Con nghỉ học dài ngày mới thấy thương thầy cô nhiều hơn

Con nghỉ học dài ngày mới thấy thương thầy cô nhiều hơn

“Vừa phải đảm bảo công việc tại cơ quan, vừa phải cùng con ôn luyện bài vở vào mỗi buổi tối, nên quãng thời gian này đối với gia đình mình thực sự vất vả”. Đó là những lời tâm sự của chị Hoàng Thu Thảo có con đang học lớp 1 trường Tiểu học Lộc Hạ, Tp. Nam Định.

Các em phải nghỉ học dài ngày để tránh dịch đã khiến nhiều phụ huynh bất đắc dĩ phải trở thành giáo viên “trợ giảng”. Việc rơi vào tâm lý lúng túng bị động là điều không thể tránh khỏi, cũng qua đây mà phụ huynh mới thấu hiểu thêm được những gian truân và vất vả của các thầy cô giáo.

“Những ngày đầu cùng con ngồi vào bàn học bản thân mình hào hứng lắm. Thậm trí có lúc đã chủ quan nghĩ rằng, lứa tuổi học sinh lớp 1 thì kiến thức chỉ dừng lại ở mức độ ghép các vần trong bảng chữ cái hay thực hiện tính toán đơn giản. Thế nhưng chỉ chưa đầy 3 ngày là hai vợ chồng đã tá hỏa vì nhận ra mình đã quan niệm sai lầm”.

Thời gian trước đây việc cùng con học bài là hoạt động thường xuyên đối với nhiều phụ huynh, nhưng dường như đó chỉ là xem lại kiến thức đã được học trên lớp rồi hoàn thiện phần bài tập được giao. Còn đối với lần này, câu chuyện học bài không dừng lại ở mức độ đơn giản là làm bài tập theo mẫu nữa, mà bố mẹ phải giúp con hệ thống lại kiến thức của tất cả các môn học.

Với lứa tuổi học sinh tiểu học, nhất là lớp 1 thì để con có thể nhớ rõ, nắm được và vận dụng kiến thức thành thạo là kỹ năng mà không phải phụ huynh nào cũng có thể làm được.

Thực tế nhìn vào chương trình lớp 1 sẽ thấy, ban đầu các em được học chữ cái, sau đó là ghép các từ rồi hoàn thiện câu văn, dần dà ở mức độ cao hơn là viết chính tả, đọc các bài thơ, các đoạn văn. Với môn toán thì học sinh làm quen với việc đếm số, thực hiện phép tính…

Chỉ sơ qua thôi đã không thể liệt kê hết được những yêu cầu về mặt kiến thức, chưa kể tới việc hoàn thiện kỹ năng, giải đáp thắc mắc của con trẻ về những điều đơn giản mà các em thường gặp trong cuộc sống. Ở lứa tuổi này người dạy học gặp khó khăn nhiều hơn vì học sinh còn nhỏ, mức độ nhận thức còn non nớt.

“Chỉ một đoạn thơ ngắn, cùng vài phép tính đơn giản thế nhưng lần nào hai mẹ con phải loay hoay mất một buổi tối. Đặt cương vị mình là giáo viên, mới cảm thấy thương và cảm thông với thầy cô của con nhiều hơn. Một mình quán xuyến, dạy dỗ mấy chục học trò mà thầy cô vẫn tỉ mỉ và kiên nhẫn giúp các con hiểu bài. Trong khi ở nhà “một cô – một trò” mà nhiều lúc đã thấy bực dọc, mệt mỏi”, chị Thảo kể lại.

Trao đổi với Báo GD&TĐ cô giáo Trần Thị Tâm Đan, giáo viên lớp 1 trường Tiểu học Hải Lý huyện Hải Hậu (Nam Định) tâm sự: “Để nắm bắt tình hình học tập của các em học sinh thì giáo viên chủ nhiệm và gia đình thường xuyên trao đổi thông tin thông qua điện thoại và những trang mạng xã hội. Có không ít lần, mình nhận được những tin nhắn cảm ơn, động viên từ phía phụ huynh của các em. Đối với mỗi một người giáo viên, nếu có được sự cảm thông, thấu hiểu và sẻ chia từ phía các bậc phụ huynh thì áp lực nghề nghiệp vơi bớt đi nhiều lắm. Có như thế, thầy cô giáo mới yêu nghề và yêu trẻ hơn”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ