Con tàu có công nghệ tiên tiến và nguy hiểm nhất trong Hải quân Mỹ

GD&TĐ -Khu trục hạm tàng hình USS Zumwalt bắt đầu lắp đặt những hệ thống cần thiết, sẵn sàng cho việc được trang bị vũ khí siêu thanh.

Chiến hạm USS Zumwalt.
Chiến hạm USS Zumwalt.

Theo USNI News, hiện chiến hạm USS Zumwalt đã đến xưởng đóng tàu Mississippi để bắt đầu lắp đặt các nâng cấp công nghệ cần thiết để mang và bắn vũ khí siêu thanh.

"Việc nâng cấp sẽ đảm bảo Zumwalt vẫn là một trong những con tàu có công nghệ tiên tiến và nguy hiểm nhất trong Hải quân Mỹ và thế giới", Hải quân Mỹ cho biết.

Dù việc lắp đặt những hệ thống kỹ thuật cần thiết lên USS Zumwalt đang được tiến hành những Hải quân Mỹ thừa nhận, hiện nay lực lượng này chưa có loại vũ khí siêu thanh để trang bị cho Zumwalt.

"Hải quân có kế hoạch thực hiện cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh từ tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Zumwalt vào tháng 12/2025", Đại úy Tyson Young thuộc văn phòng điều hành chương trình Hệ thống Chiến đấu Tích hợp Zumwalt cho biết.

Theo Cơ quan Kiểm tra và Đánh giá Hoạt động của Hải quân Mỹ (DOT&E), để có thể phóng tên lửa siêu thanh, USS Zumwalt, chiếc đầu tiên thuộc lớp chiến hạm cùng tên phải thực hiện "đại phẫu".

Hai bệ pháo 155 mm trước thượng tầng sẽ bị tháo bỏ và thay thế bằng 4 ống phóng thẳng đứng. Mỗi ống chứa được 3 Phương tiện Lướt Siêu thanh (C-HGB), cho phép USS Zumwalt mang được tổng cộng 12 tên lửa siêu thanh.

USS Michael Monsoor, chiếc thứ hai trong lớp Zumwalt, cũng sẽ được trang bị số tên lửa tương tự. Tuy nhiên chưa rõ chiếc cuối cùng là USS Lyndon B. Johnson có được lắp đặt tên lửa C-HGB trong quá trình hoàn thiện hay không.

Vũ khí siêu thanh có tốc độ từ Mach 5 trở lên, có tầm bắn và khả năng cơ động cao hơn so với tên lửa đạn đạo, giúp nó có thể xuyên thủng lớp phòng thủ tên lửa của đối phương.

Tốc độ lớn, khả năng cơ động và đường bay thấp trong khí quyển khiến vũ khí siêu thanh rất khó bám bắt và đánh chặn so với tên lửa đạn đạo truyền thống, đặt ra thách thức lớn với mọi lưới phòng thủ của đối phương.

C-HGB là dự án hợp tác của Hải quân và Lục quân Mỹ, bao gồm đầu đạn, hệ thống dẫn đường và tấm chắn nhiệt, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò nền tảng cho tên lửa tấn công siêu vượt âm của Quân đội Mỹ.

Các quân chủng của nước này đều đang phát triển vũ khí siêu thanh phù hợp với đặc thù hoạt động của mình. Hiện mọi việc mới chỉ dừng lại ở những vụ thử đầu tiên.

Khu trục hạm tàng hình lớp Zumwalt được coi là một trong những dự án quân sự tốn kém nhất lịch sử Mỹ, nhưng lại gây thất vọng với hàng loạt lỗi thiết kế, đội giá và chậm tiến độ.

Clip USS Zumwalt lần đầu phóng tên lửa đánh chặn.

Hải quân Mỹ ban đầu định sử dụng lớp Zumwalt để tấn công các mục tiêu ven biển bằng Hệ thống Pháo Tiên tiến (AGS) cỡ 155 mm.

Nhưng đạn pháo dẫn đường tầm xa (LRLAP) cho AGS quá đắt đỏ, với giá gần 1 triệu USD/quả trong khi độ chính xác bị cho là kém tên lửa dẫn đường khiến Hải quân Mỹ từ bỏ pháo AGS và dùng vũ khí siêu thanh thay thế.

Với những lần lỗi hẹn của Zumwalt, sẽ không quá bất ngờ nếu chúng không phóng được tên lửa siêu thanh đúng thời điểm công bố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.