Con số gây sốc về vai trò dự trữ của đồng USD

GD&TĐ - Theo chuyên gia, trong năm ngoái, tỷ lệ dự trữ toàn cầu của đồng USD giảm nhanh gấp 10 lần so với 20 năm trước.

(Ảnh: Getty Images)
(Ảnh: Getty Images)

Giám đốc điều hành Stephen Jen của công ty quản lý tài sản Eurizon có trụ sở tại London, Anh cảnh báo các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã đẩy nhanh quá trình rời xa đồng USD trên toàn thế giới.

Ông Jen cho biết, trong năm ngoái, tỷ trọng của USD trong dự trữ toàn cầu đã giảm nhanh gấp 10 lần so với 2 thập kỷ qua.

Quá trình này bắt đầu khi một số quốc gia tìm kiếm các giải pháp thay thế sau khi thấy tài sản của Nga bị đóng băng ở nước ngoài và nước này bị cắt khỏi hệ thống nhắn tin tài chính toàn cầu SWIFT.

Ông Jen và đồng nghiệp Eurizon Joana Freire nhấn mạnh, sau khi điều chỉnh cho những biến động tỷ giá hối đoái “khủng khiếp” vào năm ngoái, đồng USD đã mất khoảng 11% thị phần kể từ năm 2016 và từ năm 2008, tỷ lệ này đã tăng gấp 2.

“Đồng USD đã phải chịu một sự sụp đổ đáng kinh ngạc vào năm 2022 về thị phần với tư cách là một loại tiền tệ dự trữ, có lẽ là do việc sử dụng các biện pháp trừng phạt một cách thô bạo” – theo các chuyên gia trên nhận định.

Họ giải thích, các hành động đặc biệt của Mỹ và các đồng minh chống Nga đã khiến các nước nắm giữ dự trữ lớn phải giật mình, hầu hết trong số đó là các nền kinh tế mới nổi.

Các chuyên gia cho biết đồng bạc xanh hiện chiếm khoảng 58% tổng dự trữ toàn cầu, giảm từ mức 73% vào năm 2001 khi nó là tiền “dự trữ bá quyền không thể tranh cãi”.

Trung Quốc và Ấn Độ đang nỗ lực sử dụng đồng tiền riêng của mình để giải quyết thương mại quốc tế, trong khi Nga bắt đầu chấp nhận thanh toán cho hàng xuất khẩu của mình từ một số quốc gia bằng đồng rúp và nhân dân tệ của Trung Quốc.

Đầu tuần này, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva kêu gọi các quốc gia đang phát triển tránh xa đồng USD để ủng hộ đồng tiền của chính họ.

Sau những bình luận của ông Lula, Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen thừa nhận rằng vai trò của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ thế giới có thể giảm đi.

Nguyên nhân là do Washington sử dụng đòn bẩy của mình đối với hệ thống tài chính toàn cầu để theo đuổi các mục tiêu địa chính trị thông qua các biện pháp trừng phạt.

Theo RT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ