Con thiếu kỹ năng sinh tồn: Phần lớn là do… cha mẹ

Con thiếu kỹ năng sinh tồn: Phần lớn là do… cha mẹ

Gặp nạn vì thiếu kỹ năng

Từ tháng 5 đến nay, hàng loạt vụ đuối nước thương tâm xảy ra. Huyện Tràng Định (Lạng Sơn) ghi nhận 2 vụ tai nạn đuối nước. Ngày 6/5, 8 học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học – THCS xã Đoàn Kết ra bờ suối chơi đùa. Trong đó, 4 em trượt chân xuống suối, bị dòng nước cuốn trôi. Vụ việc khiến 2 em thiệt mạng. 

Cũng tại Lạng Sơn, ngày 13/5, cháu L.M.C, sinh năm 2012 đã tử vong sau khi rơi xuống ao. Mới đây, 2 nữ sinh lớp 10 Trường THPT Bất Bạt (huyện Ba Vì, Hà Nội) ra sông Đà tắm, không may bị trượt chân xuống vùng nước sâu và tử vong.

Không chỉ nhiều vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra do thiếu niên không biết bơi. Bệnh viện Nhi Trung ương cũng thường xuyên tiếp nhận hàng loạt trẻ nuốt phải dị vật, hoặc uống hoá chất. Thậm chí, nhiều trẻ "vô tư" cho tay vào ổ điện và gặp nguy hiểm đến tính mạng.

Kỹ năng sinh tồn cứu sống trẻ

Năm 2019, hai bé gái 5 tuổi và 8 tuổi tại Mỹ được tìm thấy sống sót sau 44 tiếng bị lạc ở khu vực hoang dã có địa hình gồ ghề và môi trường khắc nghiệt thuộc tiểu bang California. Nhờ vỏ của loại bánh granola và dấu ủng để lại trên mặt đất, các nhân viên cứu hộ đã tìm ra vị trí của các em.

Các sĩ quan cảnh sát cho biết, 2 bé gái đã trú ẩn trong bụi cây và uống nước ngọt từ lá Huckleberry. "Các bé đã được học kỹ năng sinh tồn ngoài trời. Chúng tôi tin rằng đó là yếu tố quan trọng giúp các bé sống sót", một cảnh sát cho biết.

Năm 2016, vụ việc cậu bé Yamato Tanooka, 7 tuổi thoát chết sau 6 ngày mất tích trong khu rừng đầy gấu tại Nhật Bản đã khiến mọi người không khỏi ngạc nhiên. 

Trước đó, bố mẹ Yamato Tanooka yêu cầu cậu bé xuống xe để trừng phạt vì hành vi ném đá lung tung. Ít phút sau, họ quay lại nhưng không thấy con trai ở đó. Cậu bé Yamato cho biết, đã tự tìm khu căn cứ quân sự bỏ hoang cách vị trí em bị bố mẹ bỏ lại khoảng 5 - 7km.

Trong suốt gần 1 tuần đi lạc, cậu bé Yamato không có thức ăn vì thời điểm đó là mùa xuân, các loại cây đều chưa ra quả. Tuy nhiên, cậu bé đã tìm được một vòi nước có sẵn ở phía trước khu trại và uống nước ở đó hằng ngày. 

Khi nhiệt độ trong rừng xuống thấp tới 7 độ C vào ban đêm, Yamoto đã chui vào nằm giữa hai chiếc đệm trong khu căn cứ quân sự để giữ ấm.

Tại các trường tiểu học Nhật Bản, trẻ em được tham gia lớp học hướng dẫn cách ứng phó khi xảy ra động đất, hỏa hoạn. Trẻ cũng được dạy cách phải giữ bình tĩnh hết mức khi gặp nạn. Dưới sự giám sát của giáo viên, học sinh được yêu cầu tự dựng trại, nhóm lửa, bơi và câu cá. 

Trong trường hợp bị lạc, các em sẽ biết đâu là nấm độc để tránh, cách sơ cứu nếu bị côn trùng cắn.

Không chỉ ở Nhật Bản, trẻ em tại Mỹ và các nước châu Âu cũng được học kỹ năng sinh tồn khi tham gia các nhóm hướng đạo sinh, như cách dựng lều, nhóm lửa, sử dụng dao và các dụng cụ an toàn.

Phụ huynh Việt... chưa sẵn sàng

Những năm gần đây, trường học và một số cơ sở tư nhân tại Việt Nam được cho là đã chú trọng hơn tới việc đào tạo kỹ năng sinh tồn ở trẻ. Chị Nguyễn Thị Thanh - phụ huynh có con học mầm non tại Ba Đình (Hà Nội) cho biết: "Tại trường học, bé nhà tôi được dạy một số kỹ năng cơ bản như phòng, tránh bệnh trong mùa Covid-19, làm thế nào để ứng phó khi gặp người lạ có ý đồ xấu...".

Chị Thanh chia sẻ, các bé cũng thường xuyên được nhà trường tổ chức cho đi dã ngoại. "Tuy nhiên, do các bé còn nhỏ, nên tôi nghĩ rằng, những kỹ năng sinh tồn khác cũng không quá cần thiết hay có tính ứng dụng cao trong cuộc sống", nữ phụ huynh này nói.

Tại một số trung tâm đào tạo, những kỹ năng sinh tồn được chú trọng bao gồm: Cách thoát hiểm khi hoả hoạn, sơ cứu, an toàn khi tham gia giao thông, phòng chống tai nạn đuối nước, xử lý khi gặp tai nạn thang máy... Tuy nhiên, một số phụ huynh cho rằng, những trung tâm như vậy tại Việt Nam còn khá ít và chưa thực sự phổ biến.

"Trường học thường chỉ dạy các con về lý thuyết, chưa chú trọng tới thực hành. Trong khi đó, để có kỹ năng sinh tồn, phụ huynh phải gửi con tới trung tâm tư nhân. Vì vậy, tôi chỉ có thể cho con tham gia vào mùa hè, kể cả bơi cũng vậy.

Trong năm học, các cháu phải học thêm những môn khác và không có thời gian. Vì thế, hiệu quả mà cháu nhận được từ việc học những kỹ năng này là chưa cao, vì không thể thực hành thường xuyên", chị Hiền Anh - người có con học lớp 5 tại Hà Nội nói.

Trong khi đó, chị Thuỷ Tiên - một phụ huynh khác, cho rằng, do còn nhỏ, nên rất có thể con sẽ khó tiếp thu được những kiến thức về kỹ năng sinh tồn. 

"Tôi cũng rất lo ngại nếu con bị thương trong quá trình học. Ở nhà, gia đình tôi cũng rất chăm chút và bao bọc con. Vì thế, vợ chồng tôi chưa từng nghĩ tới chuyện cho con học kỹ năng sinh tồn", chị nói thêm.

Ngày 12/8/2018, Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường (CEACE) phối hợp với Trung tâm Hướng dẫn hoạt động Thiếu nhi Trung ương và Trung tâm Đào tạo, Tư vấn và Phát triển ABA, tổ chức khóa đào tạo “Kỹ năng sinh tồn cho trẻ em” tại nhà Giáo dục Bảo tồn Vườn thú và Khu sân Chim nước Đà điểu Hà Nội. 

Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc CEACE cho biết, trẻ em Việt rất yếu kỹ năng sinh tồn, hay còn gọi là kỹ năng bảo vệ bản thân. Khi sinh ra con người đã xuất hiện bản năng sống, sinh tồn, nhưng để biến nó trở thành kỹ năng, phương thức tồn tại thì phải được giáo dục, rèn luyện bài bản, nghiêm túc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

U23 Việt Nam được AFC ngợi khen sau chiến thắng ấn tượng trước Kuwait.

AFC khen ngợi tuyển U23 Việt Nam

GD&TĐ - Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đăng tải bài viết nhận xét về kết quả màn so tài giữa U23 Việt Nam và U23 Kuwait.