Hội thảo công bố báo cáo này được tổ chức ngày 29/7, do Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội và Viện Friedrich Naumann tại Việt Nam tổ chức và nhận được sự quan tâm của hàng trăm nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách trong nước, quốc tế
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 ra đời trong bối cảnh suy thoái toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19.
Có thể nói, cùng với đà suy giảm năng suất, tăng trưởng kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu trong những năm gần đây, cú sốc Covid-19 đã làm bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2020 phủ một màu xám.
Bên cạnh đó, toàn cầu hóa tiếp tục tiến triển song có những xu hướng trái ngược, cách mạng công nghiệp lần thứ tư mở ra nhiều cơ hội và thách thức mới, các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống gia tăng cả ở cấp độ và quy mô.
Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và ngày càng nhạy cảm với biến động bên ngoài. Đặc biệt, năm 2021 có thể coi là một năm bản lề của giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021, do đó đi sâu phân tích nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh biến động của nền kinh tế thế giới, định vị lại Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu trên cơ sở đánh giá lợi thế so sánh và sự tham gia của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.
Cấu trúc của Báo cáo gồm 7 chương. Hai chương đầu tiên cung cấp tổng quan tình hình kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam trong năm 2020. Chương 3 phân tích bối cảnh toàn cầu với những biến động mới, trên cơ sở đó nhận định một số cơ hội và thách thức đối với Việt Nam.
Ba chương tiếp theo góp phần định vị Việt Nam trong bối cảnh biến động toàn cầu, trên hai cách tiếp cận khác nhau. Ở cách tiếp cận thứ nhất, Báo cáo đánh giá các ngành sản xuất của Việt Nam trong mối tương quan với các quốc gia khác, dựa trên lợi thế so sánh và chuỗi giá trị. Ở cách tiếp cận thứ hai, Báo cáo nhìn sâu vào từng ngành để xác định rõ đóng góp của Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào sự phát triển của ngành.
Chương 4 đánh giá lợi thế so sánh và sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam, đi sâu vào hai ngành điện tử và thực phẩm. Chương 5 đánh giá năng lực cạnh tranh của Việt Nam từ góc nhìn quốc tế.
Chương 6 của Báo cáo đánh giá đóng góp của TFP vào các ngành sản xuất của Việt Nam, tập trung phân tích sâu vào hai ngành điện tử và thực phẩm.
Cuối cùng, Chương 7 đưa ra các kịch bản dự báo viễn cảnh kinh tế Việt Nam cho năm 2021, đồng thời đưa ra các khuyến nghị chính sách trong cả ngắn, trung và dài hạn.
Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam là sản phẩm của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), trực thuộc Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội, đã liên tục được xuất bản và công bố trong 12 năm qua.
Báo cáo tập trung phân tích một cách độc lập, khách quan những thành tựu, khó khăn, cơ hội và thách thức trong quá trình phát triển, góp phần cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách kinh tế vĩ mô đồng thời thảo luận có chọn lọc một số vấn đề kinh tế lớn và chuyên sâu của Việt Nam.
Xem toàn văn Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2021 TẠI ĐÂY