Công khai, minh bạch để chống lạm thu

GD&TĐ - Khi ngân sách Nhà nước hạn chế thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục đã thực hiện chưa đúng quy định, để xảy ra tình trạng lợi dụng hội cha mẹ học sinh, tình trạng áp đặt cào bằng để thu tiền. Xung quanh câu chuyện này, ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân đã có chia sẻ với báo chí.

Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Ông có suy nghĩ như thế nào khi xảy ra tình trạng lạm thu, dù xã hội rất bức xúc và các cơ quan quản lý cũng đã vào cuộc thanh kiểm tra và cũng có hình thức kỷ luật xảy ra?

Tôi cũng làm trong ngành Giáo dục và tôi tin tất cả những người làm trong lĩnh vực này không ai muốn phải trực tiếp đi thu tiền, huy động đóng góp tiền của cha mẹ học sinh. Họ chỉ mong toàn tâm, toàn ý lo chuyên môn chứ không phải lo về vật chất. Tuy nhiên, do đầu tư ngân sách hạn hẹp nên chúng ta có chủ trương xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư. Nhưng ranh giới xã hội hóa cho đầu tư và lạm thu rất mỏng manh nên nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị lạm dụng hoặc làm một việc xã hội hóa nhưng lại thành lạm thu khiến xã hội lên án.

Thực tế, các địa phương đã có biện pháp để chấn chỉnh lạm thu? Nếu các đơn vị thu sai quy định thì cần xử lý người đứng đầu ra sao? Vậy trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn để xảy ra lạm thu?

Việc thu sai ở đây có thể xảy ra 3 trường hợp. Một là đúng nghĩa lạm thu. Tức là thu những khoản thu không được phép thu, không có trong quy định dù có thể mục đích là tốt. Ví dụ khi một lớp học không có điều hòa, nhà trường đứng ra cùng phụ huynh phân bổ cho mỗi học sinh phải đóng 1 khoản tiền nhất định để lắp điều hòa, thì đó là thu sai. Nếu thu sai như thế, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm hành chính với vi phạm quy định của ngành. Đồng thời phải trả lại tiền cho phụ huynh học sinh.

“Cơ sở giáo dục được vận động, tiếp nhận các khoản tài trợ để thực hiện các nội dung sau: Trang bị thiết bị, đồ dùng phục vụ dạy và học; thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học; cải tạo, sửa chữa, xây dựng các hạng mục công trình phục vụ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục và hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học trong cơ sở giáo dục” - Điều 3 Thông tư số: 16/2018/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT.

Trường hợp khác, thu có thể đúng theo quy định nhưng việc sử dụng đồng tiền thu ấy là không công khai minh bạch, thì đó là sai phạm về mặt tài chính, phải xử lý về mặt tài chính. Nếu trầm trọng hơn là dùng tiền đó vào mục đích tư lợi cá nhân thì phải xử lý nặng hơn.

Có nhiều băn khoăn về quỹ đen, lạm thu, có ý kiến đề xuất là cần chỉnh lý và ban hành lại điều lệ ban đại diện cha mẹ học sinh, đồng thời cần có cơ chế quản lý minh bạch dân chủ kinh phí vận động xã hội hóa theo Luật Ngân sách, phải đưa về chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn để quản lý điều hành theo đúng Luật Ngân sách. Quan điểm của ông như thế nào về ý kiến này?

Xã hội hóa là đóng góp rất lớn cho cải thiện chất lượng giáo dục. Tuy nhiên vẫn còn tình trạng lạm thu. Cơ quan chính quyền ở địa phương phải kiểm soát, ngăn chặn kịp thời, để tránh tình trạng ban đại diện cha mẹ học sinh trở thành vỏ bọc, tiếp tay cho nhà trường làm sai việc đó.

Thông tư số: 16/2018/TT-BGDĐT ngày 3/8/2018 “Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân” đã nói rõ, ban đại diện cha mẹ học sinh phải tham gia giám sát nhà trường trong việc huy động xã hội hóa, trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng nói về ban đại diện cha mẹ học sinh phải giám sát chứ không phải tiếp tay cho nhà trường làm việc sai.

Trong Luật Ngân sách đã quy định việc sử dụng tiền được đóng góp xã hội hóa. Mặc dù đây là tiền của các nhà hảo tâm đóng góp để làm xã hội hóa nhưng vẫn phải tuân thủ sự minh bạch. Nếu ta thực hiện tốt và phát huy vai trò giám sát của chính quyền địa phương, của ban đại diện cha mẹ học sinh thì sẽ khắc phục được những hạn chế trên.

Theo ông, làm sao để mỗi phụ huynh, mỗi nhà trường hiểu được về xã hội hóa và các địa phương thực hiện thật nghiêm xã hội hóa và tránh được tình trạng lạm thu?

Tôi cho rằng để làm được việc đó phải có quy định rõ ràng chặt chẽ về việc thu – chi về tài trợ trong các cơ sở giáo dục. Tôi được biết, Bộ GĐ&ĐT vừa ban hành Thông tư số: 16/2018/TT-BGDĐT, quy định rõ nội dung của xã hội hóa là gì, khi xã hội hóa như thế nào, quy định rõ không được lợi dụng xã hội hóa để ràng buộc dịch vụ...

Theo tôi đánh giá đó là Thông tư tốt sẽ đưa hoạt động tài trợ trong các cơ sở giáo dục vào khuôn khổ, nền nếp. Qua đó góp phần hạn chế, ngăn chặn tình trạng lạm thu. Nhờ vậy, người đóng góp sẽ biết mình cần đóng góp thế nào cho đúng quy định, người thu nhận cũng phải tiếp nhận đúng cách.Việc đưa ra các quy định chặt chẽ như vậy sẽ dễ dàng quy trách nhiệm nếu phát hiện có sai phạm. Một trong những điểm theo tôi sẽ tránh được khó xử cho các cô giáo khi Thông tư quy định: Việc tiếp nhận tài trợ thực hiện thông qua tổ tiếp nhận.

Tuy nhiên, chúng ta phải tuyên truyền để nhà quản lý giáo dục, nhà trường phải nhận thức rõ, muốn xã hội hóa chúng ta phải làm gì, làm như thế nào và khi nào được xã hội hóa. Chúng ta cũng cần thông tin tuyên truyền cho ban đại diện cha mẹ học sinh hiểu rõ về nội dung xã hội hóa và vai trò tham gia, giám sát trong việc này. Từ đó nâng cao nhận thức của xã hội, huy động được đóng góp của xã hội cho phát triển giáo dục nhưng không để xảy ra tình trạng lạm thu.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ