Con thành “Chúa Chổm”, đau lòng mẹ cha

GD&TĐ - Không cần tài sản có giá trị, chỉ cần thẻ sinh viên, chứng minh thư nhân dân hoặc bằng lái xe là có thể đến bất cứ một tiệm cầm đồ nào để vay tiền.

Con thành “Chúa Chổm”, đau lòng mẹ cha

Giao dịch quá đơn giản này khiến nhiều người bỗng chốc trở thành con nợ khi mà lãi suất ở các tiệm cầm đồ luôn cao hơn nhiều lần so với mức Nhà nước quy định, trong đó có không ít bạn trẻ đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Cái giá của sự ham chơi

Cậu con trai của gia đình chị Nguyễn Thị Hà (Đô Lương) đang theo học tại một trường cao đẳng ở thành phố Vinh. Vì cháu ở với dì ruột nên lâu nay gia đình không lo lắng gì. 

Bỗng một ngày gia đình nhận được tin nhắn của con với nội dung “con chết mất” - lời lẽ nghe rất khẩn cấp. Hốt hoảng, cả nhà chị về Vinh, tìm mọi cách để liên lạc với con.

Sau hơn một ngày tìm kiếm, cuối cùng mới tìm thấy cháu đang trốn trong nhà trọ do bạn thuê, thuộc khu nhà trọ phía sau núi Quyết. Hỏi lý do vì sao thì được biết: Do ham cá độ nên cậu con trai đem thẻ sinh viên ra tiệm cầm đồ vay 20 triệu đồng. 

Nhưng càng đánh càng thua, chẳng những không có tiền để trả, lại còn thêm gánh nặng “lãi mẹ đẻ lãi con”, sau hơn một năm, số nợ đã lên đến 40 triệu đồng. Gần một tuần nay, cháu bị những người ở tiệm cầm đồ lùng sục để đòi nợ, chúng còn dọa sẽ báo với nhà trường.

Các tiệm cầm đồ mọc khắp nơi đang là mối đe dọa không nhỏ cho cuộc sống của học sinh, sinh viên. Không thể tin được, chỉ một thành phố nhỏ như thành phố Vinh nhưng có đến 392 cơ sở dịch vụ cầm đồ có đăng ký. 

Ngoài ra, còn có hàng chục cơ sở khác trá hình dưới các hình thức như dịch vụ Internet, game… Nhiều nhất trong số đó tập trung xung quanh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Những địa bàn tập trung nhiều sinh viên, học sinh sinh sống như Bến Thủy, Trung Đô, Hà Huy Tập, Hưng Lộc,… mỗi nơi có chừng 20 - 30 cơ sở dịch vụ cầm đồ.

Trung tá Lê Thanh Hải - Phó Trưởng Công an phường Bến Thủy (Vinh) cho biết: Tình trạng học sinh, sinh viên cầm đồ rồi bị đòi nợ không phải là hiếm. 

Trên địa bàn phường Bến Thủy, tuy không có trường hợp nào phải tiến hành khởi tố hoặc xử lý theo vụ việc nhưng mỗi năm đơn vị cũng phải giải quyết vài ba tình huống mâu thuẫn do cho vay nặng lãi. 

Gần đây nhất là một sinh viên ở Trường Đại học Vinh vì nợ của tiệm cầm đồ 40 triệu đồng nên em thường xuyên bị những người đòi nợ gây áp lực. 

Cùng đường, mẹ của em ở huyện Thanh Chương phải xuống xin Công an phường can thiệp vì số lãi quá lớn, gia đình nghèo không có khả năng chi trả. 

Bản thân chị chỉ là mẹ kế, bố ruột của cậu sinh viên này lại đã qua đời. Sau khi biết rõ sự tình, Công an phường đã mời người của tiệm cầm đồ đến nói chuyện, phải thương lượng mãi họ mới đồng ý để gia đình chỉ phải trả 20 triệu đồng tiền gốc. Để có tiền lo cho con, chị phải về quê bán con trâu, tài sản lớn nhất của gia đình.

Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Tình trạng tiệm cầm đồ mọc quá dày ở quanh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã gây nhiều áp lực trong việc quản lý học sinh, sinh viên của các nhà trường. 

Ông Phạm Công Lý - Trưởng phòng Công tác Chính trị - học sinh, sinh viên (Trường Đại học Vinh) - thừa nhận: Mặc dù nhà trường thường xuyên nhắc nhở, lên án những sinh viên cầm đồ và có quy chế kỷ luật rõ ràng, nhưng việc sinh viên cầm đồ vẫn diễn ra khá phổ biến và trường không kiểm soát nổi.

Thông tư số 33/2010/TT-BCA ngày 5/10/2010 của Bộ Công an quy định về dịch vụ cầm đồ rất chặt chẽ, nhưng thực tế, giao dịch ở các tiệm cầm đồ hiện nay diễn ra khá đơn giản. Đối tượng là học sinh, sinh viên lại càng dễ vì chủ cầm đồ chỉ cần một giấy tờ tùy thân để biết các thông tin về khoa, lớp, quê quán. 

Đối tượng này cũng rất ít khi bỏ trốn bởi rất sợ bị báo lên nhà trường hoặc về gia đình. Đợt thanh kiểm tra vào tháng 9 mới đây của đội Quản lý hành chính (Công an thành phố Vinh) cho thấy, trong số 9 vụ việc bị xử lý về vi phạm kinh doanh cầm đồ thì tài sản cầm cố bị phát hiện nhiều nhất vẫn là các loại giấy tờ liên quan đến cá nhân, trong đó có 358 thẻ sinh viên, 411 giấy chứng minh nhân dân, 48 bằng lái xe, 23 giấy đăng ký lái xe, 23 sổ vay tiền, trong đó phần lớn là của học sinh, sinh viên.

Thiết nghĩ, bên cạnh việc các trường học tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quản lý học sinh, sinh viên để các em biết được những mặt trái của tiệm cầm đồ và có hình thức xử lý thích hợp đối với những em vay nợ quá nhiều, các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh công tác kiểm tra, theo dõi hoạt động của các cơ sở cầm đồ, những trường hợp vi phạm phải xử phạt thích đáng, thậm chí phải rút giấy phép kinh doanh nếu phát hiện dấu hiệu cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô Nguyễn Thị Thanh Vân, Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, Hải Phòng) trong giờ dạy Khoa học tự nhiên.

Tiến triển trong dạy học môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, nhiều nhà trường khẳng định việc dạy học môn tích hợp, đặc biệt môn Khoa học tự nhiên đã có những tiến triển tích cực.