Khái niệm “singularity” lần đầu tiên được sử dụng để bàn về trí thông minh nhân tạo do nhà toán học John von Neumann nói tới trong những năm 1950. Khi xảy ra thời điểm "Singularity", các máy tính sẽ có thể tự nhận thức được thông qua trí thông minh tiên tiến và các điểm chung giữa người và máy tính sẽ giúp loài người tiến hóa.
Tiến bộ sinh học có thể trở nên rất tinh vi đến mức các bác sĩ thậm chí có thể thiết kế ra trí thông minh của con người. Ray Kurzweil - Giám đốc Kỹ thuật của Google dự đoán thời điểm kỳ dị "Singularity" sẽ xảy ra trong 12 năm tới, và khi đó con người sẽ biến thành siêu nhân. Từ những năm 1990, ông Kurzweil đã đưa ra tổng cộng 147 dự đoán về sự thay đổi lớn trong khoa học công nghệ của loài người, và 86% dự đoán đó đã trở thành sự thật.
Cấy máy tính vào não bộ con người.
Theo các chuyên gia Google, tới năm 2029 con người sẽ mạnh hơn, thông minh hơn và gợi cảm hơn, khi máy móc bắt đầu có thể được cấy vào não bộ. Phát biểu tại Hội nghị SXSQ ở Austin, Teexas (Mỹ), Giám đốc Kurzweil - tự nhận mình theo trường phái vị lai, luôn tán dương thế giới hiện đại, đặc biệt là văn minh đô thị, máy móc và vận tốc - dự đoán công nghệ Singularity sẽ xảy ra vào năm 2029, khi đó máy móc sẽ có sự thông minh của loài người.
Ông cho biết khi chúng ta sống trong một xã hội mà máy móc thông minh hơn loài người và điều khiển mọi thứ, chúng ta sẽ đưa được máy tính vào trong não bộ. Việc đó đã và đang xảy ra với nền kỹ thuật hiện tại, đặc biệt là khi con người đang quá phụ thuộc vào điện thoại thông minh.
Tuy nhiên Kurzweil lại không hề cảm thấy hoang mang trước việc robot thông minh có thể đe dọa sự sống của loài người. Trái ngược lại, ông còn tin rằng việc cấy máy tính vào não bộ con người sẽ giúp "cải thiện" bản thân. Ông giải thích: "Chúng tôi sẽ có vùng vỏ não (khu vực chịu trách nhiệm về các kỹ năng và thói quen) nhiều hơn, chúng ta hài hước, cảm thụ âm nhạc tốt hơn và gợi cảm hơn, sẽ đem mọi giá trị con người đang sở hữu lên một tầm cao mới". Thay vì việc nghĩ máy móc sẽ thay thế con người thống trị thế giới, Kurzweil tin rằng loài người sẽ tạo ra một quy trình hợp nhất máy móc - con người.
Từ nhiều thập kỷ nay, các tiểu thuyết khoa học viễn tưởng đã nhắc đến hiện tượng con người bị kiểm soát suy nghĩ, hay còn gọi là bị tấn công não bộ. Và với sự tiến bộ của công nghệ cấy ghép, khả năng này cũng trở nên gần với hiện thực hơn.
Nhân loại đang sống trong một thế giới của sự kết nối, nơi các thiết bị điện toán không dây được sử dụng rất rộng rãi và phổ biến. Một mặt, chúng phục vụ chúng ta đắc lực, nhưng mặt khác, chúng cũng đẩy ta vào thế dễ bị tấn công hơn. Gần như mọi loại thiết bị đều có thể bị hack (chiếm quyền điều khiển), trên lý thuyết, từ ô tô cho đến bóng đèn, máy tính, cây ATM... Thế nhưng nguy cơ đáng sợ nhất sẽ đến từ các thiết bị cấy ghép thần kinh.
"Khi các thiết bị cấy ghép trở nên rẻ hơn, được dùng nhiều hơn trong điều trị và có nhiều tính năng hơn, số lượng bệnh nhân cấy ghép cũng tăng lên. Nhưng mặt trái là nguy cơ tấn công cũng tăng lên. Lấy thí dụ, kẻ khủng bố có thể làm gì nếu truy cập được vào suy nghĩ của một chính trị gia, hoặc chúng có thể tống tiền bạn nếu thay đổi hành vi, suy nghĩ của nạn nhân", các chuyên gia của Đại học Oxford, Anh cảnh báo. Theo họ, con người cần phải chuẩn bị đối phó với nguy cơ bị "xâm nhập não", tức là tin tặc tấn công vào não chúng ta và kiểm soát toàn bộ suy nghĩ, hành động.
Tin tặc tấn công não người qua các thiết bị cấy ghép thần kinh.
Laurie Pycroft, một nghiên cứu sinh tại Đại học Oxford đã mô tả cách thức mà hacker có thể điều khiển từ xa người khác thông qua việc chiếm quyền điều khiển các thiết bị cấy ghép y tế này. Chẳng hạn như các thiết bị kiểm soát nồng độ insulin (trong người tiểu đường) hoặc máy điều hòa nhịp tim có thể bị xâm nhập dễ dàng, từ đó dẫn đến nguy cơ chết người. Dạng thức cấy ghép não phổ biến nhất hiện nay chính là hệ thống mô phỏng bộ não DBS.
Hệ thống này gồm các điện cực được nhúng vào sâu bên trong bộ não, kết nối với một số dây dẫn bên dưới bề mặt da để truyền tín hiệu đến và đi từ một thiết bị mô phỏng (cũng được cấy ghép trên cơ thể). Thiết bị mô phỏng này gồm có pin, một vi xử lý tí hon cùng ăngten kết nối không dây, cho phép các bác sĩ lập trình hoạt động và chức năng của nó. Lấy thí dụ, nó có thể vận hành như một thiết bị điều hòa nhịp tim, với sự khác biệt duy nhất là nó được tiếp xúc trực tiếp với não.
Ở khía cạnh tích cực, DBS là một công cụ tuyệt vời, có thể sử dụng để điều trị rất nhiều hội chứng rối loạn khác nhau. Thiết bị được dùng phổ biến nhất để điều trị bệnh Parkinson (liệt rung) và cho ra những kết quả đáng kinh ngạc. Hiện giới y học cũng đang thử nghiệm dùng DBS để điều trị trầm cảm.
Việc nhắm đến các vùng não khác nhau bằng những công cụ giả lập tín hiệu thần kinh khác nhau sẽ giúp bác sĩ kiểm soát chính xác não bộ bệnh nhân, từ đó điều trị chính xác các triệu chứng nguy hiểm. Thế nhưng cũng chính năng lực kiểm soát chính xác não bộ này, kết hợp với hệ thống thiết bị giả lập điều khiển không dây, lại tiềm ẩn nguy cơ bị tin tặc khai thác. Chẳng hạn như chúng có thể thay đổi cài đặt mô phỏng, khiến cho bệnh nhân bị đau khủng khiếp hơn trong thực tế. Hoặc một bệnh nhân Parkinson có thể bị phong tỏa hoàn toàn khả năng di chuyển.
Tất nhiên, những vụ tấn công này sẽ khó thực hiện vì chúng đòi hỏi kỹ năng công nghệ cực kỳ cao, cùng với khả năng theo dõi bệnh nhân chặt chẽ trong một thời gian đủ dài. Nhưng nếu kẻ tấn công đủ quyết tâm, chúng vẫn có thể đạt được mục đích.
Có một số giải pháp có thể giúp cho các thiết bị cấy ghép chống lại nguy cơ tấn công, nhưng việc thiết kế ra một hệ thống "tuyệt đối an toàn" sẽ rất khó sử dụng trong thực tế, và nó đòi hỏi nhà sản xuất phải đánh đổi.
Các thiết bị cấy ghép có kích cỡ rất nhỏ, dung lượng pin hạn chế nên việc trang bị cho chúng các hàng rào bảo mật nghiêm ngặt là vô cùng khó. Hơn nữa, chúng phải được thiết kế để các nhân viên y tế dễ dàng tiếp cận trong tình huống khẩn cấp, nên một hình thức kiểm soát kiểu "cửa hậu" gần như là bắt buộc phải có.