Theo nhiều nghiên cứu khoa học, siêu năng lực là có thật. Con người có thể không mọc ra móng vuốt như Người Sói trong series phim giả tưởng X-Men hay có thể bắn ra những tia laser từ mắt như trong những bộ phim khoa học viễn tưởng. Tuy nhiên, cơ thể và bộ não của chúng ta có tiềm năng thực hiện nhiều hành động siêu phàm.
Siêu năng lực có thể xuất hiện thông qua đột biến gen. Ví dụ, người Sherpa, sống tại dãy Himalaya, đã thích nghi với độ cao nhờ bộ gen đã thay đổi theo hướng tăng cường sức mạnh và sức bền của họ. Tuy nhiên, một số siêu năng lực khác có thể có được nhờ luyện tập.
Các nhà khoa học mới bắt đầu tìm hiểu những gì diễn ra bên trong cơ thể và tâm trí của những con người có khả năng khác thường. Họ phát hiện ra rằng bên cạnh một số người mang lợi thế về gen, thì hầu hết người bình thường đều có những tiềm năng chưa được khai thác.
Dưới đây là một số siêu năng lực ghi nhận ở con người.
Siêu can đảm
Huyền thoại leo núi Alex Honnold là người đầu tiên trên thế giới chinh phục những vách núi đá cao đến 900m bằng tay không. Những bức ảnh nhà leo núi này bám tay không trên những vách núi cao chót vót, không đồ bảo hộ, khiến không ít người cảm thấy sợ hãi.
Năm 2016, các nhà khoa học thuộc Trường Y Đại học Nam Carolina, Mỹ, đã tiến hành một cuộc điều tra não bộ Alex. Họ đưa Alex qua máy quét fMRI xem não bộ anh phản ứng thế nào với những kích thích sợ hãi.
Kết quả, Alex thuộc nhóm người đặc biệt trên thế giới. Trong khi hầu hết não bộ của con người đều phản ứng với sợ hãi, kích thích thì bộ não của Alex hoàn toàn yên lặng. Về mặt cấu trúc, bộ não của Alex hoàn toàn bình thường.
Các nhà khoa học cho rằng, đây là siêu năng lực mà người bình thường có thể luyện tập để đạt được bằng phương pháp điều hòa trí óc. Trước và trong khi đối mặt với sợ hãi, con người có thể tập trung vào việc lập kế hoạch tỉ mỉ cho từng hành động.
Nhà leo núi Alex Honnold sở hữu bộ não không biết sợ. |
Siêu kiên cường
Bà Tatum Simonson, chuyên gia nghiên cứu di truyền và sinh lý học về khả năng thích nghi với độ cao tại Đại học California, Mỹ, cho biết: “Con người vẫn đang tiến hóa”. Và người Sherpa, sống chủ yếu tại Nepal trên dãy Himalaya là một ví dụ về năng lực siêu kiên cường.
Bộ tộc này đã sống hơn 6 nghìn năm ở độ cao trung bình 4,2 nghìn mét so với mực nước biển, nơi có lượng oxy ít hơn khoảng 40%. Do đó, qua một thời gian dài, cơ thể họ đã biến đổi để tìm ra cách tốt nhất đối phó với tình trạng thiếu oxy.
Thông thường, khi lượng oxy giảm, cơ thể con người sẽ sản sinh nhiều tế bào hồng cầu chở oxy tới các cơ. Nhưng các tế bào mới sẽ được sinh ra, làm máu đặc lại, tạo thêm áp lực lên trái tim để bơm máu. Điều này dẫn đến tình trạng say độ cao, thậm chí là tử vong.
Nhưng người Sherpa đã mang một số đột biến gen cho phép họ duy trì lượng hồng cầu ở mức thấp. Ty thể của tế bào, bộ phận sản xuất năng lượng, đã chuyển hóa nhiều oxy thành năng lượng hơn.
Những người Tây Tạng, sống ở độ cao thấp hơn, cũng có siêu năng lực này. Họ vẫn giữ được khả năng duy trì oxy ở mức thấp ngay cả khi xuống biển. Nếu khoa học có thể khám phá ra đột biến gen trên, đây sẽ là thành tựu giúp đỡ những bệnh nhân bị thiếu oxy mãn tính do bệnh hô hấp hoặc tim mạch.
Siêu bơi lội
Một trong những nguyên nhân con người thích các siêu anh hùng là do họ có thể đến những nơi mà chúng ta không thể. Nhưng người Bajau sống ở Philippines, Malaysia và Indonesia cũng làm được điều này. Họ không cần thiết bị lặn vẫn có thể lặn xuống sâu dưới nước. Họ có thể lặn xuống độ sâu lên tới 70m trong vòng 13 phút.
Giống nghư người Sherpa, người Bajau đã biến đổi để sử dụng oxy hiệu quả hơn. Tuy nhiên, họ phải đối mặt với tình trạng thiếu oxy đột ngột nên cơ thể họ đã phát triển cơ chế nhanh hơn.
Theo thời gian, người Bajau hình thành lá lách lớn hơn 50% so với lá lách của người bình thường. Lá lách của họ chứa nhiều hồng cầu mang oxy. Trong khi lặn, lá lách của họ co lại và phóng lượng tế bào dự trữ này vào máu. Điều đó giúp họ có thể lặn sâu và ở dưới nước thời gian dài.
Siêu nhanh nhẹn
Trong sách vở, những sinh vật thần thoại như ma cà rồng, người sói đều di chuyển vô cùng nhanh nhẹn, kết hợp với khả năng giữ thăng bằng, phối hợp và phản xạ phi thường. Trong cuộc sống thực, sự kết hợp giữa di truyền và rèn luyện mang lại cho một số người những “bước đi siêu phàm”.
Kiếm sĩ Isao Machii là một ví dụ. Trong một video trên Internet, khi người ta bắn một viên đạn vào Machii, anh ta có thể chém nó làm đôi giữa không trung chỉ bằng một nhát kiếm. Hay tay súng huyền thoại Bob Munden có khả năng bắn trúng hồng tâm trong chưa đầy 1/10 giây, nhanh hơn thời gian phản ứng của bộ não người bình thường.
Các nhà khoa học vẫn đang nỗ lực tìm hiểu cách hệ thống thần kinh trung ương giúp con người lập kế hoạch và thực hiện những chuyển động phức tạp như vậy một cách vô thức.