tốc độ nhanh, đáp ứng nhu cầu học tập. Ngành GD-ĐT Đà Nẵng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm học dữ liệu ngành. Trung tâm này sẽ cho phép các đơn vị trường học, giáo viên chia sẻ và khai thác các bài giảng E-learning, sách điện tử, tài liệu điện tử… để phục vụ công tác giảng dạy, học tập.

Cùng với sự đồng hành của phụ huynh, các thầy cô ở cơ sở giáo dục mầm non phổ thông và học sinh đã có nhiều giải pháp sáng tạo nhằm khắc phục khó khăn, nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, từng bước thay đổi nhận thức về chuyển đổi số. Nhờ vậy, dù 2 mùa thi tốt nghiệp THPT diễn ra trong thời điểm Đà Nẵng ảnh hưởng bởi dịch, có lúc toàn thành phố đang thực hiện phong tỏa cứng, nhưng ngành GD-ĐT vẫn phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương… hoàn thành tốt nhiệm vụ, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh, giáo viên.

Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thí điểm kiểm tra 1 tiết trực tuyến tại phòng Tin học từ học kỳ I năm học 2019 - 2020.
Trường THPT Trần Phú (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) thí điểm kiểm tra 1 tiết trực tuyến tại phòng Tin học từ học kỳ I năm học 2019 - 2020. 

- Trong kịch bản phục hồi kinh tế - xã hội năm 2022, thành phố có những “ưu tiên” gì cho ngành GD-ĐT, thưa ông?

- Trong 2 năm qua, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, thế nhưng thành phố vẫn triển khai thực hiện Đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn thành phố đúng tiến độ theo phân kỳ đầu tư.

UBND thành phố đã định hướng các giải pháp mở rộng mạng lưới, phát triển quy mô GD-ĐT theo hướng đa dạng hóa loại hình; sắp xếp các cơ sở giáo dục nhỏ lẻ, ghép trường tiểu học, THCS; bảo đảm diện tích đất đai cho xây dựng các cơ sở giáo dục.

Tổng vốn đầu tư để thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 7.488 tỷ đồng, chưa kể kinh phí đền bù giải tỏa. Ngoài ra, TP huy động tối đa nguồn viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Trong số này, ngân sách thành phố đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 là 6.951 tỷ đồng, trong đó xây dựng cơ bản và thiết bị xây lắp là 6.311 tỷ đồng, thiết bị giảng dạy 640 tỷ đồng. Nguồn huy động xã hội hóa tại các trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học là 537 tỷ đồng.

Thành phố cũng sẽ ưu tiên đầu tư mọi nguồn lực từ xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

- Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang bị đe dọa.

Kế hoạch Nga rút quân khỏi Syria?

GD&TĐ -Các căn cứ quân sự Nga ở Syria đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng kể từ khi chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ.