“Tòa án đang trong quá trình giải quyết vụ việc thì người cho mượn tiền đã tự ý tháo dỡ nhà của tôi. Họ đã đẩy gia đình tôi vào cảnh màn trời chiếu đất”. Bà Cao Thị Ích ở thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An trình bày hoàn cảnh như vậy trong đơn gửi Báo Người Lao Động.
Bị đuổi ra khỏi nhà
Theo bà Ích, vào tháng 11-2013, con trai bà là anh M.T.T có về nhà xin vợ chồng bà cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho khu đất có nhà ở khu phố 4, thị trấn Đông Thành. Căn nhà là nơi tá túc của 7 người trong gia đình bà Ích do ông Mai Văn Châu (chồng bà Ích, cha ruột của anh T.) đứng tên. Thương con, lại nghe anh T. nói cần tiền để làm ăn nên vợ chồng bà đồng ý cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cứ tưởng con sẽ thế chấp tại ngân hàng để vay tiền, không ngờ T. đi vay nặng lãi bên ngoài.
Theo giấy mượn tiền lập năm 2013, bên mượn tiền là anh T. và vợ chồng bà Ích mượn số tiền 160 triệu đồng của ông N.V.G ở Long An, thời hạn 3 tháng, lãi suất 5%/tháng, trả lãi vào đầu tháng. Giấy mượn tiền ghi rõ “để làm tin, bên mượn có thế chấp cho bên cho mượn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do ông Mai Văn Châu đứng tên”. Điều khoản ràng buộc là nếu quá 3 tháng mà bên mượn tiền không trả tiền gốc hoặc quá 2 tháng liên tiếp mà không đóng lãi thì bên cho mượn tiền được bên mượn tiền ủy quyền quản lý, sử dụng, ký chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp... đối với bất động sản nói trên.
Gia đình bà Cao Thị Ích lâm vào cảnh màn trời chiếu đất khi chủ nợ tự ý tháo dỡ nhà
Ngoài giấy mượn tiền, hai bên còn có hợp đồng công chứng, ủy quyền các nội dung như trong giấy mượn tiền. Bà Ích cho biết 2 tháng sau, con bà có trả tiền gốc cho ông N.V.G 20 triệu đồng, sau đó ngưng trả đến nay. Ông G. đã nhiều lần đến nhà buộc trả nợ hoặc giao nhà đất. Vợ chồng bà đã già yếu, chồng bà là thương binh 3/4, lại bị bệnh tim nên không có tiền để trả nợ cho con. Qua điện thoại, T. có nói “ba mẹ cứ để đó con lo, sẽ lấy lại sổ đỏ trả lại cho ba mẹ” nhưng lại bặt vô âm tín. Cho rằng mình không trực tiếp vay tiền, chỉ cho con trai mượn sổ đỏ nên không có trách nhiệm trả nợ, gia đình bà Ích đã làm đơn khởi kiện đến TAND huyện Đức Huệ.
Trong khi chờ TAND huyện Đức Huệ xét xử vụ kiện thì khoảng một tháng nay, phía ông G. đã làm áp lực bằng cách cho người đến đập phá đồ đạc, buộc gia đình bà phải giao nhà, đất. Ngày 18-6, ông G. đến yêu cầu vợ chồng bà và con cháu ra khỏi nhà rồi tự động khóa cửa, buộc gia đình bà phải trú tạm ngoài mái hiên. Ngày 21-6, ông G. kêu xe đến đổ cát đá chắn trước cửa nhà. Đỉnh điểm là vào ngày 28-6, ông G. cho khoảng 10 người đến tháo dỡ mái tôn, vách nhà. Trong những ngày “bám trụ”, gia đình bà Ích luôn bị phía ông G. đe dọa nếu không ra khỏi nhà, sẽ xảy ra án mạng!
Giấy ủy quyền có thể bị vô hiệu
Ông Trần Văn Bình, Chủ tịch UBND thị trấn Đông Thành, cho biết ngày 28-6, ngay khi tiếp nhận phản ánh của bà Ích, ông Bình đã trực tiếp đến hiện trường giải quyết vụ việc, lập biên bản đình chỉ việc tháo dỡ. “Vụ tranh chấp của bà Ích đã được UBND thị trấn hòa giải nhiều lần. Tại một lần hòa giải, ông Th. (người được ông G. bán lại nhà đất từ giấy ủy quyền của gia đình bà Ích khi mượn tiền) đề nghị bà Ích chuộc lại sổ đỏ với giá 600 triệu đồng trong thời hạn 10 ngày, bà Ích không đồng ý. Còn việc tự ý tháo dỡ nhà bà Ích là hành vi trái pháp luật. UBND thị trấn đã đề nghị ông G. khôi phục lại hiện trạng ban đầu, đồng thời đề nghị cơ quan công an xem xét hành vi tháo dỡ nhà bà Ích để xử lý theo quy định pháp luật” - ông Trần Văn Bình nói.
Người cho mượn tiền đã gỡ mái tôn, vách, di dời vật dụng nhà bà Ích ra ngoài và rào lại
Theo luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư TP HCM, hành vi tự ý tháo dỡ nhà khi chưa có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là trái pháp luật. Hành vi này có dấu hiệu của tội xâm phạm chỗ ở của công dân, tội hủy hoại tài sản của người khác. Đối với giấy ủy quyền, luật sư Nguyễn Văn Cường cho rằng giấy ủy quyền này có thể bị vô hiệu theo điều 129 Bộ Luật Dân sự vì theo nội dung giấy mượn tiền do hai bên xác lập, thực chất của việc “ủy quyền” này là “thế chấp” và việc “thế chấp” quyền sử dụng đất chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký thế chấp tại cơ quan có thẩm quyền.
Công an không nhận được phản ánh (!?)
Bà Ích khẳng định ngày 28-6, khi ông G. cho người đến tháo dỡ mái tôn, vách và buộc gia đình bà phải ra khỏi nhà, bà có trình báo Công an thị trấn Đông Thành, Công an huyện Đức Huệ nhưng không nhận được sự can thiệp kịp thời của các cơ quan này.
Ngày 4-7, trả lời về việc này, Công an thị trấn Đông Thành đề nghị phóng viên liên lạc với Công an huyện Đức Huệ. Đến Công an huyện Đức Huệ, phóng viên được trả lời là từ trước đến giờ chưa nhận được phản ánh của bà Ích. “Công an huyện sẽ đề nghị Công an thị trấn báo cáo vụ việc rồi mới trả lời cho báo chí” - đại diện Công an huyện Đức Huệ nói.