Công bố tiểu chuẩn xét công nhận GS mới, bàn giải pháp chống gian lận thi cử

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tiêu chuẩn mới xét công nhận chức danh GS, PGS

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh GS, PGS; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh GS, PGS.

Theo đó, ngoài 5 tiêu chuẩn chung gồm đạo đức nhà giáo; thời gian làm nhiệm vụ đào tạo; hoàn thành nhiệm vụ được giao và thực hiện đủ số giờ chuẩn giảng dạy theo quy định; sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ phục vụ cho công tác chuyên môn và có khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh: có đủ số điểm công trình khoa học quy đổi tối thiểu theo quy định ứng viên GS có 9 tiêu chuẩn khác, PGS có thêm 8 tiêu chuẩn.

Cụ thể, theo tóm lược của báo Nhân dân, đối với chức danh GS, ứng viên phải có thời gian được bổ nhiệm chức danh PGS từ ba năm trở lên; là tác giả chính công bố được ít nhất ba bài báo khoa học (từ năm 2020 là năm bài báo khoa học) hoặc bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, tác phẩm nghệ thuật…; chủ trì hai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ hoặc một nhiệm vụ cấp quốc gia; hướng dẫn ít nhất hai nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ…

Đối với chức danh PGS, ngoài tiêu chuẩn chung, ứng viên phải có bằng tiến sĩ ba năm trở lên; là tác giả chính công bố được ít nhất hai bài báo khoa học (từ năm 2020 là ba bài báo khoa học) hoặc bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, tác phẩm nghệ thuật…; chủ trì hai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp cơ sở hoặc một nhiệm vụ cấp bộ; hướng dẫn hai học viên được cấp bằng thạc sĩ hoặc một nghiên cứu sinh được cấp bằng tiến sĩ…

Để được công nhận, ứng viên trải qua xét tại hội đồng chức danh GS cơ sở và hội đồng chức danh GS ngành, liên ngành có kết quả bỏ phiếu ít nhất hai phần ba số thành viên đồng ý; xét tại hội đồng GS Nhà nước có kết quả hơn một phần hai thành viên đồng ý…

Theo quy định mới, hồ sơ điện tử của ứng viên phải công khai trên Trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học (nơi nhận hồ sơ của ứng viên) và Trang thông tin điện tử của Hội đồng Giáo sư nhà nước. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/10/2018.

Bàn giải pháp chống tiêu cực thi cử

Những giải pháp nhằm mang lại một kỳ thi THPT quốc gia công bằng, minh bạch và chất lượng được đại biểu quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý giáo dục chía sẻ tại buổi tọa đàm với chủ đề “Đổi mới thi cử - Thực tiễn và những vấn đề đặt ra" do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức ngày 13/9.

Khẳng định tổ chức ổn định kỳ thi THPT quốc gia trong các năm 2019 và 2020, tại tọa đàm, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, để tổ chức tốt Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, nâng cao chất lượng ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi tốt hơn; hoàn thiện quy chế, khắc phục nhược điểm về kĩ thuật; tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là công tác thanh tra kiểm tra.

Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa trường ĐH, CĐ với các Sở GD&ĐT. Nâng cao hiệu quả của công tác tập huấn nghiệp vụ thi cho tất cả các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát. Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi để tăng cường tính chính xác, khách quan của kết quả thi…

Góp ý cho kỳ thi, TS Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cho rằng: cần tiếp tục rà soát quy chế thi, quy định cụ thể hơn, rõ trách nhiệm hơn các khâu, các cá nhân trong tổ chức kỳ thi; cơ chế phối hợp phát huy được trách nhiệm, vai trò của cơ quan quản lý, địa phương; tăng trường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện sai sót, bất cập, tránh được hiệu quả đáng tiếc.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo ĐHQG Hà Nội - thì cho rằng, có 4 mấu chốt để quyết định thành công của một Kỳ thi THPT là đề thi, tổ chức thi, chấm thi, xét tuyển. Do đó, để một kỳ thi tuyển sinh thành công thì 4 khâu đấy phải trọn vẹn. Trong đó, lưu ý cơ chế giám sát; tăng cường tập huấn, phải đưa vào hội đồng thi người có năng lực, kiến thức, đừng lấy theo chức vụ, cơ cấu.

Từ kỳ thi 2018, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) - cho rằng cần có một số vấn đề cần hoàn thiện cho kỳ thi năm sau. Đó là tiếp tục hoàn thiện, chuẩn chỉnh ngân hàng câu hỏi, đủ lớn, đạt chất lượng, phù hợp với tính chất của kỳ thi; từ đó xây dựng đề thi phù hợp với sứ mệnh, mục tiêu của Kỳ thi THPT quốc gia. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật công nghệ. Rà soát toàn bộ quy trình để làm rõ hơn trách nhiệm của những người tham gia kỳ thi, từ đó có giải pháp phù hợp.

“Nóng” câu chuyện quá tải 1 số trường học ở Thủ đô

Tuần qua, câu chuyện quá tải sĩ số tại Hà Nội tiếp tục được dư luận quan tâm, đặc biệt ở Trường tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội). Nhiều báo chí khai thác “lịch học lạ” (học luân phiên, học gối) tại trường này mà nguyên nhân bởi số lượng học sinh lớp 1 tăng đột biến.

Theo báo Đại đoàn kết, năm học 2017- 2018, trường chỉ có 4 lớp 5 ra trường nhưng đầu năm học 2018 - 2019 lại đến 23 lớp 1 với 1.145 học sinh, là trường có số lượng học sinh đông nhất Thủ đô. Số lượng học sinh lớp 1 tăng đột biến đã gây áp lực lên cơ sở vật chất của trường, vượt quá số phòng học hiện có. Vì thế, để đảm bảo việc học cho học sinh, toàn trường phải giảm số giờ học.

Cụ thể, thay vì được học đủ 5 ngày trong tuần, tương đương 10 buổi mỗi tuần như chương trình của Bộ GD&ĐT, tất cả học sinh các lớp chỉ được học 4 ngày/tuần với 8 buổi/tuần và phải học luân phiên cả thứ bảy, nghỉ hai ngày giữa tuần. Việc giảm số tiết học 2 buổi/tuần- tương đương với 8 tiết học đang khiến cho phụ huynh lo lắng về chất lượng dạy và học của nhà trường.

Trường Tiểu học Chu Văn An không phải là trường hợp duy nhất mà học sinh phải nghỉ học luân phiên do thiếu trường lớp. Trường Tiểu học Đại Kim (quận Hoàng Mai) học sinh cũng phải nghỉ học các ngày thứ 3 và chiều thứ 7 trong tuần. Hay tại Trường Tiểu học Đại Từ, học sinh cũng phải nghỉ luân phiên trong tuần…

Thông tin của Tiền phong, Trường tiểu học Chu Văn An đã nhận được ý kiến chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, UBND quận Hoàng Mai yêu cầu tổ chức mô hình học cho học sinh toàn trường 1 buổi/ngày để đáp ứng nguyện vọng của cha mẹ học sinh đã phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chung về việc học sinh của trường phải học gối, học luân phiên, với lịch học lạ.

Được biết, hiện thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Xây dựng kiến trúc, phối hợp với Sở GD&ĐT tiến hành rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường, lớp. Qua rà soát, thành phố đã có nhiều điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là khu vực mật độ dân số cao.

Giải pháp trước mắt là tìm quỹ đất, thứ hai là kiến nghị Bộ GD&ĐT, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù nâng tầng cho các trường. Tầng nâng được sử dụng cho giáo viên, các phòng chuyên môn của trường.

Nam sinh dũng cảm được trao bằng “Tổ quốc ghi công”

Ngày 13/9, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tỉnh Nghệ An đã trao Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Nguyễn Anh Tuấn (SN 2000, nguyên là học sinh trường THPT Thanh Chương 3), đã có hành động dũng cảm quên mình, cứu người bị đuối nước.

Sự việc xảy ra cách đây 3 năm, vào ngày 19/7/2015, Nguyễn Anh Tuấn và mẹ cùng với Đặng Hoàng Anh (sinh năm 2005), Trần Công Sơn (sinh năm 1993) đều trú tại xã Cát Văn huyện Thanh Chương đi đến khu vực bến đò Già để cào hến. Không may Đặng Hoàng Anh và Trần Công Sơn bị sẩy chân đuối nước. Tuấn bất chấp hiểm nguy, bơi ra cứu được em nhỏ là Hoàng Anh và đưa vào bờ.

Trước đó, ngày 24/7, Trung ương Đoàn TNCS HCM truy tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho Tuấn. Ngày 18/8/2015, Bộ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo truy tặng Bằng khen và ngày 14/9/2015, Chủ tịch nước truy tặng Huân chương dũng cảm cho Nguyễn Anh Tuấn.

Cô giáo Lê Thị Thanh Lâm (ngoài cùng bên trái) cùng học sinh Nguyễn Thị Anh đến Văn Miếu nhận phần thưởng cho học sinh đạt giải Nhất quốc gia môn Lịch sử năm 2013. Ảnh: Nguyễn Hải - báo Pháp luật và xã hội
Cô giáo Lê Thị Thanh Lâm (ngoài cùng bên trái) cùng học sinh Nguyễn Thị Anh đến Văn Miếu nhận phần thưởng cho học sinh đạt giải Nhất quốc gia môn Lịch sử năm 2013. Ảnh: Nguyễn Hải - báo Pháp luật và xã hội

Hướng tới những câu chuyện đẹp về giáo dục, báo Pháp luật và xã hội viết về cô giáo Lê Thị Thanh Lâm, giáo viên dạy Lịch sử trường THPT Mỹ Đức A, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.

Vượt qua rất nhiều khó khăn để trở thành cô giáo, cô Thanh Lâm với đam mê nghề nghiệp đã biến bài học Lịch sử khô khan thành những tiết dạy sinh động, hấp dẫn.

Cô không chỉ là người đầu tiên trong nhóm giáo viên dạy môn Lịch sử áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy mà còn tự tay mình thiết kế “Bản đồ điện tử”, “Sa bàn điện tử” hay tổ chức những buổi ngoại khóa… Điều đó đã khơi dậy tình yêu đối với Lịch sử trong mỗi em học sinh.

Trong suốt thời gian giảng dạy tại trường THPT Mỹ Đức A, cô Lâm có nhiều năm được nhà trường giao nhiệm vụ bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi cấp TP. Đội tuyển thi học sinh giỏi môn Lịch sử do cô phụ trách năm nào cũng xếp thứ hạng cao, cô đã có 11/12 học sinh đạt giải cấp thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ