Cụ thể, theo kết luận thanh tra của Thanh tra tỉnh Gia Lai, từ năm 2008 đến ngày 29/8/2019, BQL rừng phòng hộ Ia Puch đã để mất hơn 1.200 ha rừng thuộc 20 tiểu khu trong lâm phần quản lý.
Tổng diện tích đất tự nhiên mà BQL rừng phòng hộ Ia Puch được UBND tỉnh Gia Lai giao quản lý là hơn 32.000 ha từ năm 2002, trong đó có hơn 13.000 ha diện tích đất lâm nghiệp phòng hộ. Tuy nhiên, khi đoàn thanh tra kiểm tra thực tế rừng tự nhiên và rừng trồng do đơn vị này quản lý thì phát hiện rằng từ năm 2008 đến nay có 868 ha rừng tự nhiên bị người dân chặt phá, lấn chiếm đất để làm nương rẫy, trồng cây nông nghiệp; 359 ha bị một số doanh nghiệp chặt phá, chiếm đất để trồng cao su.
Ngoài ra, qua kiểm tra hiện trạng đất lâm nghiệp tại các vị trí hành lang 100 m dọc theo Quốc lộ 14C và thống kê của BQL rừng phòng hộ Ia Puch thì có 110 hộ gia đình (chủ yếu là công nhân của Công ty Quốc Cường, Công ty Bình Dương và một số hộ di dân tự do) lấn chiếm đất lâm nghiệp làm nhà ở, làm vườn với diện tích 12,4 ha dọc theo Quốc lộ 14C.
Mặc dù diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá, lấn chiếm hơn 1.200 ha, nhưng BQL rừng phòng hộ Ia Puch chỉ lập biên bản vi phạm hơn 62 ha. Diện tích còn lại không phát hiện kịp thời, không lập biên bản vi phạm, không có thống kê, không báo cáo diện tích rừng bị mất lên cơ quan có thẩm quyền, cấp trên để xử lý.
Mặt khác, trong khi một số diện tích đất lâm nghiệp đã có quyết định tạm giao đất, quyết định giao đất cho các doanh nghiệp trồng cao su nhưng khi kiểm kê vào năm 2014 BQL rừng phòng hộ Ia Puch vẫn đưa vào diện tích diện tích rừng trồng do mình đang quản lý khiến con số được đẩy lên hơn 2.000 ha nhưng thực tế đơn vị này chỉ trồng hơn 200 ha rừng.
Thanh tra tỉnh Gia Lai xác định trách nhiệm để mất hơn 1.200 ha rừng thuộc về lãnh đạo BQL rừng phòng hộ Ia Puch qua các thời kỳ, UBND huyện Chư Prông, UBND các xã có rừng để mất và Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai.
Ngoài ra, kết luận thanh tra còn xác định BQL rừng phòng hộ Ia Puch có sai phạm về quản lý tài chính gần 38 triệu đồng (thanh toán sai khối lượng về các công trình cổng, hàng rào và nhà làm việc cơ quan). Thanh tra tỉnh Gia Lai yêu cầu BQL phải nộp lại số tiền trên vào ngân sách Nhà nước.
Từ những sai phạm nói trên, Thanh tra tỉnh Gia Lai kiến nghị UBND tỉnh Gia Lai chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra (Công an tỉnh Gia Lai) để xử lý vụ việc liên quan đến trách nhiệm của BQL rừng phòng hộ Ia Puch để mất hơn 1.200 ha tại 20 tiểu khu xảy ra từ năm 2008 đến nay.