Con người là nguyên nhân chính khiến sư tử núi tử vong

GD&TĐ - Sư tử núi được bảo vệ khỏi nạn săn bắn ở California (Mỹ) theo một đạo luật thông qua vào năm 1990.

Sư tử núi có nguy cơ tử vong do con người cao hơn khi chúng ở gần vùng nông thôn phát triển.
Sư tử núi có nguy cơ tử vong do con người cao hơn khi chúng ở gần vùng nông thôn phát triển.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu phát hiện, tỷ lệ tử vong ở sư tử núi chủ yếu là do liên quan đến xung đột với con người về vật nuôi và va chạm với phương tiện giao thông. Phát hiện được công bố vào ngày 20/3 trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia.

Hầu hết các nghiên cứu về sư tử núi được tiến hành ở quy mô tương đối nhỏ. Điều này làm hạn chế hiểu biết về tỷ lệ tử vong do con người gây ra trên các khu vực rộng lớn mà sư tử núi xuất hiện.

Để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học từ nhiều trường đại học, cơ quan chính phủ và tổ chức tư nhân đã hợp tác. Nhờ đó, hiểu rõ hơn về cái chết do con người gây ra cho sư tử núi trên toàn tiểu bang California.

Nhóm đã theo dõi gần 600 con sư tử núi ở 23 khu vực nghiên cứu khác nhau, từ dãy núi Sierra Nevada, rừng đỏ phía Bắc, phía Bắc San Francisco, TP Los Angeles và một số nơi khác.

Ông John Benson - Phó Giáo sư tại Trường Đại học Nebraska-Lincoln (Mỹ), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết: “Các nhà nghiên cứu cần hợp tác trên những khu vực địa lý rộng lớn. Từ đó, hiểu rõ hơn về quá trình và số lượng của sư tử núi”.

Benson và các đồng nghiệp phát hiện, sư tử núi có nguy cơ tử vong do con người cao hơn khi chúng ở gần vùng nông thôn phát triển. Ngoài ra, sư tử núi ít có khả năng chết ở những khu vực có tỷ lệ cử tri ủng hộ sáng kiến bảo vệ môi trường cao.

“Các nhà sinh thái học tin rằng, khả năng chịu đựng của con người là rất quan trọng để bảo tồn những loài thú ăn thịt lớn. Tuy nhiên, rất hiếm khi dữ liệu về khả năng chịu đựng được đưa vào các mô hình mà chúng tôi sử dụng để hiểu nguy cơ tử vong”, nhà nghiên cứu Benson cho biết.

Trong khi đó, Tiến sĩ Kyle Dougherty - một trong các tác giả nghiên cứu, chia sẻ: “Những con sư tử núi đực non thường di chuyển và sinh sản ở khu vực cách xa so với nơi chúng được sinh ra. Chúng chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì gen giữa các quần thể”.

Theo các nhà khoa học, nghiên cứu mới về sự sống và nguy cơ tử vong của sư tử núi tại California mở đường cho sự hiểu biết tốt hơn về loài vật này.

Justin Dellinger - nhà sinh vật học tại Trường Đại học California-Davis, đồng tác giả của nghiên cứu mới, cho biết: “Chúng tôi có xu hướng tập trung vào sự sống sót của những con cái trưởng thành. Bởi, chúng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự tăng trưởng hoặc suy giảm của từng quần thể”.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ