Con trâu trong đời sống tâm linh của người Cơ Tu

GD&TĐ - Người Cơ Tu ở vùng cao làm lúa rẫy và hoàn toàn không dùng trâu để sản xuất lương thực.

Cho trâu uống rượu đã cúng Yàng trước khi đâm trâu.
Cho trâu uống rượu đã cúng Yàng trước khi đâm trâu.

Nhưng xét về khía cạnh văn hóa, con trâu được xem là hình ảnh được đề cao trong nghệ thuật điêu khắc cũng như nghi thức tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu.

Con trâu trong đời sống văn hóa 

Đầu trâu được khắc trên cây cột cái của nhà Gươl.
Đầu trâu được khắc trên cây cột cái của nhà Gươl.

Người Cơ Tu gọi con trâu là T’trí. Ngày trước, con trâu được người Cơ Tu xem như của cải quý giá mà nhà gái thách cưới trong lễ hỏi, cưới, tương tự như đồ sính lễ nhà trai tặng cho nhà gái gồm mã não, chiêng, ché. Người dân cũng thường trao đổi, mua bán cái này với cái kia với đơn vị giá là trâu: 1 trâu, 2 trâu. Khi ai đó vi phạm luật tục của làng cũng bị phạt vạ 1 trâu, 2 trâu…

Già làng Y Kông (92 tuổi, trú thôn Tống Coói, xã Ba (Đông Giang – Quảng Nam) cho hay, khác với dân tộc Kinh canh tác lúa nước coi trọng con trâu “là đầu cơ nghiệp”, người Cơ Tu ở vùng cao Quảng Nam như Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang… làm lúa rẫy và rất ít dùng sức trâu để cày, bừa, kéo… trong sản xuất nông nghiệp.

Song, xét về góc độ văn hóa tâm linh, hình ảnh con trâu, đầu trâu được đề cao trong nghệ thuật điêu khắc cũng như nghi thức tín ngưỡng của đồng bào Cơ Tu trên dãy Trường Sơn.

Trâu cũng là con vật làm trung gian đại diện cho con người, là sứ giả được con người kính cẩn gửi lên gặp gỡ các thần linh (Yàng) trong các buổi lễ: Cầu xin (cầu mùa, cầu mưa...), dâng cúng (được mùa), cùng vui (đám cưới, đón khách), tiễn biệt (đám ma, bỏ mả, khóc trâu)… Người Cơ Tu có phong tục tập quán đâm trâu trong các lễ hội được mùa (Bhuối A ví), lễ hội mừng lúa mới (Cha ha roo Tơmêê), lễ hội nhà Gươl (Langtơrí). 

Nhà mồ có hình tượng đầu trâu

Già làng Bríu Nga giới thiệu nhà mồ có tượng đầu trâu do mình thực hiện.
Già làng Bríu Nga giới thiệu nhà mồ có tượng đầu trâu do mình thực hiện.

Hiện nay, bên QL14G, qua thôn A’liêng, xã Ating (Đông Giang - Quảng Nam) có một ngôi mộ nguyên bản do anh Bríu Nga (60 tuổi) làm nhà mồ cho bố vợ mình là ông Đinh Văn Đen với các loại gỗ tốt như kiền kiền, trai, s’riêng… với bốn cái đầu trâu đang nhìn ra đường và hai bên trông rất huyền bí và ấn tượng.

Già làng Bhr’iu Nga cho hay, nhà mồ càng lớn, nghi lễ càng to, giết nhiều trâu bò, heo… Nhà mồ càng lớn, càng đẹp càng tượng trưng cho lòng hiếu thảo của con rể đối với người quá cố. Ngày nay, đời sống tinh thần và vật chất của người Cơ Tu ngày càng phát triển nên nhà mồ của người Cơ Tu được xây dựng theo kiểu “hiện đại” hơn bằng gạch và dán gạch ốp men nhiều màu, kiểu dáng xây dựng đẹp, hài hòa.

Những nhà mồ “quý tộc” này được xây dựng trên nền cao. Nền, trụ… đều áp gạch men màu, hai mái lợp tôn có màu xanh hoặc đỏ, trên đầu hồi có treo cái đầu trâu. Song, cho dù loại vật liệu nào chăng nữa thì người nhìn cũng cảm nhận được trâu vẫn mãi theo người đang sống và người đã chết của bộ tộc Cơ Tu trên dãy Trường Sơn.

Đặc biệt, có những cỗ quan tài mà ngày trước dành cho giới “quý tộc Cơ Tu” “dùng” khi về bên kia thế giới được chế tác rất công phu. Đó là cỗ quan tài rất đặc biệt, độc đáo của già làng Y Kông chế tác. 

Đưa tay chạm cỗ quan tài, già làng Y Kông bộc bạch: “Trong đời sống của người Cơ Tu con trâu là hình ảnh thiêng liêng nối kết ước vọng của con người với thế giới thần linh. Cỗ quan tài này do tôi tự đẽo, gọt hết 3 tháng công từ nguyên một thân cây kiền kiền xẻ đôi rồi khoét rỗng ở giữa.

Chiếc quan tài này có tên là “T’rang Ch’ríh”, nghĩa là “chiếc quan tài kỳ lạ”, vì từ trước đến nay chưa có ai chạm khắc công phu trên chiếc quan tài của mình một đầu là cái đầu trâu, một đầu là cái đầu voi. Con trâu là con thú to nhất ở đồng bằng, con voi là con thú to nhất ở trên rừng. Hai con vật này tượng trưng cho sức mạnh, cho sự to lớn.

Chiếc quan tài này có dáng dấp chiếc thuyền, tượng trưng chiếc thuyền chở già đi về bên kia thế giới. Dù người Cơ Tu không có tục tôn thờ con rồng (Zéc Hoo) nhưng trong một số tác phẩm điêu khắc, con rồng vẫn luôn được sử dụng như là biểu tượng của sự phò trợ, hộ mệnh. Hai con rồng hai bên chiếc quan tài sẽ phò trợ “chiếc thuyền” đưa già theo ông bà, tổ tiên...”.

Tục khóc trâu 

Già làng Y Kông kể với chúng tôi về nét văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc Cơ Tu, đó là lễ “khóc trâu”: Hồi đó, mỗi mùa lúa mới, dân làng thường tổ chức lễ lớn. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn một vài món ngon trong nhà. Sau lễ đâm trâu, họ đưa hết đến nhà Gươl góp chung, tổ chức ăn uống linh đình trong suốt một tuần và trong nghi thức đâm trâu cũng có nhiều luật tục phức tạp hơn bấy giờ.

Dù nghèo đói đến mấy, cứ vào khoảng tháng giêng, làng cũng gom góp tiền của cử người vượt núi xuống đồng bằng mua trâu. Dân làng chuẩn bị những trang phục mới nhất và đẹp nhất như chiếc khố (Cha lon), áo cộc tay (A đoót), tấm choàng (Aduông), áo dài (Cơđơ-ớch)... để mặc trong lễ hội đâm trâu. 

Chiều tối của đêm trước ngày đâm trâu, ông già làng có uy tín trong làng tổ chức cúng trâu (dục t’trí) tại sân Gươl. Cúng dục t’trí phải có đầu heo, gà luộc và chai rượu. Già làng thắp hương khấn vái với Yàng rằng mọi việc chuẩn bị xong xuôi, ngày mai xin Yàng cho dân làng đâm trâu.

Đêm này, cả làng múa hát vui vẻ múa hát đến khuya. Các cụ già thường thức đến sáng để tế, khóc trâu (Nơơi). Mở đầu “văn tế”, các già làng thường “khóc”: “Trâu ơi, giờ đây trâu đã buộc vào neo, biết gỡ vào đâu…”.

Nội dung khóc tế trâu thường nói lên tình cảm, thương tiếc con trâu đã suốt đời gắn bó, phục vụ con người, nay lại làm vật hiến sinh cúng Yàng. Các già làng cho rằng, với lời than vãn thắm thiết, nhiều con trâu có thể hiểu và nghe tiếng khóc, trâu chảy nước mắt theo.

Giữa đêm khuya trong cái tĩnh lặng, tịch mịch của rừng núi bao la với ít ngọn lửa le lói cháy giữa sân Gươl. Khoảng 5 – 6 người ngồi vừa tế, vừa đánh trống ngắt nhịp kèm theo lời ai oán, não nề, không gian lúc này rất là thiêng liêng, u tịch. Nơơi là hình thức tế trâu rất đặc sắc của văn hóa Cơ Tu…

Nghi thức khóc trâu bắt đầu do một người già có vai vế trong làng, có năng khiếu về nói lý, hát lý đại diện cho dân làng ra đứng gần bên con trâu mà than khóc trâu với âm điệu rất tha thiết như: “Trâu ơi, trâu đừng trách dân làng, đây là nghi lễ truyền thống bao đời của dân làng hằng năm hiến tế trâu cho trời, đất, tổ tiên để cầu cho dân làng được bình an, không bị dịch bệnh, thú dữ, hoa màu tươi tốt, mọi người khoẻ mạnh.

Cầu cho linh hồn trâu về cõi trời được an lành. . .’’. Sau nghi thức “khóc trâu” tốp đàn ông, thanh niên, phụ nữ Cơ Tu mang trống chiêng, gươm, giáo. . . nhảy múa vòng quanh trụ Gươl với vũ điệu múa Tung tung - Za zá. Cánh đàn ông thì điệu múa gươm rất oai hùng, phụ nữ thì múa rất uyển chuyển.

Sau cuộc nhảy múa này họ bắt đầu đâm trâu. Đầu tiên là già làng đâm vài nhát và đưa cây mác (dụ) cho tốp thanh niên khỏe mạnh. Chàng trai nào chỉ đâm một nhát mà trâu ngã thì được mọi người tán thưởng, hoặc đâm trâu không ngã thì bị mọi người chê bai. Khi trâu ngã xuống, máu từ tim phun ra, ướt cả một vùng dưới gốc trụ Gươl, có một số người dùng các que cây nhúng máu này và “bôi” lên trụ Gươl.

Tập tục này gọi là “Sôt ham ca piu gương”, với ý nghĩa để cho những người khuất mặt, khuất mày hiện ở trên các ngọn cây cao, không được phép của “thần hoàng” vào dự nên họ hưởng “món máu” trâu đó. Ngoài ra, khi trâu đã chết, người Cơ Tu mang heo, gà, những tấm tút đẹp “tặng” cho trâu về chín suối để dùng.

Trong lễ hiến tế trâu, người Cơ Tu đâm trâu không phải cốt để ăn thịt hay đâm lung tung trên thân nó để nhảy múa mà trước khi đâm, người chủ lễ sẽ cho trâu “uống rượu” đã cúng và báo với Yàng, sau đó sẽ dùng than vẽ đúng vị trí quả tim (bên phải) của trâu, đó là chỗ cần phải đâm.

Và khi trâu ngã xuống, người chủ lễ hoặc già làng cẩn trọng rót nước nóng đúng vị trí quả tim, rồi trịnh trọng phủ chiếc khố đẹp nhất của làng lên mình trâu, không quên những lời cầu nguyện tốt đẹp nhất dành cho sự ra đi của nó. Cái đuôi trâu cũng được cắt lấy, ném lên cột lễ như bói quẻ để cầu may.

Trâu được xem là con vật thiêng như thế, người Cơ Tu quý nó nên khắc hình ảnh trâu lên nơi trang trọng của ngôi nhà chung, là vật dâng cúng thần linh khi người về cõi chết. Khi trâu chết, người Cơ Tu còn lưu giữ đầu, sừng bằng cách treo ở cây cột cái (cột mệ) của Gươl ở vị trí cao nhất.

Cuối cùng họ cắt đầu trâu cùng với một hũ rượu cần đặt sát trụ Gươl để cúng trời, đất, tổ tiên, ông bà hưởng, còn thân trâu thì mổ thịt chia đều cho từng hộ dân làng. Buổi chiều, cái đầu trâu ấy sau khi già làng khấn vái xong lễ, họ mang đi làm sạch, nấu rục cho những người có công trong việc tổ chức lễ hội ăn uống ngày hôm sau.

Trâu gỗ của người Cơ Tu làm lễ thay trâu thật.
Trâu gỗ của người Cơ Tu làm lễ thay trâu thật.

Trâu gỗ thay cho trâu thật

Ngày nay, người Cơ Tu hưởng ứng đời sống văn hóa, văn minh và người dân chấp hành không vào rừng săn bắt thú rừng nữa nên tục đâm trâu cũng thưa thớt dần và từ năm 2016, tục đâm trâu đã bãi bỏ dần trên vùng cao của Quảng Nam.

Hiện nay, khi tiến hành lễ hội, cũng có con trâu thật để dắt đi vòng treo trụ Gươl chôn giữa sân (có nơi có thể thế bằng con trâu gỗ). Sau khi xong phần cũng tế, trâu được dắt về sau nhà Gươl để xẻ thịt cúng Yàng và cung cấp thức ăn cho người tham dự.

Đến các bản làng của người Cơ Tu trên dãy Trường Sơn, từ vùng cao (Cơ Tu Dal) cho đến vùng thấp (Cơ Tu Phương), du khách sẽ thấy hầu như những ngôi nhà Gươl nào cũng có bản khắc gỗ con trâu hay tượng gỗ đầu trâu ở bậc cửa bước lên để vào nhà. Hình ảnh đầu trâu được khắc mặt chính diện, cặp sừng cong nổi hai bên, đầu hơi cúi xuống và đôi mắt bên cạnh 2 tai quặp xuống.
Khi bước vào nhà gươl, ta có thể bắt gặp hình tượng trâu ở trên các vách gỗ, thậm chí là đầu trâu được vẽ trên nhiều tấm phù điêu, tâm gỗ nối lại với nhau, hoặc các khớp mộng ở đầu hồi được làm cong hình sừng trâu để ghép mộng. Xương, sừng đầu trâu cũng treo trên cột cái trong nhà Gươl.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.