Vật liệu nano có độc hại không?
Theo một kết quả do Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phân tích thì có đến trên 90% sản phẩm nano bạc lưu hành trên thị trường là giả. Các sản phẩm này hoàn toàn không có nano bạc mà chỉ là dung dịch muối bạc hay phức bạc. Khoảng vài phần trăm số mẫu là nano bạc chất lượng kém. Nó chứa chủ yếu muối bạc nên không thể gọi là nano bạc.
Vật liệu nano có độc không? Chúng nhỏ như thế thì khi đeo khẩu trang nano, vật liệu có thể xâp nhập vào tế bào, phá hủy tế bào hay không?
Trả lời câu hỏi này, PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để đánh giá độ độc hại của một vật liệu đối với cơ thể trước tiên phải xét về mặt hóa học, nó có tham gia vào các phản ứng sinh hóa gây hại cho cơ thể không, có đào thải được không.
Tiếp theo cần phải xác định xem hạt nano có chui được vào tế bào cơ thể không. Cuối cùng là tính chất của hạt nano có phát huy được không khi ở trong cơ thể.
Theo các tiêu chí này thì các vật liệu đang được ứng dụng nhiều như nano dioxittitan, nano bạc là an toàn với cơ thể. Các chất này không tan trong dịch thể, xưa nay vẫn được phép y tế cho sử dụng trong mỹ phẩm, thực phẩm, dược phẩm, nha khoa, ngoại khoa.
Các hạt nano dioxittitan, nano bạc có kích thước trung bình 10 - 30nm không thể chui vào tế bào qua 2 lớp màng với trao đổi chất chỉ rộng khoảng 0,35 đến 0,8 nm, nhỏ hơn một chục lần lại có tính chọn lọc phức tạp.
“Ngay cả khi chui được vào cơ thể các hạt nano này cũng không có điều kiện để phát huy đặc tính của chúng như khi ở ngoài môi trường. Đấy là chưa kể nồng độ nếu có cũng quá nhỏ so với hệ thống bảo vệ của cơ thể. Nên nếu sử dụng vật liệu nano đúng chuẩn thì có thể yên tâm về mức độ an toàn, không gây hại gì cho cơ thể con người.
Điều này đã được nhiều công trình khoa học chứng minh. Ứng dụng công nghệ nano trên thế giới phát triển khá rộng rãi từ chăm sóc sức khỏe, linh kiện điện tử đến chăn nuôi, nông nghiệp, mỹ phẩm, làm đẹp…”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
PGS.TS Phạm Văn Nho cho rằng, vật liệu nano là an toàn, tuy nhiên sự độc hại có thể gây ra bởi công nghệ chế tạo vật liệu nano. Các hạt nano thường được chế tạo bằng phương pháp hóa học. Cùng với sự tạo thành của hạt nano còn có các thành phần khác có thể gây độc hại như các sản phẩm phụ, các chất tồn dư không phản ứng hết, chất ổn định trạng thái, chất điều chỉnh môi trường.
Nói một cách dễ hiểu là, nano bạc chỉ tồn tại trong môi trường đặc trưng của nó. Đây là vấn đề công nghệ chế tạo. Phải tạo ra một môi trường để các hạt nano không dính vào nhau, bằng nhiều chất khác nhau như Chitosan hay vật liệu hữu cơ.
Mà Chitosan lại chỉ tan trong môi trường axit. Cách rẻ nhất để người ta chế tạo nano bạc là tạo ra từ các phản ứng hóa học. Trong quá trình đó, có những chất không phản ứng hết, có thể tồn tại trong sản phẩm, gây hại cho người sử dụng. Những tạp chất trong quá trình chế tạo hạt nano chính là thủ phạm gây ra độc tố cho người sử dụng.
Chọn đúng sản phẩm an toàn
PGS.TS Phạm Văn Nho chia sẻ, hiện nay có tình trạng “ăn theo” các thuật ngữ khoa học khi người ta quảng bá sản phẩm. Người tiêu dùng thì có xu hướng, cứ sản phẩm nào nghe có vẻ khoa học, dù là thuật ngữ mà họ không hiểu gì, thì là sản phẩm tốt.
Không khó để nhìn thấy những quảng cáo với nội dung rất “đao to búa lớn” bằng những thuật ngữ khoa học nghe như xa lạ, chuyên môn sâu, nhưng thực tế lại là những thứ rất đơn giản trong cuộc sống hàng ngày. Công nghệ nano là một ví dụ.
“Thật buồn cười khi người ta quảng cáo kiểu đại loại như vòi nước nano, bồn cầu nano, bồn nước nano… Nó có thể kích thích tò mò của người tiêu dùng nhưng nó đơn giản chỉ là cái tên, giống như anh A, chị B, chứ nó không nói lên bản chất công nghệ của sản phẩm”, PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết.
Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, công nghệ nano công nghệ chế tạo, nghiên cứu tính chất và ứng dụng vật liệu có kích thước siêu nhỏ, từ 1 - 100 phần tỷ mét. Ở kích thước này, phẩm chất tính chất của vật liệu thay đổi thậm chí xuất hiện đặc tính hoàn toàn mới.
Công nghệ nano được áp dụng rộng rãi, trong lĩnh vực điện tử với các chip nano trong máy tính, điện thoại kích thước nhỏ hiệu năng cao, màn hình TV chấm lượng tử cho hình ảnh siêu thực và tiết kiêm năng lượng, các vật liệu lọc, làm sạch môi trường, năng lượng, vật liệu y tế, chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm cao cấp…
Nano là một dạng tồn tại của vật liệu, do đó không có nano đơn thuần mà nano phải gắn với vật liệu. Một số vật liệu nano đang được ứng dụng ở Việt Nam có thể kể đến như nano bạc, nano dioxittitan, nano curcumin, nano canxi… Những sản phẩm quảng cáo nano thông thường cần phải được đặt dấu hỏi đó là công nghệ nano gì, không nên sử dụng thuật ngữ một cách lung tung.
Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, công nghệ nano có thể ứng dụng trong rất nhiều lĩnh vực, song không phải cứ sản phẩm gắn mác nano là tốt, là an toàn, là sản phẩm của khoa học nghiên cứu ra. Việc sản xuất nano như thế nào lại là bài toán cần làm rõ.
Có thể nhận định đa số những người làm ra sản phẩm ứng dụng công nghệ nano nhưng chất lượng lại không tốt là bởi họ không đủ trình độ, kiến thức, và chạy theo lợi nhuận.
Theo PGS.TS Phạm Văn Nho, thị trường các sản phẩm nano hỗn loạn gây khó khăn cho người tiêu dùng khi lựa chọn giữa các sản phẩm nano thật giả, tốt xấu, an toàn hay độc hại. Người tiêu dùng để chọn sản phẩm công nghệ nano đúng nghĩa cần phải lưu ý các yếu tố sản phẩm được cấp phép của cơ quan quản lý (có số đăng ký), có các chứng chỉ chứng minh chất lượng như Bằng Phát minh, Giải pháp hữu ích do Cục Sở hữu Trí tuệ Bộ KHCN cấp.
Có kết quả kiểm nghiệm của các cơ sở khoa học chuyên sâu. Tem chống hàng giả được cấp bởi cơ quan có chức năng, thông qua kiểm định thí dụ như Viện Khoa học Hình sự Bộ Công an. Nếu sản phẩm có đầy đủ các dấu hiệu này thì có thể yên tâm sử dụng vì đã được kiểm nghiệm, cấp phép.