Rắn lục đuôi đỏ tấn công người
Gần đây, rắn lục đuôi đỏ liên tiếp xuất hiện ở các khu dân cư khiến người dân hoang mang, lo lắng. Không chỉ Quảng Ngãi, người dân ở các huyện của tỉnh Quảng Nam như Thăng Bình, Điện Bàn, Tiên Phước… cũng ăn ngủ không yên vì rắn lục đuôi đỏ xuất hiện dày đặc.
Nhiều người đã bị rắn lục đuôi đỏ cắn phải nhập viện. Tình hình cũng diễn ra tương tự ở Thanh Hóa, Nghệ An,… Riêng ngày 24/11 vừa qua, rắn lục đuôi đỏ tràn về Phú Yên và cắn 141 người.
Rắn lục đuôi đỏ xuất hiện ồ ạt khiến người dân hoang mang. |
Lý giải về nguyên nhân rắn lục đuôi đỏ tăng nhanh và mạnh trong thời gian gần đây, GS.TS Đặng Huy Huỳnh - Chủ tịch Hội Động vật học - cho biết:
“So với các loài rắn khác, quá trình mang thai của rắn lục đuôi đỏ rất nhanh, chỉ khoảng 2 tháng, sau đó sinh con. Số lượng mỗi lứa đẻ của loại rắn này cũng rất cao, từ 4 đến 16, 17 con.
Rắn con dài 20 cm, mới ra đời nhưng phát triển rất khỏe, có đặc điểm giống hệt rắn trưởng thành. Vì vậy, sẽ không mất nhiều thời gian để dân số của rắn lục đuôi đỏ được nhân lên nhiều lần”.
Nhiều người phải nhập viện vì rắn lục đuôi đỏ tấn công. |
PGS.TS Phạm Đình Hòe (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cũng cho hay, ngoài biến đổi môi trường thì sự gia tăng cắn người của rắn lục đuôi đỏ ở các địa phương trên còn do trước đây rộ tin đồn rắn này chữa được ung thư nên họ bắt, nuôi để bán. Sau đó, vì chúng không có tác dụng như đồn thổi nên đã thả ra, từ đó, khiến chúng sinh sôi nảy nở nhiều.
Để phòng tránh rắn lục đuôi đỏ tấn công, người dân cần lưu ý dọn dẹp xung quanh nhà, cắt ngắn cỏ, phát quang bụi rậm bởi đây có thể trở thành nơi trú ngụ của rắn lục đuôi đỏ.
Bên cạnh đó, cần giữ nhà cửa và môi trường xung quanh sạch sẽ, diệt, loại bỏ chuột và các côn trùng bởi đây là những con mồi yêu thích của loài rắn lục đuôi đỏ.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần kiểm tra kỹ các kẽ nứt, khe hở xung quanh nhà bởi đó cũng chính là nơi mà những con rắn lục đuôi đỏ hay lẩn trốn. Đồng thời có thể trồng các loại cây như sả, sắn dây, hoa lan tỏi… để ngăn không cho rắn lục đuôi đỏ đến gần.
Bọ xít hút máu người "đổ bộ"
Trước rắn lục đuôi đỏ, người dân một số nơi như: Hà Nội, TP HCM... cũng "lo ngay ngáy" trước cuộc "đổ bộ" của bọ xít hút máu người tầm tháng 6, tháng 7 vừa qua.
Nhiều ổ bọ xít hút máu người với hàng chục, thậm chí hàng trăm con được tìm thấy ở nhà dân. Theo đó, có không ít trường hợp phải nhập viện điều trị vì những tổn thương do loài vật này mang lại.
Có những ổ bọ xít hút máu người được phát hiện có tới hàng trăm con cùng một lúc. |
Được biết, loài bọ xít hút máu sống bằng máu người hoặc động vật, khi không có động vật chúng sẽ tìm đến người để hút máu. Chúng không những chỉ xuất hiện ở các khu nhà ẩm thấp, tối tăm mà còn có mặt cả ở những khu nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi.
Bọ xít hút máu thường sống ở giường, đệm, tủ, khe nứt, trên trần nhà, dưới đống củi... chúng có thể làm ổ cả trong hoặc ngoài nhà. Ban ngày bọ xít hút máu thường trốn vào các khe tối như khe giường, khe tủ... đêm đến mới hoạt động, nên con người thường không biết sự có mặt của chúng.
Bọ xít hút máu người tấn công người dân. |
Bọ xít hút máu người gây rối loạn nhịp tim, rối loạn mạch máu, suy kiệt sức khỏe. Ở các nước Mỹ La tinh, loài động vật này đã trở thành kẻ truyền bệnh, người ta lo sợ bọ xít hút máu người có thể truyền bệnh chaga, tuy nhiên tại Việt Nam chưa có nguồn gây bệnh chaga.
Để đề phòng bọ xít hút máu người tấn công, người dân cần đề cao cảnh giác, nên thường dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, phòng ngủ, mở cửa cho ánh nắng chiếu vào để ngăn chặn sự sinh sôi, phát triển của loài côn trùng nguy hiểm này.
Nếu phát hiện trong nhà có bọ xít hút máu thì nên tìm diệt chúng bằng cách dọn dẹp nhà cửa, gầm giường, dưới đệm phòng ngủ hoặc ban đêm thì tắt đèn, dùng đèn pin soi tìm diệt bọ xít và trứng bọ xít. Ở vùng đã phát hiện có bọ xít hút máu thì nên ngủ màn và giắt màn cẩn thận để bọ xít không thể chui vào đốt người.
Hoang mang "vào mùa" kiến ba khoang
"Quá sợ kiến ba khoang" là tâm trạng chung của nhiều người dân khi bước "vào mùa" kiến ba khoang hồi tháng 10 vừa qua khi chúng ồ ạt tấn công vào nhà dân, chui vào các tòa cao tầng.
Kiến ba khoang. |
Dù độc tố từ kiến ba khoang rất mạnh, song, lượng độc trong kiến nhỏ không đủ làm chết người. Tuy nhiên, vết thương do kiến đốt có thể sưng phồng, tấy đỏ, loét và lâu khỏi.
Nguyên nhân là do cơ thể loài kiến này có chất độc và vi khuẩn cộng sinh nên khi tiếp xúc với da tạo nên viêm da, thối thịt giống như bị tạt axít. Một số người không biết đã lấy tay giết kiến sau đó vô tình sờ lên mặt hoặc gãi lên da đã tạo thành những vết tổn thương dài.
Các chuyên gia côn trùng khuyến cáo, nếu thấy kiến bò trên da người thì không nên đập giết chúng để hạn chế chất độc lan rộng. Người dân cần thổi nhẹ để kiến bay xuống đất, sau đó dùng giấy ăn khô để giết kiến. Bàn tay lỡ đập chết kiến ba khoang cần rửa sạch bằng xà phòng càng nhanh càng tốt để tránh độc tố dính vào.
Độc tố kiến ba khoang có thể gây thối da, thối thịt như bị tạt axit. |
Cách tốt nhất để hạn chế tình trạng kiến ba khoang tấn công là giữ gìn vệ sinh nhà cửa, giường, chiếu, chăn màn sạch sẽ để côn trùng không có nơi trú ngụ.
Người dân cũng có thể thắp bỏng đèn bên ngoài hành lang để dụ kiến không vào nhà, tắt các thiết bị đèn điện tỏng nhà khi không cần thiết và phun thuốc diệt côn trùng theo chỉ định, hướng dẫn của chuyên gia.
Rận mu tái xuất
Theo thông tin từ Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư, trong thời gian gần đây, viện liên tục tiếp nhận và điều trị cho rất nhiều trường hợp mắc bệnh rận mu (còn gọi là rận càng cua, rận bẹn...). Các bệnh nhân thuộc rất nhiều lứa tuổi, trong đó bao gồm cả trẻ em.
Quá trình phát triển của loài rận mu. |
Rận mu (Pthirus pubis) là một loài côn trùng, thường ký sinh và gây bệnh ở vùng lông mu của con người nhưng cũng có thể sống “tràn” sang cả các khu vực lông, tóc khác, kể cả lông mi.
Loài côn trùng này gây nên bệnh rận mu, hút máu ở những khu vực nhạy cảm trên cơ thể chúng ta. Theo thống kê, có khoảng 2% dân số trên thế giới mắc phải căn bệnh này.
Rận mu lây từ người sang người, chủ yếu qua đường tình dục hoặc cũng có thể lây nhiễm qua các vật trung gian như quần áo, giường, chiếu, chăn màn…
Loài rận mu gây ra những cơn ngứa ngáy khó chịu. |
Triệu chứng của bệnh rận mu thường là ngứa ngáy liên tục hoặc có những cơn ngứa dữ dội ở các khu vực có lông, tóc, xuất hiện các nốt mẩn đỏ ở vùng bị ngứa, ở một số người còn có cả những chấm nhỏ màu xám hoặc xám đen, trên vùng lông, tóc có các sinh vật hoặc trứng bám kí sinh. Ngoài ra, khi mắc bệnh, có trường hợp còn bị sốt, suy nhược cơ thể, thường xuyên mệt mỏi…
Rận mu thường xảy ra khi điều kiện vệ sinh của người dân kém và chỉ lây từ người sang người qua tiếp xúc, nhất là tiếp xúc qua đường tình dục.
Vì vậy, để đề phòng bệnh rận mu, tuyệt đối không mặc chung quần áo lót, cần vệ sinh các đồ dùng tiếp xúc trực tiếp như quần áo, chăn, tấm trải giường phải giặt sạch, phơi nắng, là ủi nóng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, quan hệ tình dục an toàn.