Trường ĐH Y Dược TPHCM tổ chức “Hội thảo và tập huấn về biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe: Từ bằng chứng khoa học đến phát triển chính sách”, sự kiện diễn ra trong 3 ngày (16,17,18/4)
Hội thảo có sự tham dự của các chuyên gia quốc tế đến từ ĐH Queensland, Úc, ĐH Griffith, Úc, ĐH Sun-Yat-sen, Trung Quốc, đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới, các tổ chức phi chính phủ, và đại diện Cục quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế, các nhà nghiên cứu, chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực sức khỏe môi trường đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm y tế dự phòng, bệnh viện cùng dự.
Biến đổi khí hậu và ô nhiễm không khí là những vấn đề môi trường ngày càng nghiêm trọng tại Việt Nam. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí có thể gây ảnh hưởng đến nhiều mặt cuộc sống và đặc biệt ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của con người.
Nhiều bằng chứng cho thấy, biến đổi khí hậu dẫn đến gia tăng bệnh truyền nhiễm, làm trầm trọng hoặc tăng tử vong các bệnh mãn tính. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân hàng đầu gây nên các bệnh về hô hấp và đặc biệt ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ em...
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, năm 2016, ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã gây ra hơn 60.000 ca tử vong liên quan đến các bệnh tim mạch, ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và viêm phổi. Tuy nhiên mạng lưới nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí đến sức khỏe tại Việt Nam vẫn chưa được liên kết với nhau chặt chẽ và các bằng chứng khoa học về chủ đề này vẫn chưa được cập nhật nhanh chóng.
Hội thảo là dịp tăng cường hợp tác giữa các nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách ở Việt Nam cũng như quốc tế, thông qua chia sẻ kinh nghiệm, kết quả nghiêm cứu cũng như thành lập mạng lưới hợp tác nghiên cứu về biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí và sức khỏe. Mạng lưới với tên gọi VCAN (Vietnam Climate change Ail pollution research Network), mang hàm ý “Việt Nam có thể làm được”.
Đây sẽ là nơi các nhà khoa học về sức khỏe môi trường và các nhà hoạch định chính sách thông nhất hợp tác thực hiện các nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn giúp Việt Nam giảm nhẹ và thích ứng với các tác động của biến đổi khí hậu, ô nhiễm không khí lên sức khỏe người dân Việt Nam.