Con người có thể biến đổi như thế nào khi dùng nhiều smartphone?

Các nhà khoa học dự đoán con người năm 2100 có thể phát triển hộp sọ dày, bàn tay giống móng vuốt, mắt 4 mí nếu dùng quá nhiều smartphone.

Con người có thể biến đổi như thế nào khi dùng nhiều smartphone?
Mô hình Mindy phản ánh những biến đổi có thể xảy ra với cơ thể người khi dùng nhiều smartphone. Ảnh: Mirror.

Mô hình Mindy phản ánh những biến đổi có thể xảy ra với cơ thể người khi dùng nhiều smartphone. Ảnh: Mirror.

Maple Holistics, công ty Mỹ chuyên về sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tạo ra mô hình 3D mang tên Mindy về con người tương lai dựa trên một số dự đoán khoa học.

Con người vào năm 2100 sẽ có lưng cong gập do ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính ở cơ quan và cổ nghển do thường xuyên xem smartphone. Các cơ cổ cũng phát triển để hạn chế thương tổn từ tư thế xấu trong lúc sử dụng điện thoại.

"Việc dành nhiều giờ cúi nhìn điện thoại gây áp lực cho cổ của bạn và làm cột sống mất thăng bằng", Caleb Backe, chuyên gia về sức khỏe của Maple Holistics, giải thích: "Hệ quả là cơ bắp ở cổ của bạn phải làm việc nhiều hơn để chống đỡ cho đầu. Ngồi trước màn hình máy tính ở cơ quan trong nhiều giờ cũng đẩy thân trên về phía trước thay vì thẳng hàng với hông".

Hộp sọ của Mindy dày lên, giúp bảo vệ bộ não trước bức xạ tần số vô tuyến phát ra từ smartphone, được cho là gây nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Bộ não cũng teo đi theo giả thuyết khoa học gần đây cho rằng lối sống ít vận động làm giảm thể tích não người.

Trong khi đó, tay của Mindy biến đổi thành hình dáng giống móng vuốt quặp chặt và khuỷu tay gập 90 độ do cầm smartphone suốt thời gian dài.

"Cách chúng ta cầm điện thoại có thể gây áp lực ở một số điểm tiếp xúc, tạo ra "bàn tay móng vuốt" và "khuỷu tay 90 độ", còn gọi là hội chứng ống cổ tay", bác sĩ Djordjevic ở công ty Med Alert Help cho biết: "Hội chứng này phát sinh do áp lực hoặc sự kéo căng dây thần kinh trụ chạy trong một rãnh ở mặt trong khuỷu tay. Kết quả là cảm giác tê hoặc đau nhói ở ngón đeo nhẫn và ngón út, đau cẳng tay, tay yếu, khiến khuỷu tay bị cong gập".

Biến đổi cơ thể cuối cùng và có lẽ là kỳ dị nhất ở Mindy là cặp mắt 4 mí để lọc ánh sáng phát ra từ thiết bị công nghệ. Nhà nghiên cứu Kasun Ratnayake ở Đại học Toledo, Ohio, Mỹ, cho rằng sự phát triển này có thể hạn chế lượng ánh sáng có hại mà mắt tiếp xúc.

"Con người có thể phát triển mí mắt bên trong lớn hơn để ngăn tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng, hoặc tròng mắt có thể phát triển để chặn ánh sáng xanh dương nhưng không phải các loại ánh sáng bước sóng cao khác như màu xanh lá cây, vàng và đỏ", Ratnayake nói.

Dù mô hình Mindy có vẻ phóng đại và được thiết kế để gây ấn tượng mạnh, nó vẫn cung cấp hình dung thú vị về tác động của smartphone lên cơ thể người.

"Công nghệ mang đến cho chúng ta tính thuận tiện, kết nối, giải trí và nhiều lợi ích khác, nhưng đi kèm sự đánh đổi. Sử dụng công nghệ quá nhiều đôi khi có thể dẫn tới vấn đề về sức khỏe.

Dù không thể bác bỏ những lợi ích của công nghệ đối với cá nhân và doanh nghiệp, chúng ta vẫn cần cân nhắc tần suất sử dụng để đảm bảo sức khỏe không bị ảnh hưởng về lâu dài", Jason O"Brien, giám đốc điều hành trang TollFreeForwarding.com, nhấn mạnh.

Theo Vnexpress

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ