Lớp học thông minh tạo chuyển biến rõ nét chất lượng giáo dục vùng cao

GD&TĐ - Ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã và đang đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo bước đệm trong triển khai Chương trình GDPT mới.

Thầy trò trường Tiểu học xã Chăn Nưa ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.
Thầy trò trường Tiểu học xã Chăn Nưa ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học.

Xây dựng môi trường số

Với mục tiêu đưa dạy - học trên môi trường số trở thành hoạt động hàng ngày đối với mỗi nhà giáo, người học, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý giáo dục, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ở tất cả các cấp học.

Ngay cửa mỗi lớp học tại trường Tiểu học xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ đều có mã QR để quét thông tin lớp học. Thầy Phạm Hồng Minh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Chăn Nưa cho biết: “Chỉ cần quét vào mã QR của mỗi lớp sẽ thấy rõ thông tin sĩ số, học sinh, giáo viên cũng như hoạt động giáo dục của lớp đó”.

Theo thầy Minh cho biết, năm học này nhà trường có 17 lớp với 324 học sinh. Triển khai Chương trình GDPT mới, nhà trường đã chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục. Từ hoạt động dạy và học cho đến quản trị nhà trường đều được thực hiện trên môi trường số.

“Mặc dù còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng nhà trường đã chủ động để các lớp đều được ứng dụng CNTT trong hoạt động dạy và học. Giáo viên không cần phải in giáo án, sổ chủ nhiệm, học bạ hay văn bản, tất cả đều được tích hợp trên hệ thống” – thầy Minh chia sẻ.

Năm học 2023 - 2024, trường THCS Tân Phong (thành phố Lai Châu) có 21 lớp với hơn 1 nghìn học sinh. Đây là năm đầu tiên nhà trường triển khai hai lớp học thông minh ở khối lớp 6. Nhà trường đã tăng cường công tác tuyên truyền Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong GD&ĐT giai đoạn 2022 - 2025”. Qua đó, nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh và học sinh về vai trò ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục.

Bên cạnh đó, nhà trường quan tâm đầu tư trang bị cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ giúp giáo viên khai thác tối đa âm thanh, hình ảnh số. Từ đó, giúp giờ học trở nên sinh động, tạo môi trường tương tác toàn diện giữa thầy và trò.

Quét mã QR về thông tin lớp học tại trường Tiểu học xã Chăn Nưa.

Quét mã QR về thông tin lớp học tại trường Tiểu học xã Chăn Nưa.

Cô Tạ Thị Mây, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện, 100% phòng học của nhà trường có đường truyền internet, wifi, máy tính, một số lớp còn được trang bị máy chiếu, tivi. Nhà trường cũng triển khai giáo án, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử và số hóa các hồ sơ. Đến nay, cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường sử dụng thành thạo các phần mềm, giáo án điện tử phục vụ công tác quản lý và dạy học”.

Lớp học thông minh 6A7 của trường THCS Tân Phong được trang bị bảng tương tác thông minh. Học sinh trong lớp đều được trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh để sử dụng trong tiết học. Cùng với đó, bài giảng của giáo viên được chuẩn bị kỹ lưỡng từ kiến thức đến hình ảnh minh họa. Điều đó giúp học sinh được trải nghiệm môi trường kỹ thuật số, tăng sự tương tác, nâng cao khả năng ghi nhớ và tự học của các em khiến tiết học trở nên sinh động, hấp dẫn.

Cô Nguyễn Thị Lộc - Giáo viên dạy bộ môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Tân Phong chia sẻ: “Tôi cố gắng tìm hiểu các phần mềm dạy học phù hợp với nhận thức trình độ của học sinh để xây dựng tiết học sinh động, dễ nhớ thông qua các hình ảnh, đồ họa, âm thanh. Ngoài ra, việc áp dụng CNTT vào giảng dạy còn giúp phát triển năng lực, phẩm chất, kỹ năng ứng dụng thiết bị thông minh cho học sinh”.

Tạo chuyển biến rõ nét trong đổi mới

Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Lai Châu) đã đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất với 19/19 phòng học được kết nối internet, có máy tính, máy chiếu, màn hình tương tác. Riêng hai phòng Tin học, Tiếng Anh được đầu tư 36 máy tính/1 phòng, có các thiết bị nghe, nhìn theo đúng tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT.

Cô Hồ Thanh An, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn cho biết: “Chúng tôi triển khai cụ thể đến từng giáo viên tăng cường học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nhất là ứng dụng CNTT, sử dụng phần mềm soạn giảng tiện ích trong dạy học. Bên cạnh đó, trường đã triển khai hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt và sẵn sàng dạy trực tuyến khi có yêu cầu”.

Hiện nay, 100% giáo viên trong trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn ứng dụng các phần mềm dạy học, xây dựng học liệu số, bài giảng điện tử, xây dựng các ngân hàng câu hỏi cho các môn học. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT hàng năm đều đạt 100%, trên 95% học sinh đỗ vào các trường Đại học.

Lớp học thông minh được thành phố Lai Châu thực hiện thí điểm.

Lớp học thông minh được thành phố Lai Châu thực hiện thí điểm.

Triển khai Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã số hóa, lưu trữ điện tử 57.221 học bạ, 57.221 sổ điểm, 57.221 sổ liên lạc. Thực hiện kết nối, chia sẻ trên 97% dữ liệu GD&ĐT với các cơ sở dữ liệu khác của tỉnh, bộ, ngành và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Cùng với đó, tích hợp, chia sẻ thành công thủ tục hành chính đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, cao đẳng với cổng dịch vụ công quốc gia và hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh. Kết quả tiếp nhận, xử lý 3.842 hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 4.680 hồ sơ đăng ký tuyển sinh đầu cấp trực tuyến.

Ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu cũng bước đầu ứng dụng công nghệ để thực hiện tự động hóa công tác chuyên môn, nghiệp vụ như: Thanh toán không dùng tiền mặt; thống kê, báo cáo và giải quyết các thủ tục hành chính… Cung cấp theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

NGƯT Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT Lai Châu cho biết: “Thời gian tới, ngành GD&ĐT tỉnh Lai Châu tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức kỹ năng số cho cán bộ, giáo viên, học sinh. Xây dựng đồng bộ cơ sở dữ liệu (trường, lớp, học sinh, cơ sở vật chất, đội ngũ). Bước đầu triển khai xây dựng lớp học thông minh tại các huyện, thành phố. Từ đó, góp phần tạo chuyển biến rõ nét trong đổi mới nâng cao chất lượng GD&ĐT, hình thành nền tảng số cho xã hội học tập”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.