Ra chợ mới thấy rằng, đối tượng đi chợ sớm, toàn là mấy bà nội, bà ngoại, chịu khó mua mớ rau tươi, con cá còn sống…để nấu cho con cháu. Còn mấy bà trẻ mới lấy chồng thì chiều tối xuất hiện đầy trong siêu thị, mua thức ăn nhanh, đồ hộp, rau khỏi lặt, cá thịt khỏi rửa…
Còn các cô trẻ độc thân thì nườm nượp trong các shop thời trang, các Plaza… nhất là vào mùa “seo”. Các anh muốn lập gia đình, chắc phải biết các địa chỉ mua sắm để đến chọn vợ.
Mấy ngày Tết, ông Trương Hán Giang, đưa vợ con đến một resort ở miền Trung tận hưởng không khí trong lành. Sáng vợ chồng, con cái tắm biển, ăn sáng, chiều tắm biển ăn tối. Vợ chồng tha hồ ngắm trời, ngắm biển, ngắm con và ngắm nhau…
Trong nỗi sung sướng đó, ông chợt nhớ đến má ông, người đã mất mấy năm rồi. Bà hay ngồi ở cửa sau nhà, lúc gọt khoai, lúc rửa rau, làm con cá, con tôm… Ông bỗng nhận ra mình lớn lên từ trong cái bếp của mẹ, từ những món ăn dân dã, và từ những lời mẹ dặn dò….
Má ông cùng chồng một nắng hai sương trên đồng ruộng, tỉ mỉ nuôi con, lại là người xinh xắn dịu dàng, ngọt ngào đối xử trong mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu… Đúng là một điển hình của công, dung, ngôn, hạnh.
Ông chợt liếc mắt sang bà vợ đang nằm dài theo dõi bộ phim hình sự Mỹ, thỉnh thoảng nhấn like trên FB. Thằng con 4 tuổi cũng đang say sưa với game, nên mẹ nó rất rảnh. Để có một chuyến đi nghỉ chất lượng cao, vợ ông “sợt” trên mạng từ mấy tháng, mới lấy được dịch vụ giảm giá.
Như vậy bà cũng được coi là có chữ “công”, coi như là đảm đang, tiết kiệm kinh phí cho gia đình, dù bà làm biếng nấu ăn, tuyên bố ngày tết vào bếp thà chết còn hơn. Vợ ông còn đi làm thu nhập cũng khá, nên lại càng có “công”.
Còn chữ “dung” thì khỏi nói, vợ ông sắm quần áo, giày dép mặc mang không hết, có khi mua về rồi chê liền, nước hoa cũng đầy bàn…nhờ nhiều công cụ hổ trợ nên ngoại hình của vợ trông cũng được.
Còn “ngôn” thì… mức độ “gầm gừ” của bà vợ ông với chồng con tăng hơn cùng kỳ năm ngoái, độ ngọt ngào cứ giảm dần…Tới chữ “hạnh”, thì chắc chắn vợ ông có đạo đức rồi, nhưng bà hay dọa:
“Ông mà có bồ, thì đừng có trách tui tàn ác nghen”. Nói tóm lại, bà vợ ông là người phụ nữ hiện đại, mạnh mẽ, mãnh liệt chứ không nhẹ nhàng, nhỏ nhẹ như má ông.
Đang mơ về nơi xa lắm, thì ông giật bắn mình bởi điện thoại reo. Đầu dây bên kia, giọng bà vợ đầy quyền lực: “Có đi ăn tối không, anh bị sao mà từ trưa đến giờ, nằm dài như con nai, trông chán như con gián thế…”. Ôi, đúng là “ngôn” có vấn đề…ông chồng lẩm bẩm…
Ngày đầu tiên về nhà cô bạn gái, ông Lâm Thái Sinh, bị ấn tượng mạnh bởi… bà mẹ của cô. Bữa cơm trưa hôm đó thật tươm tất, nóng sốt…từ tay bà mẹ đảm đang. Vào mâm cơm, bà không nói nhiều, lặng lẽ tiếp thức ăn, biết ý từng người, chăm sóc tỉ mỉ…
Anh cảm động quá, quyết định phải cưới cô con gái, vì nghĩ thế nào cô cũng giống mẹ, nét văn hóa sống vì người khác chắc chắn sẽ truyền từ mẹ sang con. Đúng là cái bếp thường gắn với người phụ nữ.
Thế nhưng, từ lúc vợ ông sinh nở, bà mẹ vợ phải chuyển đến ở cùng vợ chồng ông. Bởi cô con gái từ việc gọt cái bưởi, bổ cái dưa hấu…đến luộc con gà, nấu nồi chè…đều không biết, chuyện tắm em bé, bé bị sốt…lại càng mù tịt.
Bà má vợ lại tiếp tục “thầm lặng một tình yêu” lo cho cháu. “Công, dung, ngôn hạnh” của người đàn bà đã ngoài 60 khiến cho bà vẫn đẹp, một cái đẹp không có nếp nhăn.
Thế còn cô con gái, vợ của ông thì sao? Nếu có ai ca ngợi vẻ đẹp của phụ nữ truyền thống vun vén gia đình, hy sinh cho chồng con thì bị cô “ném đá” liền: Đừng có lấy lý lẽ cũ rích để giam hãm phụ nữ trong xó bếp.
Cô cũng nói thẳng với chồng: “Má em thiệt thòi lắm, cả đời chẳng bước chân đi đâu cả, cứ từ Sài Gòn về quê, bảo đi nước ngoài không đi, sợ tốn tiền. May mà tư duy của em không giống má”.