Con gái mang mẹ lên Ủy ban xã từng mặc kệ mẹ để... về đi cấy

Hình ảnh con gái đưa mẹ lên trụ sở UBND xã nằm nhằm gây "sức ép" với chính quyền giải quyết nội bộ mâu thuẫn gia đình - theo Trưởng Công an huyện Lý Nhân, là phản cảm.

Con gái mang mẹ lên Ủy ban xã từng mặc kệ mẹ để... về đi cấy

Em trai không cho mang hài cốt anh vào nhà làm lễ mai táng

Ngày 4/4, sau 3 ngày nằm lại tại trụ sở UBND xã Nhân Thịnh (Lý Nhân, Hà Nam) để yêu cầu chính quyền nhanh chóng giải quyết những tranh chấp trong gia đình, cụ Nguyễn Thị Lụa (91 tuổi) đã được con cái đón về nhà nhân dịp tết Thanh minh.

Cụ Nguyễn Thị Lụa được Nhà nước công nhận danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng vào năm 2014. Hai liệt sỹ Trần Văn Nghĩa, Trần Văn Bạch là hai con trai lớn của cụ.

Hiện tại, cụ còn 3 người con là ông Trần Văn Ba, bà Trần Thị The và Trần Thị Là. Đây là trường hợp Bà Mẹ Việt Nam anh hùng duy nhất của xã Nhân Thịnh.

Cụ Lụa tại nhà con gái Trần Thị The
Cụ Lụa tại nhà con gái Trần Thị The

Do những mâu thuẫn trong nội bộ gia đình, cụ Lụa đã có lá đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, trong đó viết:

“Tôi còn lại một người con trai là Trần Văn Ba. Vì hai anh trai hi sinh nên Ba không phải đi bộ đội, ở nhà lo chăm sóc bố mẹ già và hương hỏa gia tiên…

Những năm tháng tuổi già lẽ ra được con cái phụng dưỡng, nhưng nào ngờ vợ chồng con trai tôi tự ý hợp thức hóa chủ sở hữu toàn bộ đất đai và căn nhà của cha mẹ thành của mình, rồi đánh đuổi tôi ra khỏi nhà.

Không còn chỗ trú thân, nên con gái út tôi (bà Trần Thị Là – PV) buộc phải đón mẹ về nhà tạm thời sinh sống. Tôi đã ở nhờ nhà con rể từ năm 2012 tới nay”.

Cũng theo nội dung chia sẻ từ cụ Lụa, khi đưa hài cốt hai liệt sỹ Nghĩa và Bạch về, vợ chồng ông Ba nhất quyết không cho mang hài cốt của hai liệt sỹ về nhà làm thủ tục bình thường như các liệt sỹ khác.

Thậm chí, khu lăng mộ của hai vợ chồng cụ Lụa (trong đó có cả phần an nghỉ cho cụ sau này – PV) cũng bị vợ chồng ông Ba đập tan nát toàn bộ phần cụ tu sửa, mang ra sông đổ.

Cụ Lụa cũng cho biết, đó là đỉnh điểm của những mâu thuẫn, nhưng hiện tại chính quyền địa phương và các cấp chính quyền chưa giải quyết theo yêu cầu của cụ.

Chính vì chưa được giải quyết theo yêu cầu của mình, nên từ 01/4 - 03/4, hai con gái của cụ đưa cụ lên trụ sở UBND xã Nhân Thịnh nằm cùng với tấm bằng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng do Nhà nước trao tặng.

Bà Trần Thị Là cũng lên tiếng xác nhận, đây không phải lần đầu bà cùng chị gái đưa mẹ đẻ lên trụ sở UBND xã Nhân Chính nằm cảnh “màn trời chiếu đất”, thậm chí cả trụ sở UBND huyện Lý Nhân.

“Mẹ tôi từng nằm ở trên huyện một ngày, ở đó xong về sau họ lại cho xe ô tô chở về. Tôi cũng bảo kệ, Nhà nước muốn giải quyết thế nào thì giải quyết, tôi còn về đi cấy.

Sau đó tôi làm lều trên Ủy ban xã và đưa mẹ ra nằm đó. Tôi cũng bảo với lãnh đạo xã, bà chết ở đây các ông phải chịu trách nhiệm” – bà Là nói.

Hai chị em bà The (bên trái) và bà Là
Hai chị em bà The (bên trái) và bà Là

Khi chúng tôi tới nhà vợ chồng ông Ba để tìm hiểu thực hư câu chuyện, bà Đông (vợ ông Ba) chỉ vỏn vẹn thông tin: “47 năm bà sống với chúng tôi không có điều tiếng gì”.

Bản thân ông Ba cũng đã lên tiếng xác nhận về việc đập phá đó của mình.

Một số hàng xóm của ông Ba còn cho chúng tôi biết, bà Đông thường xuyên có lời lẽ không hay với mẹ chồng, khiến mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu càng bị đẩy lên cao.

Khi chúng tôi tiếp xúc với cụ Lụa tại gia đình bà The, ước mơ của người mẹ đã ngoài 90 tuổi ấy chỉ là mong sao được về ngôi nhà mà hiện tại vợ chồng ông Ba đang sở hữu, để thắp cho chồng, con nén hương.

Đưa mẹ lên xã nằm là phản cảm

Trao đổi với chúng tôi về sự việc đang khiến chính quyền các cấp từ xã Nhân Chính tới huyện Lý Nhân “đau đầu”, ông Phạm Hoài Nam – Trưởng Công an huyện Lý nhân chia sẻ:

“Đây là vấn đề phản cảm. Việc đưa cụ nằm ở ngoài trời như thế là “đày ải” cụ và tất cả những việc này đều xuất phát từ mâu thuẫn nội bộ.

Cụ Lụa là Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, nên cụ ốm đau hay mất đi, các đoàn thể phải vào cuộc chứ không riêng gì cá nhân ai.

Việc vợ chồng ông Ba xử sự với mẹ như thế cũng là vấn đề chúng ta quan tâm.

Thực tế, các đoàn thể của thôn đã vào giải quyết rất nhiều, nhưng bị vợ ông Ba dùng nhiều từ ngữ không hay nói, nên sự việc chưa được giải quyết tiếp”.

Hiện tại, công an huyện Lý Nhân có hai lực lượng là hình sự và an ninh “nằm vùng” tại địa bàn xã Nhân Thịnh để thu thập tư liệu liên quan tới những mâu thuẫn trong gia đình cụ Lụa và sớm có hướng giải quyết ổn thỏa.

Bởi lẽ, mỗi thành viên trong gia đình cụ đều có lý cho cái gọi là “đúng” của mình.

Cụ Lụa những ngày nằm tại trụ sở UBND xã Nhân Chính
Cụ Lụa những ngày nằm tại trụ sở UBND xã Nhân Chính

Cụ Lụa được công nhận Bà Mẹ Việt Nam anh hùng từ năm 2014. Trước đó, gia đình đã xảy ra nhiều đợt đánh, cãi nhau, công an huyện vì an ninh trật tự nên thường xuyên tham mưu cho chính quyền cơ sở, cấp ủy giải quyết việc này.

Từ ngày cụ được công nhận Bà Mẹ Việt Nam anh hùng thì đây là lần đầu xảy ra việc đưa cụ lên trụ sở UBND xã.

Việc này nếu tiếp tục xảy ra, chính quyền không còn thời gian làm việc, an ninh trật tự ảnh hưởng.

Những việc như thế xảy ra với Bà Mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng và các bà mẹ nói chung rất phản cảm, thậm chí tạo sự bức xúc trong dư luận.

Việc này cần có thời gian để giải quyết ổn thỏa. Công an huyện vẫn tập trung nắm tình hình để tham mưu cho cơ sở giải quyết dứt điểm và đẩy nhanh tiến độ giải quyết sự việc” – ông Nam nói thêm.

Theo soha

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ