Tiểu Triều (6 tuổi) sống ở viện Phúc Lợi - cô nhi viện. Em được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hô hấp khó khăn, cổ họng sưng tấy, mưng mủ.
Bác sĩ Trương Duệ, khoa ngoại, bệnh viện Xi"an Children"s Hospital, cho biết: "Kết quả khám bệnh khiến chúng tôi vô cùng kinh ngạc. Chúng tôi phát hiện thực quản của bệnh nhi có một dị vật là móc kim loại rất lớn. Nếu không gắp dị vật ra, đường thực quản và khí quản của bệnh nhi sẽ đối mặt với nguy cơ tổn thương, nhiễm khuẩn, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng".
Được biết, Tiểu Triều không biết nói, không có khả năng tự vệ sinh cá nhân. Nhân viên viện Phúc Lợi suy đoán, có thể em đã nuốt móc kim loại trong khi đang chơi. Sau khi hội chẩn, bác sĩ Trương Duệ đã tiến hành gắp nội soi lấy móc kim loại ra. Hiện tại, Tiểu Triều vẫn đang trong quá trình hồi phục.
Bác sĩ Trương Duệ nhắn nhủ: "Trẻ dưới 3 tuổi, bố mẹ không nên cho trẻ ăn hạt bí, hạt dưa, đậu phộng, quả hạch. Trẻ độ tuổi đi học cần được bố mẹ bồi dưỡng thói quen sinh hoạt tốt, chẳng hạn không ngậm đồ chơi, bút trong miệng. Đây là cách giúp giảm nguy cơ hóc dị vật ở đường thực quản, khí quản đối với trẻ nhỏ".
Người lớn luôn cần bình tĩnh trước tình huống trẻ bị hóc dị vật, nhiều cha mẹ khi phát hiện ra trẻ tự ý cho hạt hay đồ chơi vào miệng, cha mẹ hét lên hốt hoảng, cố gắng móc họng bé, điều này làm con sợ hãi và khiến dị vật chui vào càng sâu hơn.
Trong mọi trường hợp, lời khuyên tốt nhất đó là các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ cần thiết phải để mắt tới trẻ mọi lúc, mọi nơi. Bậc phụ huynh nên thiết kế cho bé một môi trường sống an toàn để chạy nhảy, chơi đùa. Tránh tuyệt đối những vật nhỏ, nguy hiểm trong tầm với của trẻ.
Tai nạn hóc sặc có thể xảy ra ở mọi tuổi nhưng thường ở trẻ nhỏ từ 6 tháng đến dưới 3 tuổi. Ở độ tuổi này, bé thường sẽ rất tò mò, những thứ tưởng như vô hại với người lớn lại vô cùng nguy hiểm với trẻ nhỏ (hạt nhãn, hạt điều, kim may, đinh ghim, hạt dẻ, hạt dưa, bỏng ngô, kẹo cứng,…), chúng đều có thể trở thành thủ phạm gây tổn thương bé.